Bài 2: Tạo nét văn hóa riêng từ thực hiện Quy tắc ứng xử
Sau 7 năm ra đời, với sự kiên trì trong công tác tuyên truyền, hệ thống quy tắc ứng xử (QTƯX) đang ngày càng thân thuộc với các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân trong việc căn chỉnh văn hóa ứng xử, xây dựng cộng đồng ngày một văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.
Tích cực sáng tạo, lan tỏa
Nằm trên khu bán đảo lớn giữa hồ Tây, Phủ Tây Hồ nổi bật với nét kiến trúc độc đáo, uy nghiêm. Phủ Tây Hồ không chỉ là một trong di tích lịch sử tín ngưỡng linh thiêng của Hà Nội mà còn địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút người dân và du khách. Những năm gần đây nhờ có sự quan tâm của chính quyền địa phương, Phủ Tây Hồ đã không còn cảnh chèo kéo, chen lấn của hàng rong. Các dịch vụ đổi tiền, viết sớ, bán đồ lễ… cũng mời chào một cách khéo léo, nhẹ nhàng hơn.
Phía bên trong khuôn viên của di tích, có thể dễ dàng nhận thấy, những Bộ QTƯX của TP Hà Nội đã được vận dụng, lựa chọn, điều chỉnh phù hợp với cơ sở tín ngưỡng.
Theo đó, Ban quản lý (BQL) di tích lịch sử văn hóa Phủ Tây Hồ đã niêm yết công khai Nghị định 75/NĐ - CP năm 2010 của Chính phủ về cấm đốt vàng mã tại các khu di tích lịch sử văn hóa.
Cụ thể hơn, BQL không cho đốt các đồ vàng mã gồm: hình nhân thế mạng; ông lốt (tam đầu cữu vĩ); ngựa, voi, rừng cây; mũ hia, khăn, áo, ô, nón; thoi thuyền, hải sao”. Cùng với đó, tiêu chí mô hình QTƯX “di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn” cũng được niêm yết với 2 phần “tiêu chí với người trông coi di tích” và “tiêu chí đối với người đến tham quan, hành lễ tại di tích”…, qua đó xây dựng tính chuẩn mực cho mọi hành vi, thái độ, cách ứng xử của mỗi tổ chức, cá nhân khi đến tham gia các hoạt động tại Phủ Tây Hồ.
Trưởng Tiểu BQL di tích Phủ Tây Hồ Trương Tiến Hồi chia sẻ: từ lâu BQL di tích đã không cho phép đốt hương ở khu nội tự; không đốt mã tại phủ.
Người đi lễ chỉ đốt tiền vàng theo lối truyền thống. Di tích đẩy mạnh tuyên truyền và khoảng 3 năm trở lại đây, việc đốt tiền vàng đã giảm hẳn, tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường…
“Đối với những người trông coi di tích, khách đến tham quan chúng tôi đều tuyên truyền ứng xử văn minh, đi nhẹ, nói khẽ. Mọi người đến lễ, chúng tôi đều ứng xử như nhau, không phân biệt giàu nghèo” - ông Trương Tiến Hồi cho biết.
Theo Phó trưởng phòng Văn hóa & Thông tin quận Tây Hồ Nguyễn Thị Thanh Hà, thời gian qua quận Tây Hồ đã linh hoạt trong công tác tuyên truyền về QTƯX nơi công cộng đến người dân và du khách. Trong đó, di tích lịch sử văn hóa Phủ Tây Hồ đã chắt lọc những nội dung ý nghĩa, thiết thực trong QTƯX nơi công cộng do UBND TP Hà Nội ban hành để in to, rõ ràng, đặt ở nơi dễ thấy, dễ nhìn, trình bày bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
Quận Tây Hồ đã triển khai lắp đặt mô hình Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn tại 71 di tích trên địa bàn quận; đồng thời triển khai mô hình “Phường văn hóa”, áp dụng riêng trên địa bàn quận, đến nay có 7/8 phường đạt danh hiệu.
Cũng giống như quận Tây Hồ, đối với các di tích lịch sử, trong năm 2024, UBND huyện Đông Anh đã triển khai khảo sát và lắp đặt 37 bảng thực hiện QTƯX gắn với mô hình di tích lịch sử văn hóa kiểu mẫu tại các di tích xếp hạng trên địa bàn huyện như: Đền Sái, Đình Nhạn Tái, Đình Lý Nhân, Đình Hà Vỹ… Đơn cử, tại Đình Nhạn Tái, Hội Liên hiệp Phụ Nữ (LHPN) xã Xuân Nộm đã kết hợp với ban lãnh đạo thôn, các ngành đoàn thể thiết kế, in ấn bộ QTƯX nơi công cộng và đặt ngoài cổng đình.
Bên cạnh đó, Hội LHPN cùng Nhân dân dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa, làm cỏ phía trong và ngoài khuôn viên đình làng. Nhờ việc triển khai thực hiện Bộ QTƯX nơi công cộng mà người dân khi đến tham quan, làm lễ tại những nơi linh thiêng đã biết cách ứng xử văn minh, lịch sự, qua đó giữ gìn nét tôn nghiêm nơi thờ tự.
Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Nộn Nguyễn Thị Giang bày tỏ, việc phát động xây dựng mô hình điểm về tuyên truyền QTƯX đã phần nào bồi đắp được những giá trị tốt đẹp, tạo đà cho nếp sống văn hóa được lan tỏa hơn nữa trong đời sống. Đồng thời, khơi dậy ý thức trách nhiệm của mỗi người với nơi mình sống, từ đó, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở.
Biến chợ thành điểm đến du lịch
Chợ hoa Quảng An (Tây Hồ) hoạt động sôi nổi và đông người nhất từ 20 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ ngày hôm sau. Đây là chợ hoa lớn nhất miền Bắc, cung cấp hoa cho các tỉnh miền Bắc và cả nước, mỗi ngày có hàng chục tấn hoa được giao dịch tại đây. Với số lượng hoa và khách buôn bán nhộn nhịp, mỗi tối tại chợ hoa có lượng lớn rác thải. Vì vậy, BQL chợ yêu cầu các tiểu thương thực hiện thu gom rác mỗi sáng và tập kết vào nơi quy định.
Từ năm 2017 đến nay, khi triển khai thực hiện QTƯX nơi công cộng, người dân khi đến di tích đều thể hiện tôn nghiêm, thanh lịch trong giao tiếp, trang phục. Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất, thời gian tới, QTƯX nơi công cộng cần được dịch sang tiếng Anh để khách du lịch quốc tế dễ tiếp cận và làm theo.
Phó Trưởng BQL di tích phường Vạn Phúc (Hà Đông) Đỗ Xuân Thủ
Trưởng BQL chợ hoa Quảng An Dương Văn Trường chia sẻ: “Sau hơn 7 năm thực hiện QTƯX nơi công cộng, BQL và các tiểu thương đang nỗ lực xây dựng mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”.
Hiện nay, các quầy đều có mã quét QR để người mua có thể thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt. BQL chợ đã lập các nhóm Zalo với sự tham gia của các tiểu thương, thường xuyên tuyên truyền việc thực hiện QTƯX, thông tin về những phản ánh của du khách để góp phần xây dựng môi trường kinh doanh văn minh, thân thiện, hiệu quả. Ngoài ra, các tiểu thương sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Tiktok để tăng cường quảng bá, tuyên truyền chợ hoa một cách hiệu quả”.
Theo thông tin từ BQL chợ Quảng An, chợ Quảng An nằm trong kế hoạch phát triển thành điểm du lịch đêm của Hà Nội do Sở Du lịch Hà Nội khảo sát, xây dựng. Đây sẽ là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của quận Tây Hồ, có thể kết nối với các điểm du lịch khác trên địa bàn quận để tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo cho quận Tây Hồ nói riêng và Hà Nội nói chung.
Quận Tây Hồ đã có kế hoạch xây dựng lại chợ hoa để đồng bộ các cơ sở hạ tầng như: khu vực bán hàng, bãi đỗ xe, nơi tập kết rác, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, lắp đặt camera an ninh, nhà vệ sinh công cộng. Ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyên truyền QTƯX với các tiểu thương cũng là cách làm được BQL chợ Xuân Đỉnh 2 (quận Bắc Từ Liêm) thực hiện.
Trưởng BQL chợ Xuân Đỉnh 2 Chu Đức Thuận cho biết, trước đây khi chưa có bộ QTƯX thì hằng năm BQL chợ đều tuyên truyền, vận động các tiểu thương ký cam kết thực hiện chợ an toàn văn minh hiệu quả. Từ năm 2018 triển khai bộ QTƯX nơi công cộng thì công tác tuyên truyền được thực hiện bài bản hơn.
Các QTƯX được niêm yết công khai tại cổng chợ, dễ nhìn, phát trên loa của chợ và gửi vào nhóm zalo của các tiểu thương để lúc rảnh rỗi các chị em đọc và làm theo. Các chị em cam kết xây dựng chợ văn minh - an toàn, không bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đủ nhãn mác. Kinh doanh nhưng cũng đồng thời bảo đảm phòng cháy chữa cháy. Bà con rất đồng tình với nội quy về QTƯX, nên việc tuyên truyền, triển khai không khó khăn gì.
Hiệu quả mang lại là hiện nay chợ không có hiện tượng cãi nhau tranh giành khách, cân đủ… Vì các tiểu thương xác định kinh doanh bền vững để thu hút người mua hàng.
Qua 7 năm thực hiện 2 Bộ QTƯX có thể thấy, từ TP tới cơ sở, hàng trăm cách làm hay, mô hình điểm đã và đang được triển khai, nhân rộng nhằm hiện thực hóa hai quy tắc ứng xử. Đáng nói, dù nhiều mô hình có nội dung tương tự, song việc triển khai không bị dập khuôn mà có sáng tạo cho phù hợp với điều kiện, đặc trưng, tính chất địa bàn, dân cư sinh sống.
Sau 7 năm thực hiện, 2 bộ QTƯX của TP đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi tầng lớp Nhân dân, tạo nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức, thái độ đến hành vi ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân, được thể hiện thông qua các hoạt động cụ thể như: việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, ý thức xây dựng văn minh đô thị; giữ thái độ lịch sự, đúng mực khi giao tiếp, khi tham gia các hoạt động vui chơi giải trí tại các điểm sinh hoạt công cộng và tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông.
Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương
(Còn nữa)
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-2-tao-net-van-hoa-rieng-tu-thuc-hien-quy-tac-ung-xu.html