Bài 1: Việt Nam có thể trở thành trung tâm chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi tại châu Á - Thái Bình Dương

Vừa qua, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam đã thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu về chuỗi cung ứng công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam, từ đó đưa ra những gợi mở để Việt Nam trở thành một trung tâm chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại châu Á - Thái Bình Dương.

Thị trường điện gió ngoài khơi Việt Nam được đánh giá là đầy hứa hẹn, với tốc độ gió cao hàng đầu thế giới và điều kiện đáy biển thuận lợi. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng đang được ngành Dầu khí trong nước sử dụng, kết hợp với cơ sở hạ tầng điện gió trên bờ và gần bờ hiện có, có tiềm năng hỗ trợ phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi trong nước. Đơn đặt mua các bộ phận trong cấu trúc điện gió ngoài khơi gần đây từ các thị trường quốc tế báo hiệu sự khởi đầu đầy hứa hẹn để Việt Nam trở thành một trung tâm chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi ở châu Á - Thái Bình Dương (Ảnh minh họa)

Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi ở châu Á - Thái Bình Dương (Ảnh minh họa)

Hạ tầng đủ để phát triển điện gió ngoài khơi

Nghiên cứu của Na Uy về phát triển chuỗi cung ứng công nghiệp điện gió ngoài khơi đã đưa ra các đánh giá tại Việt Nam về cơ sở hạ tầng cảng nhằm cung cấp hiểu biết về cơ sở hạ tầng hàng hải hiện có của Việt Nam và đưa ra định hướng phát triển cảng trong tương lai, đồng thời xác định khả năng hỗ trợ hậu cần và vận hành các dự án điện gió ngoài khơi; Đánh giá nhà cung cấp trong nước nhằm xác định các nhà cung cấp trong nước có khả năng cung cấp các bộ phận cho trang trại điện gió ngoài khơi. Tập trung vào chế tạo móng, trụ, vỏ bọc và các lĩnh vực nổi bật cần cải thiện, từ đó cho phép các nhà cung cấp đáp ứng các nhu cầu đã có và đang ngày càng tăng đối với các bộ phận trong cấu trúc điện gió ngoài khơi.

Mặt khác, nghiên cứu chỉ ra rằng công nghiệp điện gió ngoài khơi sẽ tạo việc làm khá lớn (thu nhập trung bình cao) sẽ tác động đến kinh tế - xã hội ở phương diện tạo thêm việc làm trong tương lai do phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Tài liệu phân tích này đã xác định các cảng phù hợp để lắp ráp, dựng và vận chuyển móng và các bộ phận của tua bin gió. Việc phân tích được dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như không gian sẵn có của cảng, độ sâu của nước, khả năng neo đậu, thiết bị nâng, khả năng tiếp cận và mức độ sẵn sàng tổng thể của cơ sở hạ tầng trong việc xử lý các bộ phận như vỏ, cánh quạt, trụ và móng. Kết quả là đã xác định được các cảng có tiềm năng hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi.

Các cảng ở khu vực phía Bắc, bao gồm cả các cảng ở cụm cảng Hải Phòng, đang cho thấy năng lực thấp trong việc hỗ trợ ngành điện gió ngoài khơi, đòi hỏi đầu tư cao hơn và thời gian phát triển dài hơn. Người ta nhận thấy rằng chiều cao có hạn của nhiều nhà máy đóng tàu nổi tiếng ở miền Bắc sẽ hạn chế đáng kể việc vận chuyển móng. Hạn chế về chiều cao kết hợp với vị trí địa lý gần các nơi sản xuất linh kiện điện và cáp (Công ty Cổ phần Cáp điện và Hệ thống LS-VINA, Công ty TNHH GE Việt Nam và Công ty TNHH ABB Automation and Electrification (Việt Nam) khiến các nhà máy này lý tưởng cho việc phát triển các thành phần phức tạp nhỏ hơn như dây chuyền lắp ráp tua bin gió phát điện (WTG) hoặc các thành phần của trạm biến áp ngoài khơi (OSS) trong tương lai. Cuối cùng, các cảng này cũng có thể tận dụng kinh nghiệm đóng tàu có bề dày của mình để đóng các tàu chuyên dụng cho điện gió ngoài khơi.

Các cảng ở khu vực phía Nam có điều kiện thuận lợi để xây dựng các bộ phận lớn hơn, rất có thể là do ảnh hưởng bởi sự hiện diện từ lâu của ngành Dầu khí. Một địa điểm đáng chú ý là cụm cảng Vũng Tàu, nơi Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đang tiên phong trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Khu vực cạnh bến cảng và sân bãi ùn tắc do hoạt động dầu khí ở Vũng Tàu có thể cản trở hoạt động tập kết để phát triển trong tương lai. Cụm cảng Thị Vải cũng có thể đóng vai trò là trung tâm sản xuất và lắp ráp do có sự hiện diện của các cơ sở sản xuất lớn cho trụ điện gió và móng thép lớn (CS Wind và SREC).

Trong tương lai, cụm cảng này cũng có tiềm năng phát triển về sản xuất móng đơn. Để thúc đẩy phát triển năng lực chuỗi cung ứng nội địa, các cảng phía Nam cần tiếp tục bồi dưỡng năng lực sản xuất móng và trụ. Các cảng ở Vũng Tàu cần thống nhất phối hợp hành động, để nâng cao năng lực và hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất. Việc các cảng phối hợp trong các hoạt động khác nhau là rất cần thiết và cho phép tối ưu hóa các hoạt động hậu cần, đảm bảo thực hiện liền mạch các dự án.

Cảng Vũng Tàu được đánh giá đủ khả năng chế tạo, cung cấp chân đế, lắp đặt cột thu gió ngoài khơi.

Cảng Vũng Tàu được đánh giá đủ khả năng chế tạo, cung cấp chân đế, lắp đặt cột thu gió ngoài khơi.

Các nhà cung cấp đang do dự đầu tư vào điện gió ngoài khơi Việt Nam

Bản báo cáo của Na Uy cho rằng các nhà cung cấp trong nước đã được phân tích để đánh giá tiềm năng hỗ trợ các dự án điện gió ngoài khơi dựa trên khả năng hiện có và sự sẵn sàng hỗ trợ các dự án phụ thuộc nhiều vào cơ sở hạ tầng kiểu này. Nghiên cứu xác định, các nhà cung cấp trong nước đã từng hỗ trợ các dự án điện gió ngoài khơi hoặc đã công bố kế hoạch tham gia chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi. Phân tích tập trung vào kinh nghiệm, khả năng sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng và kế hoạch mở rộng trong tương lai của nhà cung cấp.

Còn bản đánh giá các nhà cung cấp chỉ ra rằng năng lực sản xuất móng và trụ hiện tại của Việt Nam có thể đáp ứng các yêu cầu cụ thể về điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, do nhu cầu trong nước, kéo theo là trong khu vực, được dự đoán là sẽ tăng, nên cơ sở hạ tầng hiện tại sẽ không thể đáp ứng việc cung cấp các bộ phận chính như cánh và vỏ của WTG. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà sản xuất thiết bị gốc cho WTG vẫn chưa xác nhận kế hoạch thành lập các cơ sở sản xuất như vậy tại Việt Nam.

Đáng lưu ý, các nhà cung cấp thừa nhận rằng các quyết định đầu tư của họ liên quan chặt chẽ tới sự phát triển của thị trường điện gió ngoài khơi ở Việt Nam và thị trường này cần được đảm bảo bằng một lộ trình dự án nhất quán. Một lộ trình dự án nhất quán là nền tảng cho sự phát triển của chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng điện gió ngoài khơi trong nước.

Một yếu tố quan trọng khác có thể góp phần phát triển chuỗi cung ứng trong nước là hoàn thiện khung pháp lý cụ thể về điện gió ngoài khơi. Việt Nam, tính đến thời điểm thực hiện báo cáo này, vẫn chưa thiết lập được khung pháp lý như thế, dẫn đến các chủ đầu tư không sẵn sàng hợp tác với các nhà cung cấp trong nước và cam kết đầu tư vào cơ sở hạ tầng nội địa.

Các nhà cung cấp hiện mới đang thực hiện các bước sơ bộ để khởi động sự phát triển chuỗi cung ứng trong nước, tiến hành nghiên cứu thị trường, thiết lập mối quan hệ với các nhà cung cấp trong nước khác, thúc đẩy quan hệ và hợp tác, cũng như thúc đẩy năng lực điện gió ngoài khơi của họ thông qua các sáng kiến tiếp thị và thành lập văn phòng đại diện kinh doanh.

Công nghiệp điện gió ngoài khơi sẽ tạo ra nửa triệu việc làm mới

Ngành công nghiệp năng lượng, điện gió ngoài khơi có thể tạo ra 55.000 việc làm trong thời gian ngắn. (Ảnh minh họa)

Ngành công nghiệp năng lượng, điện gió ngoài khơi có thể tạo ra 55.000 việc làm trong thời gian ngắn. (Ảnh minh họa)

Các dự án điện gió ngoài khơi mang đến cơ hội việc làm xuyên suốt toàn bộ vòng đời của dự án, trải dài từ các giai đoạn phát triển, cho đến xây dựng và vận hành. Phân tích chỉ ra tiềm năng đầy hứa hẹn trong việc tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao, mang lại cơ hội chuyển giao công nghệ và trao đổi/chia sẻ kiến thức. Nhân sự trong nước có thể được huy động vào nhiều vị trí khác nhau trong ngành điện gió ngoài khơi, chẳng hạn như kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện, chuyên môn về môi trường và quản lý dự án. Khi lĩnh vực điện gió ngoài khơi tiếp tục phát triển, tiềm năng tạo ra việc làm trực tiếp, việc làm gián tiếp và việc làm phát sinh sẽ tăng lên.

Ước tính rằng sẽ có khoảng 55.000 việc làm trực tiếp, gián tiếp và phát sinh, được tạo ra trong quá trình phát triển công suất điện gió ngoài khơi 6 GW như được trình bày trong Quy hoạch điện VIII. Sự phát triển này có thể tạo ra hai ngành công nghiệp năng lượng tái tạo liên vùng, ở phía Bắc và phía Nam, với các trung tâm dịch vụ liên quan.

Trọng tâm cụ thể là các hoạt động sản xuất, dịch vụ, nghiên cứu và đào tạo, cũng như vận hành và bảo trì. Các tỉnh thành trọng điểm có thể được hưởng lợi từ việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi là Quảng Ninh, Hải Phòng ở phía Bắc và TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bình Thuận và Ninh Thuận ở phía Nam.

Khuyến nghị từ Na Uy chỉ ra rằng tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam mang đến cơ hội đặc biệt để phát triển cơ sở hạ tầng điện gió ngoài khơi và chuỗi cung ứng quốc gia. Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất, hỗ trợ ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở quy mô rộng hơn trong khu vực. Tuy nhiên, thông qua tương tác với các nhà cung cấp, nghiên cứu đã chỉ ra rằng các nhà cung cấp đang do dự trong việc mở rộng năng lực hiện tại vì lộ trình các dự án không rõ ràng và chủ yếu được thúc đẩy bởi "mong muốn" đẩy mạnh năng lượng gió ngoài khơi của Chính phủ.

Na Uy và Việt Nam đều có đường bờ biển dài, nguồn lợi gió dồi dào. Doanh nghiệp Na Uy có nhiều năm kinh nghiệm và sở hữu các công nghệ tiên tiến trong phát triển điện gió ngoài khơi; vận tải biển xanh; lưu trữ carbon; hydrogen, truyền tải điện...

Bùi Công

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bai-1-viet-nam-co-the-tro-thanh-trung-tam-chuoi-cung-ung-cho-dien-gio-ngoai-khoi-tai-chau-a-thai-binh-duong-719457.html