Bài 1: 'Trái ngọt' nông thôn mới xứ Thanh

Dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và thách thức lớn từ bộ tiêu chí mới với yêu cầu cao hơn, song với quyết tâm, đồng lòng và những cách làm sáng tạo, bài bản của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Thanh Hóa theo các tiêu chí mới đã gặt hái được nhiều thành quả. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu về đích, cần sự quyết liệt trong triển khai đồng bộ giải pháp để gỡ các 'điểm nghẽn'.

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa

Từ đầu giai đoạn đến nay, Thanh Hóa đã có thêm 4 đơn vị cấp huyện, 32 xã và 148 thôn/bản miền núi được công nhận đạt chuẩn nông NTM; 45 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 9 xã và 247 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hiện bình quân toàn tỉnh đã đạt 17,72 tiêu chí NTM/xã, tăng 0,22 tiêu chí so với năm 2020... Kết quả này chính là những "trái ngọt" sau quá trình nỗ lực vượt khó của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân xứ Thanh.

Cải thiện rõ rệt đời sống người dân

Những ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp, những tuyến đường bê tông được mở rộng, trải dài đến từng xóm, làng với đôi bờ hoa, cây xanh đẹp mắt; hệ thống điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa các khu dân cư được đầu tư xây dựng giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao... là những nét đẹp đang dần hiển hiện ở hầu khắp các vùng nông thôn tỉnh Thanh Hóa.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn khẳng định: diện mạo khang trang, đời sống người dân ngày càng khởi sắc, kết quả này có được là do trong chặng đường xây dựng NTM, tỉnh luôn coi phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, không chỉ nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, mà còn tạo nguồn lực để các địa phương thực hiện lộ trình xây dựng NTM theo hướng bền vững. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các địa phương đã tích tụ, tập trung được 15.466ha ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi 5.304ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, lồng ghép vốn hỗ trợ xây dựng NTM với các nguồn vốn khác để triển khai các chương trình, dự án phát triển sản xuất với gần 2.000 mô hình được hình thành.

Giai đoạn này, Thanh Hóa cũng thu hút được thêm 2 doanh nghiệp lớn thu mua chế biến lúa gạo, 9 doanh nghiệp thu mua chế biến rau quả; xây dựng được 39 khu, cụm trang trại chăn nuôi tập trung, đẩy mạnh phát triển sản xuất, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp và các HTX vào các chuỗi liên kết sản xuất; giai đoạn 2021 - 2022, đã có thêm 223 sản phẩm OCOP mới được công nhận.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Văn Cường, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật; tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người dân. Đến hết năm 2022, thu nhập bình quân khu vực nông thôn của tỉnh Thanh Hóa đạt 37,52 triệu đồng/người/năm.

Kinh tế phát triển, thu nhập được nâng lên, người dân, doanh nghiệp có điều kiện hưởng ứng, tham giá đóng góp sức người, sức của vào xây dựng NTM. Hai năm qua, từ nhiều nguồn vốn huy động cho chương trình, toàn tỉnh đã nâng cấp và xây dựng mới gần 2.800km đường giao thông nông thôn, hơn 930km kênh mương và rãnh thoát nước, 229 công trình thủy lợi, gần 1.300km đường điện, 331 trạm biến áp...

Nhân lên sức mạnh "ý Đảng lòng dân"

Bước vào Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, Thanh Hóa cũng như các địa phương trong cả nước gặp phải rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong khi đó, Trung ương đã ban hành bộ tiêu chí xây dựng NTM với yêu cầu cao hơn. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thanh Hóa đã ban hành hàng chục văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình theo tinh thần "càng khó càng phải nỗ lực nhiều hơn”. Để động viên, khích lệ phong trào xây dựng NTM, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, như: “thưởng” các xã, huyện về đích NTM các cấp độ giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết 185/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; tăng cường hỗ trợ cho các huyện, xã chưa đạt chuẩn, các xã miền núi dưới 15 tiêu chí để thu hẹp khoảng cách giữa các vùng;…

Trên cơ sở định hướng, quyết tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, các cấp, ngành, địa phương, các đoàn thể chính trị xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã vào cuộc quyết liệt. MTTQ Việt Nam các cấp triển khai nhiều cuộc vận động, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, xây dựng và nhân rộng 38 mô hình “Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp”; vận động hơn 4.000 khu dân cư xây dựng và bổ sung hương ước. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh có cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Nhà sạch vườn đẹp”, “Đường hoa phụ nữ”, “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ”...

Trong 2 năm, toàn tỉnh đã huy động được gần 14.000 tỷ đồng thực hiện xây dựng NTM, trong đó vốn huy động từ doanh nghiệp và cộng đồng dân cư gần 2.190 tỷ đồng. Về phía người dân, ở khắp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, phong trào hiến đất, phá dỡ công trình phụ để mở rộng đường; đóng góp ngày công lao động; quyên góp tiền, hiện vật;… đang không ngừng lan tỏa sâu rộng. Có thể kể đến “thành quả” ở thôn Thượng Đình 2, xã Quảng Định (Quảng Xương), trong năm 2021 - 2022, thôn đã vận động nhân dân hiến 767m2, tháo dỡ kiến trúc, làm mới 1,2km tường rào, bê tông hóa, nhựa hóa 1,9km đường trục thôn; 1,98km đường ngõ xóm, 2,5km đường trục nội đồng. Đến nay, hệ thống giao thông trong thôn cơ bản hoàn thiện, có camera an ninh... Thôn Thượng Đình 2 vinh dự được công nhận thôn NTM kiểu mẫu.

Để có được sự đồng thuận, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong xây dựng NTM, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng khẳng định, tỉnh Thanh Hóa luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu ý nghĩa của chương trình NTM. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện chương trình, người dân luôn đóng vai trò chủ thể, tham gia bàn bạc, hiến kế, giám sát, thực hiện và hưởng lợi. Nhờ đó, người dân không ngần ngại đóng góp công sức, tiền của cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-1-trai-ngot-nong-thon-moi-xu-thanh-i325921/