Bài 1: Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng

Văn kiện và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2020 - 2025: 'Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ. Xây dựng và triển khai mạnh mẽ các giải pháp giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông (GT), đầu tư phát triển GT liên vùng, khai thác hiệu quả GT đường thủy, phát triển đường sắt đô thị (ĐSĐT), các đường vành đai'.

Đó là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định nhiệm vụ, giải pháp nghiên cứu đầu tư các tuyến ĐSĐT kết nối TPHCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... Tại Nghị quyết Số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã đặt mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Định hướng vùng đô thị

Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM trình bày tại Đề án phát triển ĐSĐT TPHCM gửi đến UBND TPHCM hồi đầu tháng 05/2024 và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã trình dự thảo đến Bộ GTVT, thì TPHCM xây dựng các trục từ thành phố (TP) kết nối với các đô thị lớn của vùng, các đường Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến ĐSĐT.

Với cơ sở thực tiễn, đó là trên thế giới hiện có khoảng hơn 200 TP có hệ thống ĐSĐT và hiện đang triển khai xây dụng ĐSĐT tại 32 TP, trong đó có TPHCM. Nhiều TP lớn đã đưa vào khai thác hệ thống này từ những năm đầu của thể kỷ XX như Madrid - Tây Ban Nha năm 1919, Tokyo - Nhật Bản năm 1927, Matxcova - Liên Bang Nga năm 1935... Hệ thống này có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển GT công cộng của các đô thị lớn trên thế giới. Thời điểm hiện tại, đã có trên 62 quốc gia (gồm 23 nước Châu Âu, 23 nước Châu Á, 12 nước Châu Mỹ, 3 nước Châu Phi và 1 nước Châu Đại Dương) có các tuyến ĐSĐT trong TP. Dự kiến, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều TP ở nhiều quốc gia tiếp tục đưa các tuyến ĐSĐT vào vận hành khai thác, trong đó có 2 đô thị lớn là TP Hà Nội và TPHCM của Việt Nam.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường trải nghiệm chuyến tàu Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)

Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường trải nghiệm chuyến tàu Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)

Trên cơ sở tổng kết một số kinh nghiệm trên thế giới có thể thấy, cơ bản các quốc gia đều đầu tư phát triển ĐSĐT từ rất sớm, là hình thức GT công cộng phổ biến tại các TP lớn trên thế giới, là giải pháp căn cơ, lâu dài giải quyết tình trạng ùn tắc GT tại các TP. Hệ thống ĐSĐT được hoạch định trên cơ sở tầm nhìn chiến lược, bảo đảm sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội các đô thị nói riêng và cả nước nói chung.

Hiện thực hóa kết luận của Bộ Chính trị

Mục đích xây dựng Đề án phát triển hệ thống ĐSĐT TPHCM theo Kết luận số 49/KL-TW của Bộ Chính trị để tổng kết tình hình triển khai đầu tư hệ thống ĐSĐT thời gian qua, làm cơ sở đề xuất định hướng phát triển, xây dựng lộ trình, kế hoạch, hình thức đầu tư, phương án huy động nguồn vốn và các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư phát triển mạng lưới ĐSĐT TPHCM nhằm hiện thực hóa Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định huớng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năn 2045, trong đó xác định mục tiêu: "Hoàn chỉnh mạng lưới ĐSĐT tại TPHCM vào năm 2035".

Bộ Chính trị cũng đã chấp thuận Đề án, thống nhất chủ trương đầu tư mạng lưới ĐSĐT TPHCM đến năm 2035 và các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư phát triển mạng lưới ĐSĐT TPHCM. Đồng thời, Quốc hội ban hành Nghị quyết về "Xây dựng mạng lưới ĐSĐT" cho phép TPHCM thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để hoàn thành mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới ĐSĐT TPHCM vào năm 2035. Theo lộ trình, vào quý III/2024, trình Bộ Chính trị chấp thuận Đề án, thống nhất chủ trương đầu tư mạng lưới ĐSĐT TPHCM đến năm 2035. Các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư phát triển mạng lưới ĐSĐT TPHCM. Đến quý I/2025, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về xây dựng toàn bộ mạng lưới ĐSĐT và cho phép TPHCM thí điếm một số cơ chế, chính sách đặc thù để hoàn thành mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới ĐSĐT TPHCM vào năm 2035 theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị.

Chuẩn bị đưa vào khai tác tuyến Metro số 1

Chuẩn bị đưa vào khai tác tuyến Metro số 1

Qua quá trình nỗ lực cho thấy, từ ngày 17/01/2024 đến ngày 19/01/2024, UBND TPHCM và UBND TP Hà Nội đồng chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học về "Phát triển hệ thống ĐSĐT của Hà Nội và TPHCM", với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia trong nước và quốc tế. Tại các phiên thảo luận, các chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Anh, Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)... đã chia sẻ kinh nghiệm quản lý, phát triển hệ thống ĐSĐT, trong đó có mô hình phát triển theo định hướng TOD (phát triển, quy hoạch đô thị). Ngày 28/02/2024, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM có Kết luận số 896-KL/TU "Cơ bản thống nhất chủ trương xây dựng Đề án". Trên cơ sở chỉ đạo của Văn phòng Trung ương Đảng tại văn bản số 9107-CV/VPTW ngày 29/02/2024; Ban cán sự Đảng Chính phủ tại văn bản số 2691, ngày 05/3/2024 về việc giao chuẩn bị Đề án hệ thống mạng lưới ĐSĐT TP Hà Nội, TPHCM đến năm 2035... Và mới đây, UBND TPHCM có công văn số 2801/VP-DA ngày 19/03/2024 và Thông báo số 344/TB-VP ngày 05/04/2024 của Văn phòng UBND TPHCM giao Sở GTVT TPHCM chủ trì phối hợp với Tổ Công tác xây dựng Đề án hoàn thiện Đề án trình UBND TP, báo cáo Bộ GTVT.

Giải bài toán giao thông công cộng

Sự cần thiết đầu tư mạng lưới ĐSĐT tại TPHCM, với bối cảnh thế giới đang trong tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình được nhiều quốc gia lựa chọn, trong đó đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh ngày càng gia tăng. Để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh như hiện nay, đòi hỏi hệ thống GTVT phải đi trước một bước, trong đó lấy trọng tâm là GT công cộng. Rất nhiều TP lớn trên thế giới đều chú trọng tập trung đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT để giải bài toán quá tải hạ tầng GT công cộng. GT công cộng được xem là xương sống của mạng lưới GT đô thị các TP lớn trên thế giới. Theo đó, phát triển đô thị gắn kết với GT công cộng theo mô hình TOD đã được thực hiện thành công tại nhiều nơi. Các đô thị gắn với các nhà ga ĐSĐT, cung cấp cho người dân điều kiện sống và di chuyển tốt hơn, hạn chế ô nhiễm môi trường là xu hướng được nhiều TP trên thế giới tập trung phát triển.

Thế và lực của nước ta đã từng bước lớn mạnh; khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh, ngày càng đóng vai trò quan trọng, một số doanh nghiệp bước đầu có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, có khả năng tiếp nhận, nội địa hóa và từng bước làm chủ công nghệ. Tuy nhiên, kinh tế trong nước vẫn còn nhiều thách thức về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh nền kinh tế; việc khai thác, phát huy các nguồn lực của nền kinh tế còn hạn chế; các đột phá chiến lược đã được nhận diện nhưng việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn; khoa học, công nghệ chưa thực sự trở thành động lực phát triển; nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại vẫn là thách thức. Hệ thống ĐSĐT TPHCM mới bắt đầu xây dựng năm 2007, tiến độ triển khai chậm, không đáp ứng nhu cầu vận tải, hạ tầng GT không bắt kịp tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay. Tình trạng mất cân đối về thị phần vận tải giữa các phương thức đã dẫn đến nhiều hệ lụy, như tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm, chi phí vận tải lớn, ô nhiễm môi trường...

TPHCM là trung tâm kinh tế lớn, TP đặc biệt của Việt Nam, với quy mô dân số lớn nhất cả nước (9,4 triệu người, trong đó dân số đô thị là khoảng 7,3 triệu người), tỷ lệ đô thị hóa cao nhất (gần 80%). Quy mô kinh tế dẫn đầu cả nước (63 tỷ USD; chiếm tỷ trọng khoảng 15,4% cả nước vào năm 2022). Tuy nhiên tỷ trọng của TPHCM trong nền kinh tế quốc gia có xu hướng giảm dần, có mức độ tăng trưởng và thu nhập bình quân thuộc loại khá trong nước với tốc độ tăng trưởng đạt 6,4% trung bình năm (2016 - 2020, xếp thứ 7 cả nước). GRDP bình quân đứng thứ 6 (159,4 triệu đồng/người/năm, gấp 1,66 lần GRDP trung bình cả nước). Ở một số lĩnh vực khác, trình độ phát triển còn ở mức thấp. Thông qua những chỉ số, có thể xác định TPHCM chưa thể hiện một cách đầy đủ vai trò là "trung tâm, động lực, đầu tàu đẫn đắt và cửa ngõ kết nối với khu vực và thế giới".

(Còn tiếp...)

VĂN TOÀN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/bai-1-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-va-bao-dam-an-ninh-quoc-phong_162293.html