Bài 1: Vượt khó duy trì sản xuất
Đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng lớn. Để đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhiều chính sách đã được Chính phủ cũng như các ngành ban hành kịp thời.
Dịch Covid-19 đã và đang tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, với những chiến lược cụ thể, các DN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.
Tìm hướng đi riêng, tận dụng và khai thác tối đa thị trường nội địa là cách mà nhiều DN tiếp cận để ổn định sản xuất, kinh doanh.
CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN
Năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến sức mua toàn cầu giảm, hoạt động giao thương hạn chế, nguồn cung nguyên phụ liệu bị gián đoạn, thị trường xuất khẩu bị đứt đoạn. Đơn hàng giảm mạnh hoặc bị hủy khiến kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh và từ đó sản lượng, doanh thu của hầu hết các DN giảm đáng kể.
Trên bình diện tổng thể, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN dù là tác động trực tiếp hay gián tiếp, đặc biệt là các DN xuất khẩu. Các DN trong lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc, thủy sản… chịu tác động lớn nhất với nhiều khó khăn như: Nguồn cung nguyên liệu, chi phí xuất khẩu tăng, đơn hàng giảm…
Những khó khăn trong 2020 chưa được cải thiện, trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh lại diễn biến khó lường. Hệ lụy là các nước nhập khẩu số lượng lớn mặt hàng may mặc của Việt Nam trước đây, hiện đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch. Dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng trên toàn cầu, giảm mạnh nhu cầu mặt hàng may mặc…
Ông Nguyễn Tấn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hoan Vinh (xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành) cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, dòng tiền và nhân công của DN. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn, từ đó, đơn hàng giảm, hoạt động sản xuất của DN phải trì hoãn. Chưa kể, DN cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19. “Thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như DN dễ bị vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ và khả năng thanh toán”- ông Thanh cho biết.
Cùng chịu tác động từ dịch Covid-19, bà Huỳnh Thị Xuân Mai, Giám đốc Công ty TNHH Kim Tuấn (huyện Gò Công Đông) chuyên sản xuất bột cá cho biết, công ty cung cấp bột cá cho các công ty nước ngoài có chi nhánh trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, từ khâu cung cấp nguyên liệu, sản xuất, cho đến khâu xuất hàng… Chính vì thế, so với thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát, việc mua bán chậm hơn, lượng đơn hàng giảm khoảng 30%. Tuy nhiên, dù có ảnh hưởng nhưng DN vẫn duy trì việc làm cho công nhân, lao động, không để công nhân nghỉ việc hay bị giảm thu nhập.
TÌM CÁCH VƯỢT KHÓ
Ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thu nhập của người lao động luôn là sự quan tâm hàng đầu của lãnh đạo nhiều DN. Do ảnh hưởng dịch bệnh, đơn hàng xuất khẩu giảm đáng kể, nhiều DN đã chuyển hướng sang khai thác tối đa thị trường nội địa. Ông Lê Văn Phúc, Giám đốc Công ty cổ phần Sakos Tiền Giang (huyện Gò Công Tây) chuyên lĩnh vực may hành lý cho biết, ngành may mặc nói chung và may hành lý nói riêng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 khá nặng nề. Do thị trường bị thu hẹp, đối tác không có nhu cầu mua hàng như trước, dẫn đến doanh số giảm. Để ổn định sản xuất, các DN phải sắp xếp lại nguồn lao động, chi phí, kế hoạch kinh doanh…
Riêng công ty đã chủ động được hàng hóa từ trước, nên hiện vẫn giữ nguyên bộ máy hoạt động. Đồng thời, tìm kiếm thêm nguồn lao động để đảm bảo nhu cầu sản xuất. “Các đơn vị khác trong tình trạng sản xuất cầm cự, phải giảm lao động, sắp xếp tinh gọn bộ máy sản xuất nhằm hạn chế rủi ro; đồng thời, chỉ nhận đơn hàng có lợi nhuận chấp nhận được, còn lại đều hạn chế. Tuy nhiên, Sakos vẫn mở rộng thị trường bằng cách nhận làm hàng cho phân khúc giá thấp hơn, linh động hơn, cho nên có thêm đơn hàng, việc làm, giữ được bộ máy, nhân sự của mình” - ông Lê Văn Phúc cho biết thêm.
Song song với hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng được các DN đặc biệt quan tâm. Bởi thực tế, việc phòng, chống dịch hiệu quả cũng là một trong những giải pháp giúp DN duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Lãnh đạo Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hoan Vinh cho biết, DN thường xuyên thông tin, tuyên truyền cho công nhân nắm về diễn biến dịch Covid-19; đồng thời, nhắc nhở công nhân mang khẩu trang. Mỗi buổi sáng khi vào xưởng làm việc công nhân phải rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Đối với Công ty TNHH Việt Khánh (huyện Cái Bè), hiện DN có 1.200 công nhân viên chuyên sản xuất áo sơ mi và Jacket các loại. DN cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19 như: Nguồn cung cấp nguyên phụ liệu bị thiếu hụt, lượng khách hàng giảm… Tuy nhiên, với sự quyết tâm và nỗ lực của Hội đồng thành viên và Ban lãnh đạo công ty, DN luôn tìm kiếm nguồn khách hàng, nguồn nguyên phụ liệu, thực hiện thay đổi phương thức thức sản xuất, chủng loại hàng hóa, cải tiến công nghệ…
Ông Ngô Sỹ Tuấn, Phó Giám đốc Thường trực Công ty TNHH Việt Khánh cho biết, DN đã chuyển sang may các mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19 như: Khẩu trang, quần áo phòng dịch, các sản phẩm phòng dịch khác… Tận dụng nguồn vải có sẵn để may hàng nội địa, gia công, để chờ đợi cơ hội mới. Công ty vẫn đảm bảo những chính sách tiền lương cho công nhân, chăm lo đời sống người lao động nhằm tạo mối quan hệ hài hòa giữa DN và người lao động, để họ yên tâm gắn bó lâu dài với công ty.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh kinh tế - xã hội bị tác động lớn của đại dịch Covid-19, mỗi DN đều có những chiến lược riêng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và chăm lo cho người lao động. Đó là bước đi cần thiết và hiệu quả trước khi chờ những gói chính sách hỗ trợ của nhà nước.
LÝ OANH
(Còn tiếp)