Bài 2: Cải cách cơ chế quản lý thu chi để đảm bảo hiệu năng, hiệu lực
Trong mô hình chính quyền 2 cấp (tỉnh và xã/phường/đặc khu), hướng cải cách cơ chế quản trị tài chính công khả thi nhất hiện nay là giao ổn định nguồn thu cho cấp xã và chuẩn hóa nhiệm vụ chi theo vùng.

Cải cách cơ chế quản lý thu chi để đảm bảo hiệu năng quản trị tài chính công theo mô hình chính quyền 2 cấp.
Triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW về tổ chức lại bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về cải cách cơ chế tài chính công.
Theo PGS., TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - Trường Đại học Thành Đông, trong mô hình chính quyền 2 cấp (tỉnh và xã/phường/đặc khu), hướng cải cách cơ chế có tính đột phá và khả thi nhất hiện nay là giao ổn định nguồn thu cho cấp xã và chuẩn hóa nhiệm vụ chi theo vùng.
Các định hướng cải cách then chốt
Thứ nhất, giao ổn định một số khoản thu cho cấp xã/phường/đặc khu. Việc tăng tính tự chủ tài chính cho cấp cơ sở đòi hỏi giao ổn định một số nguồn thu có tính địa phương cao, gồm: Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2023, thu từ sắc thuế này đạt khoảng 3.700 tỷ đồng, phản ánh đúng năng lực quản lý đất và dịch vụ tại chỗ.
Lệ phí hộ tịch, cư trú, trung bình mỗi xã/phường thu từ 100–300 triệu đồng/năm, là nguồn thu ổn định và sát với dân cư. Phí dịch vụ công do xã cung cấp (rác thải, chợ, nhà văn hóa...) tại đô thị, đây là nguồn thu tiềm năng và gắn với chất lượng dịch vụ. Việc giao ổn định trong 3–5 năm sẽ giúp cấp xã chủ động lập ngân sách, giảm phụ thuộc và nâng cao trách nhiệm giải trình.
Thứ hai, chuẩn hóa nhiệm vụ chi theo vùng. Cần xây dựng định mức chi bắt buộc trong các lĩnh vực thiết yếu như giáo dục và y tế, bảo đảm công bằng phân bổ ngân sách. Mức chi thường xuyên cho giáo dục mầm non, tiểu học cần tính theo dân số và điều kiện vùng. Hiện chi giáo dục chiếm 35–40% tổng chi ngân sách cấp xã nhưng còn chênh lệch lớn giữa các địa phương.
Trong lĩnh vực y tế, số liệu của Bộ Y tế cho thấy, hiện nay, mới chỉ có 62% trạm y tế xã đạt chuẩn mới. Cần có định mức chi theo vùng khó khăn và khả năng tự chủ. Phân bổ ngân sách an sinh theo số đối tượng hưởng lợi, bảo đảm cơ chế hỗ trợ từ Trung ương cho xã đặc biệt khó khăn. Chuẩn hóa chi tiêu theo vùng là công cụ điều tiết hiệu quả, phòng, chống dàn trải và méo mó ngân sách.
Thứ ba, cải cách thể chế tài chính công. Sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) theo hướng giao quyền lập và phê chuẩn ngân sách cho cấp xã theo cơ chế đơn giản. Ban hành định mức chi bắt buộc căn cứ vào đặc điểm vùng kinh tế – xã hội. Thiết lập cơ chế chuyển giao có điều kiện, gắn kết quả thực hiện với hỗ trợ ngân sách từ tỉnh.
Đồng thời, cần thiết lập quỹ điều tiết liên vùng để điều tiết khoảng cách tài chính còn rất lớn giữa các xã. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, hiện nay, mới chỉ có 15% số xã mới tự cân đối được thu – chi. Cần thành lập quỹ điều tiết cấp tỉnh dựa trên vượt thu, ngân sách bổ sung và tài trợ hợp pháp, phân bổ theo tiêu chí khách quan (dân số, hộ nghèo, thiếu hụt dịch vụ cơ bản).
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý ngân sách. Hệ thống tích hợp ngân sách tỉnh – xã giúp lập, phân bổ, quyết toán theo thời gian thực.
Chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp là cơ hội để cải cách toàn diện cơ chế tài chính công. Giao ổn định nguồn thu, chuẩn hóa chi tiêu, thiết lập quỹ điều tiết và ứng dụng công nghệ là những trụ cột không thể thiếu để bảo đảm minh bạch, hiệu quả và phát triển bền vững tài chính địa phương. Cải cách này không chỉ là yêu cầu kỹ thuật mà còn là bước chuyển quan trọng để hiện thực hóa mô hình quản trị nhà nước hiện đại, gần dân và vì dân.
Tập trung hoàn thiện thể chế và cơ chế giám sát tài chính công
Trên cơ sở các định hướng cải cách trên, PGS., TS. Ngô Trí Long đề xuất các giải pháp cụ thể như sau:
Một là, sửa đổi Luật NSNN theo hướng phân cấp rõ ràng giữa tỉnh và cấp xã. Luật NSNN năm 2015 bước đầu thiết lập khung phân cấp tài chính giữa các cấp chính quyền. Tuy nhiên, khi triển khai mô hình chính quyền hai cấp theo Nghị quyết 18-NQ/TW, nhiều quy định hiện hành không còn phù hợp, dẫn đến khoảng trống pháp lý trong phân định nhiệm vụ thu – chi và phân bổ ngân sách giữa tỉnh và xã/phường/đặc khu. Báo cáo NSNN 2024 cho thấy gần 50% xã không tự cân đối được ngân sách, chủ yếu lệ thuộc cấp trên.
Đề xuất sửa đổi gồm: Phân định cụ thể nhiệm vụ thu – chi theo nguyên tắc "cấp nào cung cấp dịch vụ công, cấp đó được giao nguồn lực tài chính". Thiết lập cơ chế điều tiết ngân sách linh hoạt, thông qua quỹ liên vùng cấp xã gắn với tiêu chí dân số, địa bàn, năng lực tài chính.

Chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp là cơ hội để cải cách toàn diện cơ chế tài chính công.
Quy định rõ tỷ lệ hưởng ổn định trung hạn (3–5 năm) đối với các khoản thu tại cơ sở (thuế đất phi nông nghiệp, lệ phí hộ tịch...). Áp dụng nguyên tắc phân bổ đầu tư công theo hiệu quả đầu ra, thay vì số lượng công trình.
Hai là, ban hành nghị định riêng về quản lý tài chính công trong mô hình không còn cấp huyện. Việc xóa bỏ cấp huyện khiến các chức năng trung gian về ngân sách chuyển trực tiếp từ tỉnh về xã. Tuy nhiên, khung pháp lý hiện hành vẫn thiết kế theo mô hình 3 cấp, dẫn đến thiếu quy định về phân bổ, giám sát và trách nhiệm tài chính ở mô hình mới.
Nội dung cần thiết chế hóa gồm: Ranh giới nhiệm vụ chi giữa tỉnh và xã/phường, đặc biệt với giáo dục, y tế, hạ tầng cơ sở; Cơ chế chuyển giao tài chính có điều kiện, quỹ điều tiết liên vùng để bảo đảm công bằng; Cơ chế giám sát ngân sách từ HĐND cấp xã và thanh tra tài chính tỉnh; Nguyên tắc và giới hạn ủy quyền tài chính từ tỉnh cho xã trong chi thường xuyên, chi đầu tư nhỏ.
Có thể tham khảo các kinh nghiệm quốc tế như: Thụy Điển thiết lập quỹ điều tiết ngân sách cấp cơ sở bằng luật riêng, theo quy mô dân số và năng lực tài chính, hay Nhật Bản ủy quyền ngân sách có điều kiện kèm giám sát định kỳ, Canada luật hóa vai trò tài khóa địa phương trong mô hình 2 cấp...
Ba là, tăng cường giám sát và trách nhiệm giải trình tại cấp cơ sở. Phân cấp mạnh mẽ về tài chính đòi hỏi cơ chế giám sát đi kèm để bảo đảm kỷ luật tài khóa và minh bạch ngân sách.
Khuyến nghị Sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Giám sát để trao thẩm quyền quyết toán ngân sách cho HĐND cấp xã. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong giám sát tài chính công; kết nối thời gian thực hệ thống quản lý ngân sách từ tỉnh đến xã.
Tăng cường kiểm toán luân phiên tại cấp xã dựa trên phân tích rủi ro; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị – xã hội để giám sát cộng đồng. Áp dụng công nghệ kiểm toán số (AuditTech), mở rộng mạng lưới cộng tác viên kiểm toán xã hội.
"Chuyển sang mô hình chính quyền 2 cấp là xu thế tất yếu nhằm tinh gọn bộ máy và hiện đại hóa quản trị nhà nước. Tuy nhiên, để mô hình này vận hành hiệu quả, cần thiết lập khung pháp lý tài chính rõ ràng, ổn định, gắn với trách nhiệm giải trình và giám sát độc lập. Việc sửa đổi Luật NSNN, ban hành nghị định riêng, đồng thời áp dụng công nghệ số trong quản lý và giám sát ngân sách sẽ là tiền đề xây dựng nền tài chính công minh bạch, hiệu quả và bền vững", PGS., TS. Ngô Trí Long khuyến nghị.