Bài 2: Bảo vệ an toàn lực lượng hậu cần phục vụ chiến dịch
Cùng với các lực lượng, để bảo đảm cho thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Công an đã thành lập 'Ban Công an tiền phương' nằm trong Hội đồng cung cấp Mặt trận Trung ương do đồng chí Trần Triệu phụ trách. Ban Công an tiền phương có nhiệm vụ phối hợp Công an các đơn vị, địa phương tổ chức truy quét các đối tượng gián điệp, biệt kích, chỉ điểm, phỉ, bảo vệ an toàn lực lượng tham gia chiến dịch, nơi đóng quân, kho tàng, bến bãi và quá trình vận chuyển vũ khí, khí tài ra mặt trận; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị bộ đội, dân công thực hiện quy định về phòng, chống khói lửa, 'phòng gian bảo mật', thực hiện 'ba không', che chắn kho tàng không để địch phát hiện ném bom bắn phá hoặc dùng biệt kích phá hoại, hạn chế và giảm thiểu tốn thất về người và tài sản, phục vụ hiệu quả cho trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ.
Để làm trong sạch một địa bàn rộng lớn nơi các tuyến đường vận chuyển huyết mạch của ta lên chiến trường Điện Biên Phủ, hướng từ Thanh Hóa ra, từ Liên khu III và Hòa Bình, Sơn La lên, từ Yên Bái qua Nghĩa Lộ và từ Phong Thổ - Lai Châu sang, Bộ Công an đã chỉ đạo Ban Công an tiền phương, Công an các Liên khu và Công an các tỉnh phối hợp chặt chẽ với lực lượng khác dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, Tỉnh ủy, tiến hành đồng bộ mọi biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, phát động quần chúng thực hiện phong trào "phòng gian, bảo mật", tập trung lực lượng chống gián điệp, do thám, chống phỉ và tình báo địch; vận động nhân dân tham gia truy lùng, vây bắt biệt kích, thổ phỉ trên đường hành quân, trú quân của bộ đội, dân công, vùng có kho tàng, trạm cung cấp, cầu phà quan trọng; theo dõi, giám sát các đối tượng phản động, những phần tử nghi gián điệp, do thám, chỉ điểm hoặc người có quan hệ với vùng địch, điều chuyển số đối tượng nguy hiểm đến nơi khác làm trong sạch địa bàn.
Tại Sơn La, một tỉnh nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền Tây Bắc với Việt Bắc, là hậu phương trực tiếp cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng Công an dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy thiết lập nhiều đồn, trạm kiểm soát dọc các tuyến đường trọng yếu để tăng cường kiểm tra, phát hiện các đối tượng nghi vấn, kịp thời bảo vệ các đoàn cán bộ lãnh đạo đi thị sát chiến dịch, các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội và các đoàn dân công ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí cho mặt trận. Bằng việc phát động quần chúng thực hiện phong trào "phòng gian, bảo mật" và sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, trong thời gian chuẩn bị chiến dịch, Công an Sơn La đã phát hiện 80 tên biệt kích, bắt giữ 57 tên, thuần khiết các khu vực trọng điểm nơi có nhiều kho tàng, trạm trung chuyển như Thuận Châu, Cò Nòi, Tạ Khoa, bảo vệ an toàn chiến dịch vận chuyển.
Nằm trên địa bàn có tuyến Đường 13A chạy qua, tuyến đường được coi là mạch máu giao thông chính nối liền Việt Bắc với chiến trường Điện Biên Phủ luôn bị địch tập trung đánh phá rất ác liệt, Công an Yên Bái thực hiện nhiệm vụ do Bộ đề ra, một mặt tích cực phát động quần chúng nhân dân tham gia truy quét phỉ trên tuyến đường vận chuyển như Văn Chấn, Than Uyên, tiêu diệt 186 tên cầm đầu ngoan cố, gọi hàng hơn 2.000 tên khác, thu nhiều vũ khí. Mặt khác tập trung lực lượng bảo vệ, phân làn giao thông trên những địa bàn địch đánh phá ác liệt như bến phà Âu Lâu, đèo Lũng Lô, bảo đảm giao thông thông suốt.
Ở Lào Cai, lực lượng Công an đã đặt nhiệm vụ tiễu phỉ lên hàng đầu. Công tác điều tra, lập danh sách những tên phản động tại địa phương, phát hiện và bắt giữ nhiều tên gián điệp, biệt kích do địch cài cắm lại trong các bản làng được lực lượng Công an tiến hành khẩn trương nhằm giữ vững sự ổn định cho vùng giải phóng, ngăn chặn âm mưu gây phỉ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động sức người, sức của cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đến tháng 01/1954, lực lượng Công an Lào Cai phối hợp với lực lượng quân sự địa phương đã đập tan cụm phỉ trên tuyến hành lang Sa Pa - Bát Xát - Phong Thổ, thông đường từ Lào Cai đi Lai Châu, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ vận chuyển lên mặt trận.
Là một tỉnh trực tiếp diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, xác định rõ nhiệm vụ bảo vệ Bộ chỉ huy chiến dịch là hết sức nặng nề, Công an Lai Châu đã tập trung cao nhất lực lượng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Ngay sau khi địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, lực lượng Công an dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Quốc Mạnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng Ty Công an đã nhanh chóng có mặt tại chỗ, tổ chức cho các cơ quan và nhân dân huyện lỵ sơ tán khỏi khu vực địch chiếm đóng đến nơi quy định; giáo dục nhân dân ý thức "phòng gian, bảo mật"; đồng thời lập các tổ tuần tra kiểm soát, bảo vệ nơi sơ tán, đề phòng do thám, gián điệp xâm nhập phá hoại; chỉ đạo Công an xã phối hợp với các lực lượng khác bảo vệ dân thu gom, cất giấu thóc, giải quyết những hậu quả do pháo địch gây ra.
Qua nguồn tin do cơ sở cung cấp, ta đã bắt 13 tên có quan hệ với gián điệp, biệt kích, tuyên truyền gây hoang mang trong dân bản; điều chuyển một số tên ra khỏi khu vực có kho tàng, bộ đội đóng quân, hạn chế được hoạt động phá hoại, tiếp tay cho địch của số phản động địa phương. Càng gần đến ngày chiến dịch nổ ra, địch càng gia tăng các hoạt động do thám, gián điệp. Công an Lai Châu triển khai nhiều biện pháp đối phó quyết liệt để bảo vệ bộ đội và các tuyến đường vận chuyển, qua đó bắt nhiều tên gián điệp, biệt kích do thám ở khu vực xã Nà Táu, khu vực đồi Độc Lập, ở các xã Mường Phăng, Mường Luân, Mường Nhá, Mường Phồn. Những thắng lợi quan trọng trong đấu tranh chống gián điệp, biệt kích và tiểu phỉ đã góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ bí mật, an toàn cho hoạt động quân sự và vận chuyển của ta.
Ở vòng ngoài, vùng mới được giải phóng trong chiến dịch Lai Châu, Công an đã chủ động có đối sách với số ngụy quân, ngụy quyền, gián điệp cũ chưa chịu cải tạo, âm mưu phá hoại cách mạng. Ta mở đợt truy quét những tên xét thấy nguy hiểm, đang có hành động phá hoại gồm 121 tên trên các tuyến giao thông từ Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Lay, Tuần Giáo đến Điện Biên, đưa ra kiểm điểm, răn đe nhiều tên khác, góp phần làm ổn định tình hình. Đặc biệt, tháng 5/1954, Công an Lai Châu đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội tiến công tiêu diệt nhiều cụm phỉ ở Tam Đường (Phong Thổ) buộc 1.600 tên phải ra hàng. Nhằm duy trì trật tự trên những khu vực trọng điểm, lực lượng Công an thiết lập hai trạm kiểm soát ở thị xã Lai Châu và ngã ba Tuần Giáo để bảo vệ 2 tuyến đường vận chuyển quan trọng từ Phong Thổ đi Lai Châu và Đường 41 đoạn qua đèo Pha Đin đi Lai Châu. Trong suốt gần 5 tháng địch đánh phá ác liệt, trên những tuyến đường trọng điểm, nhất là bến phà Lai Châu, bất kể ngày đêm, không bao giờ vắng bóng những chiến sĩ Công an không quản ngại mưa bom, bão đạn, bảo đảm an toàn cho hàng vạn lượt bộ đội, dân công hành quân ra tiền tuyến.
Với tinh thần chủ động tiến công và tiến công liên tục, chỉ tính riêng tháng 4/1954, Công an các tỉnh Tây Bắc đã phối hợp với bộ đội làm tan rã phần lớn lực lượng phỉ ở các cụm Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Than Uyên, Quỳnh Nhai, tiêu diệt và bắt giữ hàng nghìn tên, phục vụ cho công tác bảo vệ Mặt trận Điện Biên Phủ. Phối hợp với Công an Tây Bắc, lực lượng Công an cả nước tích cực tham gia vào trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Đầu năm 1954, Công an Hà Nội, qua công tác nắm tình hình, phát hiện địch tăng cường tuyển mộ người để đưa vào chiến trường Điện Biên Phủ nên đã kịp thời cung cấp nguồn tin cho Ban Chỉ huy mặt trận Hà Nội. Do vậy, Ban Chỉ huy mặt trận Hà Nội đã tổ chức phá hoại sân bay Gia Lâm, gây khó khăn cho việc tiếp tế bằng đường không của địch cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Công an Hải Phòng hỗ trợ bộ đội địa phương tập kích sân bay Đồ Sơn (ngày 11/01/1954), tập kích sân bay Cát Bi (ngày 07/3/1954). Công an các tỉnh Nam Bộ phối hợp với bộ đội và du kích bẻ gãy nhiều cuộc hành quân càn quét của địch, đồng thời điều tra, khám phá nhiều vụ gián điệp, góp phần bảo vệ an toàn căn cứ. Công an các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích chủ động tiến công tiêu diệt địch nhằm tiêu hao sinh lực và kìm chân chúng, tạo điều kiện cho quân chủ lực của ta ở mặt trận Điện Biên Phủ rảnh tay đánh địch. Trước khi chiến dịch nổ ra, ngành Công an đã huy động được đông đảo các lực lượng tham gia công tác bảo vệ chiến dịch, phối hợp kiểm soát chặt chẽ trên các đường giao thông quan trọng để chống gián điệp, biệt kích. Trong 4 tháng đầu năm 1954, ta đã bắt được 389 biệt kích ở Miền Bắc, 19 quân báo viên chuyên trách, phá một mạng lưới gián điệp nguy hiểm ở Lạng Sơn, khống chế một tổ biệt kích có điện đài trên đường chiến lược Thái Nguyên, Tuyên Quang. Đặc biệt ta đã khống chế thành công nhóm gián điệp gồm 3 đổi tượng Chu Thị Lan, Chu Thị Hương và Lê Thị Tâm, buộc chúng phải làm việc cho ta và đánh lừa địch (Chuyên án TN25). Những chiến công ấy góp phần đập tan những âm mưu thâm độc của các cơ quan phản gián Pháp, bảo vệ an toàn Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Để phục vụ tốt nhất cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Công an Liên khu IV và Ty công an các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã xác định rõ nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối cho bộ đội và dân công trên suốt quá trình hành quân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu có ý nghĩa chiến lược. Các tỉnh đều lập ra Ban Công an tiền phương để chỉ đạo công tác bảo vệ dân công, bảo vệ kho tàng, các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội. Công an Hà Tĩnh còn thiết lập các đồn, trạm, vành đai bảo vệ, phối hợp với bộ đội và dân quân thường xuyên tuần tra, canh gác xung quanh khu vực kho, kịp thời phát hiện các phần tử phá hoại. Công an Thanh Hóa cùng lực lượng dân quân địa phương nắm vững, giám sát chặt chẽ các đối tượng phản động, tội phạm hình sự trên địa điểm tập kết hàng hóa là Cẩm Thủy và Lược (Thọ Xuân); có kế hoạch điều chuyển ra khỏi địa bàn quan trọng này, đề phòng việc phá hoại và mất mát tài sản phục vụ chiến dịch. Công an Nghệ An ngăn chặn một số trường hợp đào, rã ngũ, phá phách, lãng phí, vô tổ chức kỷ luật.
Ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, lực lượng Công an đã phối hợp tốt để giải quyết cơ bản nạn phỉ vùng giáp ranh, làm sạch những địa bàn quan trọng, nhất là nơi có quốc lộ chạy qua, bảo đảm an toàn cho công tác vận chuyển hàng hóa và các cuộc hành quân của bộ đội, dân công lên Điện Biên Phủ.
(Còn tiếp...)