Bài 2: Dựa vào Nhân dân để 'sửa chữa cán bộ và tổ chức ta'

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Hiện nay, hơn lúc nào hết, trong công cuộc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao ý thức để toàn Dân thấm sâu và thực hiện Liêm - Chính.

Dũng cảm tự soi, tự sửa, xứng đáng làm gương Liêm - Chính

Đảng viên, cán bộ đi đầu và nêu gương thực hành Liêm - Chính; đồng thời, chủ động giám sát, dũng cảm phanh phui những vụ việc tiêu cực và tạo áp lực dư luận đối với những kẻ làm điều "sai Liêm trái Chính", “gây quanh chúng một không khí công chúng công phẫn và tẩy chay về mặt đạo đức. Phải không còn một ai vỗ vai gượng nhẹ với chúng nữa”[1]. Phải sao cho ai cũng thấy và hiểu rằng, một cơ quan công quyền liêm chính ắt không dung thứ cho việc tham ô, tham nhũng, tức là bất Liêm, bất Chính.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) về công tác quy hoạch ruộng đất, ngày 25.1.1961. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) về công tác quy hoạch ruộng đất, ngày 25.1.1961. Ảnh: Tư liệu

“Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”, theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, mới hơn 3 năm, có tới gần 100 đảng viên, cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử lý dưới mọi hình thức và thi hành kỷ luật; trong đó có tới 7 Ủy viên Bộ Chính trị, nhiều Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và có cả những cán bộ còn rất trẻ.

Hiện nay, để góp phần sửa sang và phát triển đức Liêm, Chính của đảng viên, cán bộ, cuộc đấu tranh mất còn, sinh tử chống đại nạn tham nhũng đang mạnh mẽ hơn hết lúc nào. Đây là sự tiếp tục phát triển tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 10.1946, tại Kỳ họp thứ Hai, Khóa I, Người khẳng khái: “Chính phủ hết sức làm gương, nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ hối lộ - đã trừng trị, đang trừng trị và sẽ trừng trị cho kỳ hết”[2]. Đó cũng chính là sự phát triển tư tưởng của bản "Quốc lệnh", do Người phê chuẩn, ngày 26.1.1946, vào thời khắc chính quyền cách mạng non trẻ của Nhân dân ra đời chỉ gần 5 tháng; trong đó xác quyết án tử hình dành cho tệ trộm cắp, tại Điều 8 phần Phạt: "Trộm cắp của công sẽ bị xử tử", cùng với 9 loại án tử khác.

Từ thực tiễn cho thấy, trong cải cách hành chính không chỉ theo hướng tinh gọn bộ máy mà quan trọng là phải thanh lọc bộ máy. Giám sát công tác tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức. Biểu dương các tổ chức có thẩm quyền dùng người đã phát hiện, trọng dụng người có tài năng, làm được việc. Nghiêm khắc phê phán tình trạng vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ, chức kia, nhất là thói tệ vì sợ mất địa vị mà dìm những người tài năng hơn mình, kéo bè kết cánh những người trong một gia đình, dòng họ dung dưỡng cho thói “đem người tư làm việc công”[3]. Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, giữ gìn phẩm giá của người đảng viên, cán bộ, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đây là “cánh hẩu”. Theo đó, phải định chế giám sát trách nhiệm của người có quyền bổ nhiệm và người được bổ nhiệm. Đặc biệt, chủ động phát hiện trình trạng dùng “người nhà” mà không dùng “người tài”, dùng kẻ siểm nịnh thay vì dùng người tiết tháo, trung trực…

Tiếp tục đổi mới cơ chế, thể chế - Nhân dân là một chủ thể

10 năm nay càng xác tín: Sự lệch lạc về tư tưởng, băng hoại về đạo đức và hủ bại về lối sống, dù bất kể là ai, nhất định dẫn tới sự thất bại về chính trị, đổ vỡ về sự nghiệp và méo mó về nhân cách cá nhân, bởi sa vào "vũng bùn" tham nhũng, tiêu cực; và càng cấp bách cho thấy, phải gắn chống tham nhũng và tiêu cực với chống lãng phí, nếu không chúng ta mới chống tham nhũng “một nửa”, chống tiêu cực nửa vời. Tham nhũng không thuần túy là tham nhũng mà còn cần truy nguyên tới nguồn gốc của nó là nạn tiêu cực, không chỉ là vấn đề kinh tế đơn thuần còn là vấn đề chính trị, văn hóa, đạo đức và xã hội nóng bỏng. Liêm, Chính và gìn giữ Liêm, Chính càng nóng bỏng. Đây là một trong những “lỗ hổng”, cần phải tiếp tục nhận diện và bịt kín.

Cấp bách tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị bảo đảm sự vận hành một cách đồng bộ và thống nhất hệ thống các thể chế, thiết chế liên quan trong kiểm soát quyền lực của Đảng, của Nhà nước và các thành viên của hệ thống chính trị, nhất là vai trò của Nhân dân, trên nền tảng Quốc pháp và Đảng cương nhằm bảo đảm các chủ thể kiểm soát và đối tượng kiểm soát hoạt động đúng vị thế, chức năng, nhiệm vụ của mình được Hiến định, theo Quốc pháp và Đảng cương. Phải cải cách phương thức kiểm soát quyền lực chính trị của Đảng, quyền lực Nhà nước gồm Nhân dân đối với Đảng, Đảng đối với Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể và cá nhân ngoài Đảng, Nhà nước đối với Đảng, Nhà nước, dư luận xã hội... hợp thành cơ chế kiểm soát quyền lực tổng thể, trực tiếp cảnh giới sự tha hóa, thoái hóa về đạo đức, về Liêm, Chính nói riêng và công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực.

Việc đổi mới, cấu trúc lại bộ máy lãnh đạo, quản lý theo hướng dân chủ, minh bạch, cá thể hóa trách nhiệm, với bộ thể chế phù hợp và hiệu quả trong phòng ngừa bất Liêm, bất Chính; mặt khác, phải đi liền với kiểm soát bằng các định chế kỷ luật và pháp luật từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Đặc biệt, trong việc thực thi pháp luật, cùng với “thẳng tay trừng trị những kẻ bất Liêm, bất Chính, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề gì”; đồng thời, phải giám sát đội ngũ cán bộ thanh tra, tư pháp “Phụng công thủ pháp”, “Chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến”[4], theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với đổi mới cơ chế, sự thành bại ở đây nằm ở chỗ làm tốt việc xây dựng bộ máy phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đồng bộ, với trung tâm lãnh đạo, chỉ huy đủ mạnh, độc lập tương đối, gắn với đổi mới đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ đồng bộ thực thi công tác kiểm tra, thanh tra và bảo vệ kỷ luật, pháp luật. Bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo thực thi phải được trao đủ quyền năng, quyền lực và được kiểm soát chặt chẽ, toàn diện quyền lực, trực tiếp là sự Liêm, Chính của đảng viên, cán bộ. Không thể duy tồn đau đớn tình trạng những người bảo vệ pháp luật về Liêm, Chính lại là những người phạm luật, phá luật về Liêm, Chính. Không thể lấy bất Liêm, bất Chính để giữ gìn và phát triển Liêm, Chính. Soát xét tổng thể, phòng ngừa sự bất Liêm, bất Chính trong chính đội ngũ những người bảo vệ pháp luật và giữ gìn công lý. Đồng thời, tham gia xây dựng cơ chế giám sát, cổ động Nhân dân tích cực thực hiện vai trò giám sát của mình theo luật định trên phương diện này.

Phải sao cho toàn Dân thống nhất chống “giặc nội xâm” thì phải kiên quyết, kiên định, và triệt để. Báo chí góp phần không chỉ cổ vũ và bảo vệ Nhân dân khéo dùng quyền làm chủ, quyền kiểm soát của mình để giúp và giám sát đảng viên, cán bộ thực hành Liêm, Chính mà cần là nơi để Nhân dân bày tỏ ý chí, nguyện vọng của mình về xây dựng cơ chế kiểm soát đội ngũ đảng viên, cán bộ trong các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị thực hành Liêm, Chính, theo luật định.

Do đó, dựa vào Nhân dân, cổ vũ Nhân dân, để “sửa chữa cán bộ và tổ chức ta”. Nhất định Đảng - "đứa con nòi của giai cấp lao động", Nhà nước và cả hệ thống chính trị nước nhà không ngừng tin tưởng, dựa hẳn và bảo vệ vô điều kiện để Nhân dân góp giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, cùng dọn dẹp rác rưởi, sâu bọ trong đội ngũ đảng viên, cán bộ. Tức là không ngừng "gây nên một cuộc vận động trong công nông chống trộm cắp; làm cho lũ trộm cắp "đường hoàng" cũng như trộm cắp kín đáo - không sống còn được", như Cụ Hồ mong và làm gần 70 năm trước!

Vừa qua, gần 75% số vụ, việc tiêu cực do Nhân dân và công luận phát hiện, theo đó các tổ chức đảng, các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý, dù đạt kết quả to, nhưng kỳ thực vẫn chưa xứng đáng với sức mạnh của Nhân dân!

Sửa sang cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ để Nhân dân giám sát mọi cán bộ, đảng viên, ở tất cả các cấp, thực hiện Điều lệ Đảng thống nhất và đồng bộ với thực thi pháp luật của Nhà nước từ công vụ tới cuộc sống, ở mọi nơi, mọi ngành và mọi cấp…

Tất cả, để Nhân dân tin tưởng hơn và chủ động tham gia công cuộc chỉnh đốn Liêm - Chính hiện nay.

__________

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 469.

[2] (20) Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 98.

[3] (21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 123.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr. 363-364.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bai-2-dua-vao-nhan-dan-de-sua-chua-can-bo-va-to-chuc-ta-i379792/