Bài 2: Lượng cát sông không thể đáp ứng cho công trình
'giải cứu' các công trình trong cơn 'đói' cát, các địa phương đã vận dụng cơ chế đặc thù cấp phép khai thác một số mỏ cát nhưng không ít lãnh đạo địa phương lo âu trước việc đầu tư xây dựng các công trình, lượng cát san lấp biết bao giờ mới đủ.
Cấp phép khai thác theo cơ chế đặc thù
Trước việc thiếu cát san lấp phục vụ cho các công trình trọng điểm, chính quyền địa phương đề xuất cho khai thác các mỏ cát theo cơ chế đặc thù, Nghị quyết của Quốc hội để phục vụ dự án. Các tỉnh: Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp được chọn khai thác mỏ cát phục vụ cho các công trình giao thông trọng điểm.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Vĩnh Long phối hợp với các Sở, ngành liên quan và địa phương đã bàn giao ngoài thực địa vị trí mỏ cát theo cơ chế đặc thù phục vụ cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025. Tỉnh bàn giao mỏ cát trên sông Hậu (nhánh trái, thuộc xã Thiện Mỹ và xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn) với trữ lượng 0,758 triệu m3 cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam.
Hai mỏ cát còn lại được giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C, gồm: Mỏ cát san lấp trên sông Hậu (nhánh trái, thị trấn Trà Ôn, xã Lục Sĩ Thành và xã Thiện Mỹ) trữ lượng 0,563 triệu m3; mỏ cát san lấp trên sông Hậu (nhánh trái) xã Tích Thiện và xã Lục Sĩ Thành, trữ lượng hơn 1,1 triệu m3. UBND tỉnh Đồng Tháp đã giao 7 mỏ cát khai thác theo cơ chế đặc thù cho nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, hiện không có mỏ cát nào khai thác để cung cấp công trình trong tỉnh.
Trung tuần tháng 3/2024, UBND tỉnh An Giang vừa cấp quyền khai thác 10 khu mỏ, với hơn 15,5 triệu m3 cát sông phục vụ các công trình cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cần Thơ - Cà Mau.
Cụ thể, UBND tỉnh An Giang cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau gần 5,2 triệu m3 cát. Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua tỉnh An Giang hơn 4,11 triệu m3; đoạn qua thành phố Cần Thơ gần 3,29 triệu m3 và đoạn qua tỉnh Hậu Giang gần 2,63 triệu m3. Các khu mỏ có trữ lượng cát sông lớn được cấp cho cao tốc lần này gồm mỏ trên sông Hậu thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân được cấp quyền khai thác cho Công ty Cổ phần Hải Đăng hơn 1,1 triệu m3 và Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam hơn 816.000m3.
Mỏ trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới cấp cho Công ty TNHH Tập đoàn Định An khai thác hơn 3,2 triệu m3. Mỏ sông Tiền đoạn thuộc Phú An, huyện Phú Tân cấp cho Tổng Công ty 36 - CTCP khai thác hơn 724.000m3. Hai mỏ sông Hậu đoạn thuộc xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú và xã Phú Bình, huyện Phú Tân; mỏ sông Hậu đoạn thuộc xã Bình Thủy, huyện Châu Phú và xã Bình Thạnh Đông, xã Tân Hòa, huyện Phú Tân được cấp cho Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn khai thác với trữ lượng hơn 3 triệu m3.
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, các nhà thầu đang phối hợp với Sở TN&MT để lập các thủ tục khai thác 7 mỏ cát theo quy định phục vụ cho dự án. 7 mỏ cát này với tổng diện tích gần 600ha trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, có trữ lượng hơn 16 triệu m3. Tuy nhiên, thủ tục khai thác mỏ trải qua nhiều thủ tục. Do vậy, dự kiến tới ngày 30/4/2024 mới hoàn thành.
“Bảo vệ” đầu ra hết sức nghiêm ngặt
Theo chính quyền địa phương, việc cấp giấy phép khai thác khó, việc quản lý quá trình khai thác cũng như vận chuyển khó bội phần. Lực lượng địa phương thay phiên nhau túc trực 24/24. Các nhà thầu cũng cần lập kế hoạch khai thác, phương án an toàn giao thông đường thủy, lắp đặt thiết bị định vị phương tiện khai thác, đăng ký phương tiện phục vụ cho việc khai thác các mỏ cát...
Các nhà thầu phải đảm bảo toàn bộ cát khai thác phải được cung ứng cho dự án. Khi kết thúc việc khai thác phải hoàn thiện các thủ tục đóng cửa mỏ phục hồi môi trường theo đúng quy định.
Cán bộ lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết, khi cấp quyền khai thác 10 mỏ cát cho nhà thầu, lãnh đạo Sở TN&MT An Giang yêu cầu, các nhà thầu được giao mỏ khoáng sản bổ nhiệm ngay Giám đốc điều hành mỏ theo quy định. Đồng thời, lắp đặt thiết bị, phương tiện định vị, giám sát, có đặt màn hình theo dõi tại UBND xã nơi khai thác; đăng ký phương tiện khai thác, vận chuyển.
Nhà thầu khai thác cát phải báo cáo định kỳ hằng tuần, hằng tháng cho Sở TN&MT An Giang về khối lượng khai thác tại mỏ; chủ đầu tư các tuyến cao tốc báo cáo khối lượng cát tiếp nhận thực tế tại công trình.
Sở TN&MT sẽ phối hợp với Sở Tài chính An Giang để hướng dẫn, công bố giá khai thác, xuất hóa đơn, chứng từ cho phương tiện vận chuyển; đưa hóa đơn lên phần mềm để ngành chức năng kiểm soát phương tiện, khối lượng vận chuyển đúng địa chỉ.
UBND tỉnh An Giang giao Sở TN&MT phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị, địa phương có liên quan theo dõi, giám sát việc khai thác khoáng sản đảm bảo đúng quy định. Định kỳ hàng tuần (thứ 5) và hàng tháng (ngày cuối tháng), đơn vị được cấp xác nhận thu hồi khoáng sản phải tổng hợp, báo cáo khối lượng khai thác về Sở TN&MT.
Cùng với đó, các nhà thầu báo cáo định kỳ cho chủ đầu tư dự án về tình hình, thông tin khối lượng cát đã tiếp nhận và thi công đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.
Sở TN&MT An Giang theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình khai thác, tiêu thụ cát dựa trên thông tin “đầu ra” (lượng cát khai thác tại mỏ) và “đầu vào” (lượng cát đưa về công trình cao tốc).
Quy định hết sức nghiêm ngặt nhưng nhà thầu cũng vi phạm. Tháng 9/2023, trước nhu cầu cấp bách cát phục vụ công trình, tỉnh Đồng Tháp cấp phép khai thác đầu tiên mỏ cát An Nhơn diện tích 20ha, trữ lượng phê duyệt 547.000m³, đã khai thác 329.000m³, khoảng 65% trữ lượng cho phép.
Ngày 3/4, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, vừa đình chỉ hoạt động mỏ cát này. Trước đó, hai đoàn kiểm tra của tỉnh luân phiên kiểm tra toàn bộ các mỏ cát đang khai thác, kể cả các bến bãi tập kết cát trên địa bàn. Trong đó, Sở TN&MT đã độc lập kiểm tra các mỏ đang khai thác về trữ lượng, sản lượng, tác động môi trường... và nghĩa vụ thuế của nhà thầu.
Qua kiểm tra phát hiện tại mỏ cát xã An Nhơn có sai sót liên quan đến kỹ thuật, quá trình khai thác chưa đồng bộ khiến một số vị trí vượt độ sâu cho phép, cục bộ một số địa điểm tập trung khai thác quá sâu. Đoàn kiểm tra đã trình UBND tỉnh đình chỉ hoạt động mỏ cát này để rà soát lại tổng thể trữ lượng và sản lượng đã khai thác và có hướng tiếp theo.
Tỉnh Đồng Tháp đang gấp rút triển khai các bước, hoàn thành đánh giá tác động môi trường đối với hai mỏ cát tại các vị trí: Xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh; Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B thuộc huyện Lấp Vò; mỏ Thường Lạc - An Khánh, huyện Hồng Ngự; phường An Lạc, thành phố Hồng Ngự.
Dự kiến giữa tháng 4/2024 sẽ đưa vào khai thác phục vụ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu trữ lượng khai thác 27.000m³/tháng. Giải pháp trước mắt để có nguồn cát cung ứng cho các công trình cao tốc, địa phương đã bố trí nguồn cát khai thác năm 2023 và các dự án nạo vét ước đạt 171.000m3.
Tuy nhiên, trữ lượng cát san lấp hiện tại chỉ còn khoảng 37 triệu m3, đáp ứng khoảng 77% nhu cầu. Trong khi đó, thời gian tới, các dự án cao tốc sẽ triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu cát là rất lớn, lên đến khoảng 47,8 triệu m3. Trong đó, năm 2023 khoảng 17,8 triệu m3, năm 2024 khoảng 28,4 triệu m3. Làm thế nào không còn nỗi lo thiếu cát là câu hỏi cần có lời giải đáp?