Bài 1: Thời cơ đã điểm, bộ máy phải tinh gọn

Tinh gọn tổ chức bộ máy là tư tưởng xuyên suốt được bắt đầu ngay từ khi dựng nước và trong suốt quá trình giữ nước của dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, tinh gọn tổ chức bộ máy chính là sự tiếp nối sáng tạo dòng chảy của lịch sử dân tộc trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, mang tới cơ hội to lớn trong phát triển đất nước.

Có thể thấy rõ điều này trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vào đầu tháng 12/2024. Tổng Bí thư nêu: Câu hỏi được đặt ra lúc này là chúng ta đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa? Câu trả lời là: Đã đủ.

Những câu hỏi và câu trả lời trên, tự thân đã khẳng định sự cần thiết và ý nghĩa quan trọng của cuộc cách mạng tinh gọn về bộ máy. Đó cũng là đòi hỏi, là mệnh lệnh mà toàn thể hệ thống chính trị phải thực hiện để đất nước “cất cánh”. Việc tinh gọn tổ chức bộ máy phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Yêu cầu chung là bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay…

Trong bài phát biểu đó, Tổng Bí thư cũng khẳng định: “Đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước vì đã nhiều Đại hội của Đảng từ các nhiệm kỳ trước từng đặt ra vấn đề này, đặc biệt là từ Đại hội XII đến nay”. Cùng với đó: “Thời gian không chờ đợi chúng ta. Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay, sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với nhân dân”.

Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), Tổng Bí thư có bài viết: Rạng rỡ Việt Nam. Trong bài viết này, Tổng Bí thư chỉ rõ: Quyết tâm củng cố tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo.

Trong nhiều kỳ đại hội gần đây, các văn kiện đại hội đều nhấn mạnh các nhiệm vụ cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy hoặc nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Đảng cũng đã liên tục ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại…

Chính vì vậy, cho đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng.

So với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học - công nghệ, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tình trạng “Nói không đi đôi với làm”.

Vì vậy, công tác trọng tâm trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới là xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới” - Tổng Bí thư nói.

Trước đó, trong bài viết: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, Tổng Bí thư nêu thực trạng: Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế.

Sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, cản trở phát triển, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Còn nhớ tại phiên họp tổ của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV ngày 13/2, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh thời điểm này là “thời cơ vàng” để thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy. Việc tinh gọn tổ chức bộ máy quan trọng nhất, quan trọng hơn cả là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước để đưa đất nước ta phát triển.

“Mục tiêu của cuộc cải cách về tổ chức bộ máy nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chỉ có tăng trưởng thì mới có đủ tiềm lực bảo vệ đất nước, bảo vệ Tổ quốc, đủ điều kiện để thực thi các chính sách của Đảng, Nhà nước, đạt được các mục tiêu mới, bỏ được nguy cơ tụt hậu” - Tổng Bí thư cho biết.

Đặt vấn đề "tại sao phải tinh gọn" tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng 13/2, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho rằng, hiện nay, ngân sách quốc gia đang dành tới 70% cho chi thường xuyên, bộ máy quá cồng kềnh. Muốn tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đường sá, cơ sở hạ tầng mà trông cậy vào 30% thì không có cách nào khác là phải tinh gọn. Tuy nhiên, để tinh gọn hiệu quả, cần phải có hành lang pháp lý phù hợp.

Quả thực, một nhiệm vụ rất quan trọng trong thực hiện sắp xếp bộ máy đó là việc hoàn thiện thể chế phải đi trước một bước để tạo khung khổ pháp lý cho bộ máy mới vận hành trơn tru. Cùng với sắp xếp, tinh gọn, việc rà soát các quy định pháp luật liên quan để chủ động chuẩn bị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo đúng quy định, bảo đảm chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua các phương án sắp xếp là điều vô cùng cấp thiết.

Thực tiễn, trong thời gian qua, Đảng ta đã liên tục ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận để thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực hiệu quả.

Chẳng hạn, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ươnng ban hành về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Kết luận số 50-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Gần đây, Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kết luận số 128-KL/TW, ngày 7/3/2025 của Bộ Chính trị về chủ trương công tác cán bộ; Kết luận số 126-KL/TW về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025…

Đáng chú ý, tại Kết luận 127-KL/TW nêu rõ: Xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã; đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước…

Cùng với đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Cụ thể, với sự đồng thuận cao, Quốc hội đã thông qua 4 luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); 1 nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và 4 nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV…

Tại Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc vào đầu tháng 5/2025 với thời gian dài nhất (khoảng 2 tháng), sẽ xem xét, thông qua khối lượng lớn các luật, nhất là việc sửa đổi Hiến pháp 2013 và các luật liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Bên cạnh đó, từ giữa tháng 4/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ họp liên tục “ngày đêm” để điều chỉnh địa giới hành chính cấp xã.

Giữa những khối lượng công việc “khổng lồ” ấy, càng cho thấy nỗ lực, quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc tạo lập hành lang pháp lý, hoàn thiện thể chế - yếu tố then chốt phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước để bước vào kỷ nguyên mới.

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội - bày tỏ, thực tế cho thấy, bất cứ một quốc gia, dân tộc nào cũng luôn cần một bộ máy chất lượng để đảm nhiệm hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

“Một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là cơ sở để giải phóng sức sáng tạo, khơi thông các điểm nghẽn, đưa đất nước vận hành trơn tru, phát triển không ngừng. Ngược lại, một bộ máy cồng kềnh, hoạt động chồng chéo, trì trệ, kém hiệu quả sẽ tạo ra những nút thắt, cản trở quá trình vận hành, phát triển đất nước” - đại biểu Trương Xuân Cừ nói.

Lần này, quyết tâm của chúng ta rất lớn. Tinh gọn không chỉ bộ máy của Chính phủ, các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mà còn chuyển động mạnh mẽ từ Trung ương xuống địa phương, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, giảm số lượng cấp xã. Như vậy, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ được tổ chức trong toàn hệ thống chính trị, tổng thể, đồng bộ và toàn diện.

PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng -Văn hóa Trung ương cho biết, trong thời kỳ mới, trước yêu cầu “nóng bỏng” phải chuyển mình, tăng tốc, bứt phá, cần tiếp tục sắp xếp, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị với tinh thần một cuộc cách mạng rất quyết liệt, khẩn trương.

Quá trình sáp nhập theo Kết luận số 127-KL/TW hướng tới mục tiêu tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, mạnh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

"Chúng tôi nhận thức sâu sắc, sau cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy với hệ thống chính trị được xây dựng tinh, gọn, mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền sẽ tiến hành thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ lịch sử của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của toàn dân tộc" - PGS.TS Đào Duy Quát nhấn mạnh.

Còn nữa

Còn nữa

Quỳnh Nga - Lan Anh - Lê An

Đồ họa: Hồng Thịnh

Quỳnh Nga - Lan Anh - Lê An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-1-thoi-co-da-diem-bo-may-phai-tinh-gon-380154.html