Bài 1: Nông dân đổi đời từ cây quế
Dù không phải là địa phương đầu tiên của tỉnh đưa cây quế vào trồng, nhưng Bảo Yên lại là huyện có diện tích quế lớn nhất với 22.000 ha, chiếm hơn 1/2 diện tích quế toàn tỉnh. Song song với việc quy hoạch diện tích phù hợp, Bảo Yên đang đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, hình thành chuỗi sản xuất để nâng cao giá trị cây quế.
Đưa Bảo Yên trở thành trung tâm phát triển quế của vùng
Bảo Yên có thế mạnh về nông - lâm nghiệp, với diện tích đất tự nhiên lớn, trồng rừng trở thành nguồn sinh kế của phần lớn người dân địa phương. Giai đoạn trước, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương từng “đau đầu” tuyên truyền để người dân hạn chế mở rộng diện tích trồng sắn bởi gây bạc màu đất. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, diện tích trồng sắn và các cây lâm nghiệp kém hiệu quả dần được phủ xanh bởi cây quế.
Về “thủ phủ” quế
Với hơn 6.000 ha quế, 2 xã Xuân Hòa và Vĩnh Yên được gọi là “thủ phủ” quế của Bảo Yên. Phương pháp canh tác quế đã được người dân đúc kết thành quy trình chuẩn, đó là 2 năm đầu trồng sắn xen quế để che mát cho cây quế non, khi quế được 4 đến 5 năm tuổi, bắt đầu tỉa cành bán, đến khi tận dụng hết giá trị của lá quế mới khai thác vỏ.
Chúng tôi bất ngờ khi người nông dân mặc chiếc áo nâu đã sờn cổ, đi đôi dép tổ ong đang ngồi đối diện là một tỷ phú. Anh là Lò Trọng Huỳnh, người dân tộc Tày ở thôn Nậm Pạu, xã Vĩnh Yên. Anh Huỳnh cho biết: Gia đình nghèo khó, vất vả nên chẳng được học hành đến nơi đến chốn, tôi cũng muốn đi đây đó làm công nhân nhưng thiếu bằng cấp nên không thể xin việc. Xác định chỉ có thể bám vào ruộng, nương mà sống, gia đình tôi chọn hướng trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi trọc, giữ nước cho ruộng lúa. Trước đây, gia đình tôi trồng quế nhưng chưa nghĩ đến giá trị kinh tế của cây quế. Từ năm 2010 trở lại đây, khi giá quế rục rịch tăng, gia đình tôi mở rộng diện tích quế thay thế sắn và một số cây lâm nghiệp khác. Đến nay, gia đình tôi có 14 ha quế, trong đó hơn một nửa đã đủ tuổi khai thác. Ngoài ra, mỗi năm gia đình tỉa cành cũng thu được hơn 100 triệu đồng. “Trồng quế chỉ vất vả 2 - 3 năm đầu, sau đó cây khép tán, có thể tỉa lá bán dần” - anh Huỳnh cho biết.
Theo ông Hoàng Kim Tân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên, ở bản Nậm Pạu có 80% hộ trồng quế, hộ ít thì vài ha, hộ nhiều có đến hai chục ha, chỉ 5 năm nữa ở đây không thiếu tỷ phú. Ngoài Nậm Pạu, ở các bản Khuổi Vèng, Nà Pồng, Tạng Què, Nậm Khạo… đâu đâu cũng trồng quế. Ở đây, nhiều nông dân đã mua đất, mua nhà ngoài thị trấn Phố Ràng cho con ở đó tiện học hành.
Cùng dải đất phía Tây của huyện Bảo Yên, xã Xuân Hòa bạt ngàn quế và cũng không thiếu những tỷ phú nông dân nhờ loại cây này. Căn nhà sàn 4 gian lợp cọ vững chãi, tựa lưng vào đồi quế xanh mướt của ông Hoàng Văn Chức ở bản Vắc như một hình ảnh tiêu biểu của cuộc sống sung túc. Ông Hoàng Văn Thiến, Bí thư Chi bộ bản Vắc cho biết: Nhờ cây quế, thôn đã gần hết hộ nghèo. Bây giờ, nếu gia đình có việc, bà con chỉ cần cắt tỉa một ít quế là đủ chi tiêu.
Quế là cây trồng chủ lực
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên Hà Văn Quang cho biết: Cây quế được trồng rải rác ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cách đây 30 - 40 năm, tuy nhiên phải đến năm 2010, người dân mới thực sự quan tâm phát triển loại cây này. Ban đầu là thay thế một số cây trồng kém hiệu quả, đến năm 2013, khi có một doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến tinh dầu quế tại địa bàn thì diện tích trồng quế tăng nhanh, mỗi năm cả nghìn ha. Các xã có diện tích trồng quế lớn như Yên Sơn, Xuân Hòa, Vĩnh Yên liên tục vượt kế hoạch hằng năm.
Hiện tổng diện tích quế huyện Bảo Yên đạt 22.000 ha, tăng 4 lần so với thời điểm 2010. Trong đó, diện tích quế từ 1 đến 4 năm tuổi có 3.545 ha; diện tích quế trên 4 năm tuổi bắt đầu cho tỉa thưa lá, cành có 9.805 ha; diện tích quế trên 10 năm tuổi bắt đầu cho thu vỏ có 8.650 ha. Ước tính mỗi năm, người dân huyện Bảo Yên thu về hơn 1.120 tỷ đồng từ cây quế, bao gồm khai thác vỏ và tỉa cành, lá.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên Hoàng Kim Tân cho biết: Nhờ nguồn thu từ cây quế, xã Vĩnh Yên đã sớm đạt tiêu chí thu nhập (tiêu chí số 10) trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Đời sống người dân được nâng lên, vì vậy việc huy động nguồn lực trong dân để xây dựng các công trình công cộng như nhà văn hóa, đường giao thông... cũng thuận lợi hơn.
Trong 2 nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ huyện Bảo Yên vừa qua, quế luôn được xác định là một trong những cây trồng chủ lực. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thị trường biến động, một số cây trồng chủ lực khác như chè, sả, dâu tằm gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, thì người trồng quế vẫn “sống khỏe”, giá quế có chiều hướng tăng.
---------
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/348577-bai-1-nong-dan-doi-doi-tu-cay-que