Bài 2: Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11-2021), Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động, giải pháp tích cực cũng như có cơ chế, chính sách đặc thù cho bảo tồn di sản.

Di tích Nhà lao Tân Hiệp sẽ được phân cấp quản lý về cho Sở VH-TTDL trực tiếp quản lý. Trong ảnh: Học sinh và cựu chiến binh của TP.Biên Hòa tham quan di tích năm 2023. Ảnh: L.NA

Di tích Nhà lao Tân Hiệp sẽ được phân cấp quản lý về cho Sở VH-TTDL trực tiếp quản lý. Trong ảnh: Học sinh và cựu chiến binh của TP.Biên Hòa tham quan di tích năm 2023. Ảnh: L.NA

Trong đó, Đồng Nai đã và đang nỗ lực trùng tu, tôn tạo, phân cấp lại hệ thống di tích; kiểm tra, rà soát lại hệ thống di tích, xây dựng hồ sơ xếp hạng… để có biện pháp phát huy hiệu quả các giá trị di sản trước áp lực của quá trình đô thị hóa và thời gian.

* Phân cấp quản lý, khảo sát hiện trạng di tích

Trên địa bàn tỉnh hiện có 67 di tích đã được xếp hạng (trong đó 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 36 di tích cấp tỉnh) và hơn 1,5 ngàn di tích được kiểm kê phổ thông. Thực hiện Quyết định số 39 ngày 27-9-2018 của UBND tỉnh về phân cấp quản lý, ủy quyền quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Sở VH-TTDL đã phân cấp di tích về cho các địa phương quản lý nhằm tạo điều kiện cho địa phương chủ động huy động các nguồn lực, đặc biệt từ xã hội hóa nhằm trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích - danh thắng.

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện Quyết định số 39 của UBND tỉnh về phân cấp quản lý di tích, vẫn còn tồn tại một số nội dung chưa phù hợp thực tế. Chẳng hạn như: số di tích tăng lên, căn cứ pháp lý thay đổi, các quy định mới cần cập nhật, bổ sung (Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Nghị định số 15-2021/NĐ-CP ngày 3-3-2021 của Chính phủ). Do vậy, việc đề xuất xây dựng quyết định ban hành quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (thay thế Quyết định số 39) là cần thiết.

Trong năm 2023, ngành VH-TTDL sẽ tham mưu cho UBND tỉnh nhiều kế hoạch trên lĩnh vực di sản. Trong đó có đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn Đồng Nai; kế hoạch xây dựng danh mục và lộ trình tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn Đồng Nai năm 2023. Đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện công tác tu bổ các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh; đồng thờI, thực hiện các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Theo đó, các di tích trước đây ủy quyền cho ban quý tế, ban trị sự, cơ quan Trung ương đóng chân trên địa bàn tỉnh hoặc các đơn vị thuộc tỉnh trực tiếp quản lý thì sẽ phân cấp về cho UBND cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai). Đối với một số di tích trọng điểm quốc gia và quốc gia đặc biệt hoặc cấp tỉnh (do những đặc thù riêng) như: Nhà Xanh, Lăng mộ Trịnh Hoài Đức, Nhà hội Bình Trước, Nhà lao Tân Hiệp, Thành cổ Biên Hòa, Văn miếu Trấn Biên, Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh… phân cấp về Sở VH-TTDL trực tiếp quản lý.

Để có cơ sở xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục và lộ trình tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030, năm qua Sở VH-TTDL đã tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng các di tích (về công tác quản lý, phát huy giá trị di tích xếp hạng, ghi nhận hiện trạng xuống cấp của từng di tích).

Theo Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân, trong năm 2023, Sở sẽ chỉ đạo Bảo tàng Đồng Nai tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống di tích phổ thông, sau đó sẽ tham mưu cho UBND tỉnh công nhận các di tích phổ thông.

“Từ nay đến năm 2025 và từ năm 2025-2030, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có quyết định xếp hạng di tích trên địa bàn tỉnh đối với những di tích quan trọng, có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa, khảo cổ. Đồng thời, tham mưu, trình UBND tỉnh công nhận danh mục di tích phổ thông trên địa bàn tỉnh năm 2023. Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và các địa phương trong việc trùng tu, tôn tạo di tích phổ thông” - ông Ân nói.

Nhằm đưa di sản có cơ hội đến gần hơn với công chúng, thời gian qua, Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, lan tỏa giá trị di sản. Nổi bật là chương trình Hành trình di sản do Bảo tàng Đồng Nai thực hiện; Nhịp cầu di sản do UBND TP.Biên Hòa tổ chức.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh chia sẻ: “TP.Biên Hòa đã và đang thực hiện thu hình và phát sóng Nhịp cầu di sản tại di tích cấp quốc gia. Trong năm 2023, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện ở di tích được xếp hạng trên địa bàn, ưu tiên các di tích xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh trước, sau đó sẽ tiếp tục thực hiện tại các di tích phổ thông tiêu biểu. Đây là hệ thống di tích gắn liền với quá trình hình thành, phát triển 325 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai”.

* Tạo cơ chế, chính sách cho bảo tồn di sản

Mặc dù Đồng Nai đã thực hiện nhiều hoạt động để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, song theo Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan, công tác này vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Do đặc thù là di tích, tồn tại cùng thời gian và chịu sự tác động của các điều kiện tự nhiên và trước sự chuyển biến mạnh về đô thị hóa, hiện đại hóa, nhiều di tích đã bị xuống cấp, bị xâm phạm. Trong khi đó, nguồn kinh phí từ ngân sách còn hạn chế nên ảnh hưởng đến công tác đầu tư, tôn tạo hoặc đã có sự đầu tư nhưng còn hạn chế. Nguồn nhân lực quản lý lĩnh vực di sản nói chung, di tích nói riêng ở cấp huyện, xã còn thiếu, chưa được đào tạo đúng chuyên ngành và thường xuyên chuyển đổi vị trí việc làm dẫn tới hiệu quả chưa cao.

Các em học sinh tham quan di tích cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên trong chương trình Nhịp cầu di sản do UBND TP.Biên Hòa tổ chức

Các em học sinh tham quan di tích cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên trong chương trình Nhịp cầu di sản do UBND TP.Biên Hòa tổ chức

Xã hội hóa tôn tạo di tích thời gian qua được cơ quan, đơn vị, cá nhân, cộng đồng quan tâm. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa tại hệ thống di tích không hề đơn giản. Ban quản lý các di tích, ban quý tế các đình, chùa trên địa bàn tỉnh có thể huy động được nguồn lực vào trùng tu, tôn tạo di tích, song họ không thể thực hiện một cách nhanh chóng. Bởi để trùng tu, tôn tạo di tích phải tuân thủ nghiêm các thủ tục liên quan, nhất là các nội dung của Luật Xây dựng, Luật Di sản văn hóa.

“Đồng Nai đã có các chính sách quan tâm đến công tác trùng tu, tôn tạo di tích xuống cấp, xếp hạng di tích cấp tỉnh. Công tác xã hội hóa nguồn lực cho việc tu bổ, tôn tạo di tích - danh thắng được đẩy mạnh đã khơi dậy được tiềm năng, thu hút sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Một số di tích được đầu tư lớn từ nguồn xã hội hóa của nhân dân và các mạnh thường quân” - bà Loan chia sẻ.

Ngoài ra, Đồng Nai đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi, nâng cao giá trị di sản, nhất là di sản phi vật thể trong vùng đồng bào dân tộc, trên cơ sở đó, đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả.

Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho biết, hiện nay Bảo tàng Đồng Nai đã số hóa hơn 8,5 ngàn hiện vật trong tổng số hơn 20 ngàn hiện vật quý. Đặc biệt, bảo tàng đã số hóa 3D các bảo vật quốc gia; ứng dụng công nghệ vào thực hiện tour tham quan 360 thực tế ảo (360 Virtual Tour) tại di tích cấp quốc gia văn miếu Trấn Biên… nhằm quảng bá và lan tỏa di sản của Đồng Nai đến với công chúng.

Ly Na

Bài 3: Khơi nguồn sức mạnh nội sinh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202302/dong-luc-moi-tu-nen-tang-van-hoa-bai-2-no-luc-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-3157813/