Bài 1: Những thương vụ triệu USD của anh em ông chủ Bitexco
Sở hữu tập đoàn đa ngành với sản phẩm của nhiều ngành nghề trải dài từ Bắc vào Nam, hai anh em ông chủ Bitexco đã âm thầm thâu tóm những dự án triệu USD như thế nào?
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, hai anh em ông Vũ Quang Hội – Vũ Quang Bảo được nhìn nhận là cặp đôi có dòng máu kinh doanh âm thầm chảy trong huyết quản với những thương vụ làm ăn gây đình đám từ Bắc vào Nam.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, hiện nay ông Hội đang là đại diện pháp luật cho CTCP Bitexco và 13 doanh nghiệp khác trên thị trường, ông Vũ Quang Bảo là đại diện pháp luật cho BB Power Holdings và tới 43 doanh nghiệp khác. Đa phần đây đều là các doanh nghiệp chuyên về bất động sản và năng lượng.
Người anh chuyên tâm với BĐS hạng sang
Ông Vũ Quang Hội sinh năm 1963 tại làng Mẹo, tức làng Phương La, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm kinh doanh. Cha ông Hội, ông Vũ Quang Huy, bắt đầu với nghề dệt, rồi chuyển sang kinh doanh nước khoáng.
Từ năm 1989 đến năm 1998, ông giữ chức vụ Phó Giám đốc Công ty Bình Minh. Từ năm 1998 đến nay, ông Vũ Quang Hội giữ chức Chủ tịch hội đồng quản trị tại Bình Minh (tức Bitexco hiện nay).
Là một vị doanh nhân kín tiếng với truyền thông, từng bước đi trên thương trường của ông Hội gắn liền với tiến trình hình thành và phát triển của Bitexco Group.
Bắt đầu từ một công ty dệt nhỏ ở tỉnh Thái Bình vào năm 1985 tên Công ty Dệt Bình Minh (tiền thân là Công ty Dệt Rạng Đông), đến năm 1996 Bitexco đa dạng hóa ngành nghề sang đầu tư sản xuất nước khoáng Vital.
Sau đó, họ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực bao gồm bất động sản, thủy điện, hạ tầng giao thông, khoáng sản… khoảng thời gian từ 2000-2003. Đây cũng chính là giai đoạn thương hiệu Bitexco dần gây dựng tên tuổi của mình trên thị trường.
Ở lĩnh vực bất động sản, năm 2000, công trình đầu tiên của Bitexco cũng chính là dự án ghi một dấu mốc lớn là Tháp tài chính Bitexco Financial Tower nằm tại quận 1, Tp.Hồ Chí Minh. Ngay khi hoàn thành, tòa nhà cao 68 tầng này đã trở thành biểu tượng của Tp.Hồ Chí Minh trong thời đại mới.
Tòa nhà được xây dựng trên diện tích gần 6.100 m², tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 220 triệu USD (~5.208 tỷ đồng).
Tại đầu cầu miền Bắc, Bitexco tiếp tục ghi dấu ấn của mình với Khách sạn 5 sao mang thương hiệu J.W.Marriott tại Hà Nội, tọa lạc ngay tại trung tâm hành chính mới của Hà Nội và trong khuôn viên của Trung tâm Hội nghị Quốc gia với mức đầu tư rơi vào khoảng 200 triệu USD (~4.735 tỷ đồng).
Tiếp đà thành công, Bitexco đã triển khai hàng loạt các dự án khác như: The Manor tại Hà Nội; The Manor I & II tại Tp.Hồ Chí Minh; The Garden… đều là phân khúc bất động sản cao cấp với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Vũ Quang Hội còn hướng Bitexco trở thành Tập đoàn tư nhân tiên phong tại Việt Nam thực hiện các dự án xây dựng đường giao thông cao tốc thí điểm như: Dự án đường BT Chu Văn An (khởi công 5/2014), dự án đường tránh Thanh Hóa, và dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.
Ngoài những dự án bất động sản nghìn tỷ, Bitexco còn có hướng thú với những đập thủy điện khổng lồ, năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng.
Khởi động dự án đầu tiên trong lĩnh vực năng lượng vào năm 2002, đến nay, Tập đoàn Bitexco đang sở hữu 21 dự án năng lượng điện, 2 mỏ dầu khí, 1 nhà máy năng lượng mặt trời.
Người em với “chấp niệm” về năng lượng tái tạo
Đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc tại pháp nhân lõi của Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Bitexco) nhưng ông Vũ Quang Bảo (sinh năm 1970) lại đang xây dựng cho mình một con đường riêng, tách biệt hoàn toàn khỏi hệ sinh thái Bitexco của người anh trai Vũ Quang Hội.
Giống như Bitexco, ông Bảo cũng có mối quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, trong khi Bitexco tập trung vào thủy điện, thì BB Group lại đầu tư mạnh vào mảng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời thông qua pháp nhân là CTCP BB Group.
Công ty này có vốn điều lệ 500 tỷ đồng được ông Bảo góp vốn và thành lập vào tháng 4/2017, trong đó ông Bảo nắm giữ cổ phần chi phối với tỉ lệ 65% vốn.
Chỉ trong thời gian ngắn từ năm 2017 đến nay, doanh nghiệp này đã thâu tóm, đầu tư thành công hàng loạt các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Trong năm 2017, tập đoàn này đã hoàn tất sở hữu CTCP Du lịch dầu khí Sapa - đơn vị sở hữu khách sạn U-Sapa. Sau đó, BB Group đã đầu tư gần 70 tỷ đồng để cải tạo và nâng cấp khách sạn lên khách sạn 4 sao với tên gọi mới là BB Hotel.
Cho đến đầu năm 2019, BB Group thông qua pháp nhân phụ trách mảng năng lượng là CTCP BB Power Holdings đã mua lại Công ty TNHH Thủy điện Sông Lô 2.
Tiếp đó, vào tháng 10/2020, pháp nhân này cũng đã nhận chuyển nhượng thành công cổ phần CTCP Đầu tư và Phát triển Phong điện Gia Lai, qua đó hợp tác với CTCP Tập đoàn Hưng Hải thực hiện Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai có công suất 100 MW.
Cùng thời điểm đó, BB Power Holdings tiếp tục hoàn tất mua lại cổ phần chi phối trong bộ đôi dự án nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 1 và Mỹ Sơn 2 có tổng công suất 100MW tại Ninh Thuận từ CTCP Đầu tư Năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn (Hòa Bình).
Trước đó, BB Group đã thông qua Công ty TNHH MTV Sunrise Power Đăk PSI, hoàn tất thương vụ mua lại cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Năng lượng Thiên Niên Kỷ - chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 5.2 (Bình Thuận).
Ngoài ra, BB Group cũng đã thâu tóm thành công dự án CTCP Năng lượng Gio Thành - chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1 (Quảng Trị) với tổng quy mô 50 MW.
Theo thông tin công bố trên trang web của BB Group, hiện công ty của ông Bảo đang sở hữu 7 nhà máy điện mặt trời, 2 nhà máy điện gió và 4 nhà máy thủy điện.
Đón đọc >>> Bài 2: Saigon Glory và áp lực đáo hạn hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu.