Bài 1: Nhiều rào cản trong chuyển đổi số

Ngành xuất bản Việt Nam đang trải qua cuộc chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của công nghệ số, vừa mang đến cơ hội chưa từng có để tiếp cận độc giả, vừa đặt ra không ít thách thức đòi hỏi sự thích ứng và đổi mới toàn diện.

Đa dạng hóa sản phẩm và hình thức

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang viết lại toàn bộ bức tranh của ngành công nghiệp tri thức, và xuất bản không nằm ngoài vòng xoáy đó. Tại hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng xuất bản phẩm trong tình hình mới” do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức tuần qua, TS. Trần Chí Đạt, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông chỉ ra rằng, những thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến cách tiếp cận thị trường, quy trình và phương thức xuất bản, mà còn tác động sâu sắc đến sự đón nhận của độc giả, vấn đề bản quyền và công tác quản lý xuất bản.

Trong hoạt động xuất bản, sự thay đổi đó đồng thời cũng làm thay đổi mô hình và quá trình từ sáng tạo đến tiêu dùng, từ tác giả đến bạn đọc. Ngành đang chuyển mình từ môi trường có giới hạn về không gian và thời gian sang môi trường trực tuyến, giúp các xuất bản phẩm tiếp cận độc giả toàn cầu một cách nhanh chóng và tiện lợi hơn bao giờ hết. Các nhà xuất bản không chỉ tạo ra sản phẩm, mà còn là nhà cung cấp dịch vụ nội dung, kết nối tác giả và độc giả. Ngược lại, các công ty dịch vụ thông tin cũng đang lấn sân, trở thành "bà đỡ" cho các xuất bản phẩm, tạo ra một hệ sinh thái xuất bản đa dạng và năng động.

 Công nghệ đang viết lại bức tranh xuất bản. Ảnh: Ng. Phương

Công nghệ đang viết lại bức tranh xuất bản. Ảnh: Ng. Phương

Chuyển đổi số đã làm đa dạng hóa các sản phẩm và hình thức xuất bản, đặc biệt là sự gia tăng nhanh chóng của xuất bản phẩm điện tử, xuất bản phẩm số. Thói quen đọc sách của người đọc cũng thay đổi, với sự phổ biến của sách điện tử (ebook) và sách nói (audio book).

Để đáp ứng nhu cầu đọc đa dạng của độc giả, các đơn vị xuất bản Việt Nam đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ để số hóa dữ liệu, tối ưu hóa quy trình làm việc và phát triển xuất bản điện tử. Số lượng nhà xuất bản tham gia phát hành điện tử ngày càng tăng, cung cấp được nhiều xuất bản số, sách điện tử, sách nói, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần xây dựng văn hóa đọc.

Số liệu thống kê năm 2023 cho thấy, 24/57 nhà xuất bản đã tham gia xuất bản và phát hành điện tử, chiếm 42,1%. Tỷ lệ xuất bản điện tử đạt 15,3%, vượt chỉ tiêu 12%; xuất bản phẩm ứng dụng công nghệ mới đạt hơn 4.000, tăng 19,4%, với khoảng 36 triệu bản, tăng 11%. Những con số này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của xuất bản số tại Việt Nam.

Tại thị trường Việt Nam, mặc dù mới ở giai đoạn sơ khai, đã chứng kiến sự ra đời và đi vào hoạt động của nhiều đơn vị hoạt động ở lĩnh vực sách nói và xuất bản phẩm điện tử như Voiz FM, Fonos, Waka, Soundio, và Bookas... Xuất bản kỹ thuật số giúp các đơn vị làm sách tiếp cận độc giả mọi nơi, giảm chi phí in ấn và phân phối, đồng thời phát triển các hình thức mới và trải nghiệm tương tác.

Thách thức lớn từ nhận thức và nguồn lực

Vi phạm bản quyền và nạn sao chép lậu, dù không phải vấn đề mới mẻ, nhưng vẫn luôn là một trong những thách thức lớn nhất đối với các đơn vị kinh doanh sách giấy và xuất bản phẩm điện tử. Đại diện Nhà xuất bản Trẻ cho biết, hành vi vi phạm bản quyền ngày càng tinh vi và bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới, không có giới hạn địa lý, nhằm làm cho người tiêu dùng và cơ quan chức năng khó phát hiện. Nhiều người dùng còn tiếp tay bằng cách đọc, xem, nghe các bản sao chép lậu trên mạng mà không hề ý thức được tác hại của hành vi này. Thậm chí, sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật để sản xuất nội dung khác trên mạng xã hội mà không xin phép hoặc trả tác quyền cũng diễn ra phổ biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tác giả và đơn vị xuất bản…

Sự phát triển không ngừng của công nghệ, đặc biệt là internet và các thiết bị di động, đã tạo điều kiện cho vi phạm bản quyền diễn ra một cách nhanh chóng và rộng khắp. Điều này không chỉ gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các đơn vị xuất bản, mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho các đơn vị cung cấp nội dung, đồng thời làm giảm động lực phát triển nội dung chất lượng cao từ các tác giả và nhà xuất bản.

Theo đại diện Công ty Cổ phần WeWe, sự e ngại của một số nhà xuất bản truyền thống trong hợp tác với các nền tảng sách nói cũng là một rào cản đáng kể. Những lo ngại về tính khả thi của doanh thu và tâm lý "sách nói sẽ ảnh hưởng đến doanh số sách giấy" khiến họ ngần ngại tham gia thị trường sách nói. Điều này vô hình trung làm chậm quá trình chuyển đổi số của ngành xuất bản Việt Nam.

Việc ứng dụng khoa học - công nghệ sẽ hỗ trợ xuất bản, phát hành thuận lợi hơn, có công cụ để hiểu người đọc hơn và có nhiều kênh thương mại điện tử, nền tảng số để phát hành sách đến độc giả nhanh hơn. Thị trường xuất bản ngày càng cạnh tranh, việc nắm bắt được nhu cầu của độc giả giúp nhà xuất bản đưa ra những sản phẩm nổi bật hơn, chiếm lợi thế trên thị trường trong nước và xa hơn là thị trường thế giới, tạo dựng mối quan hệ bền chặt với độc giả.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Chí Đạt, tại Việt Nam, các nhà xuất bản chưa ứng dụng công nghệ trong phân tích dữ liệu phục vụ công tác xuất bản của mình. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự chậm thay đổi tư duy và phương thức làm việc của các nhà xuất bản, từ cách quản lý đến cách sản xuất và phân phối sản phẩm. Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin và xuất bản số cũng đang là một rào cản lớn. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính hạn chế gây khó khăn cho đầu tư công nghệ, đào tạo nhân lực và phát triển các nền tảng số…

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-1-nhieu-rao-can-trong-chuyen-doi-so-post408466.html