Bài 2: Tìm cách, không tìm lý do

Những vướng mắc đất đai dù khó đến đâu nhưng nếu quyết tâm, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các quy định vẫn có thể tìm ra hướng tháo gỡ. Nhưng nếu thấy khó, muốn né tránh sẽ tìm lý do, cuối cùng động lực phát triển cứ bị 'nhốt' trong những vướng mắc.

Hiện trạng khu vực hơn 16ha đất lúa đã được Thủ tướng chấp thuận cho chuyển đổi để xây dựng Khu đô thị Phong Nam.

Hiện trạng khu vực hơn 16ha đất lúa đã được Thủ tướng chấp thuận cho chuyển đổi để xây dựng Khu đô thị Phong Nam.

Dù đã hoàn thiện cơ bản các thủ tục, chỉ còn vài "vướng mắc" chưa được tháo gỡ mà 3 năm qua dự án Khu đô thị Phong Nam xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng vẫn "nằm chờ". Dự án này có quy mô diện tích hơn 21,5ha được phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2012, điều chỉnh năm 2018, được thông qua trong danh mục thu hồi đất thực hiện dự án năm 2020. Sau khi có quy hoạch chi tiết, huyện Hòa Vang đã triển khai thủ tục giải phóng mặt bằng, thu hồi đất trong ranh giới dự án. Năm 2021, Thủ tướng đã chấp thuận cho Đà Nẵng chuyển mục đích đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp với diện tích hơn 16,7 ha để thực hiện dự án. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư Đà Nẵng-Miền Trung (DMT Group) đã nhiều lần kiến nghị thành phố giao đất, cho thuê đất để triển khai dự án vẫn chưa được chấp nhận. Cũng vì vậy dự án vẫn "dẫm chân tại chỗ", gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó trưởng ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND TP cho biết, dự án ban đầu được thành phố cho đấu thầu quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư là Công ty Việt In, và công ty này đã ứng 8 tỷ đồng nộp ngân sách. Tuy nhiên sau đó Công ty Việt In không triển khai dự án được đã sát nhập vào DMT Group. Vướng mắc đầu tiên phát sinh là dự án đã được đấu giá đất cho Công ty Việt In, khi sát nhập thì DMT Group có được tiếp tục dự án không? Nếu không thì buộc phải thực hiện đấu thầu, đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư lại từ đầu. Quá trình vận dụng các quy định khẳng định DMT Group được thừa hưởng quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới dự án. Khi vướng mắc này vừa được tháo gỡ thì lại đến vướng mắc khác, đó là quy định chồng chéo giữa luật đất đai và luật đầu tư. Việc giải quyết vướng mắc này hiện chưa xong, kéo dài 3 năm qua và DMT Group vẫn chưa được giao đất, cho thuê đất để triển khai dự án. Ông Tuấn nói, theo luật đầu tư thì dự án đã được đấu thầu, đấu giá thì không cần làm đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo luật đất đai, dự án phải có chứng nhận đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư thì mới cho thuê đất được. Đây là vướng mắc lớn nhất khiến dự án đang "nghẽn" lại.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay dự án còn một số vướng mắc, trình tự thủ tục chưa tuân thủ quy định. Theo quy hoạch chung thành phố được Thủ tướng phê duyệt năm 2023 thì dự án thuộc phân khu dự trữ phát triển, quy hoạch đất ở làng xóm. Theo quy hoạch phân khu thì dự án được quy hoạch là đất ở nông thôn, đất cây xanh đơn vị ở, đất trường mẫu giáo…Như vậy, hiện nay dự án Khu đô thị Phong Nam-Hòa Châu chưa phù hợp với quy hoạch chung và qui hoạch phân khu. Bên cạnh đó, dự án chưa nằm trong chương trình phát triển đô thị thành phố cũng như chưa nằm trong kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2025. Cũng theo bà Hương, năm 2013 thành phố đã ban hành quy định thu tiền sử dụng đất, hiện chủ đầu tư mới nộp 8 tỷ đồng trên tổng số 84 tỷ đồng, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Trước đây nhà đầu tư đã ứng tiền cho huyện Hòa Vang để giải phóng mặt bằng, tuy nhiên sau khi có vướng mắc thì huyện Hòa Vang cũng chưa hoàn tất thủ tục giải phóng mặt bằng. Bà Hương cho biết, quan trọng nhất, đây là dự án phát triển nhà ở thì phải có quyền sử dụng đất ở, sau đó mới làm thủ tục cấp chứng nhận đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo luật đầu tư. Trong khi đó, ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, theo luật đất đai, dự án Khu đô thị Phong Nam phải có chứng nhận đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư thì mới được giao đất, cho thuê đất.

Như vậy, vướng mắc khiến dự án treo lại là việc áp dụng pháp luật. Ông Lương Công Tuấn, Trưởng ban pháp chế, HĐND TP cho biết, theo điều 6 Nghị định 01, đối với dự án đã lựa chọn nhà đầu tư trước năm 2014 nhưng chưa giao đất thì tiến hành giao đất, không phải tổ chức đấu thầu, đấu giá lại. Trường hợp Khu đô thị Phong Nam cũng vậy. Vấn đề còn lại là sự thống nhất giữa Sở KH&ĐT với Sở TN&MT để tháo gỡ cho nhà đầu tư, chứ bây giờ cứ xoay quanh câu chuyện chấp thuận chủ trương đầu tư trước hay giao đất trước, con gà có trước hay quả trứng có trước, thì vướng mắc cứ treo mãi.

Vì vướng mắc thủ tục suốt 3 năm qua dự án Khu đô thị Phong Nam vẫn "nằm chờ".

Vì vướng mắc thủ tục suốt 3 năm qua dự án Khu đô thị Phong Nam vẫn "nằm chờ".

Những vướng mắc của dự án không phải không có hướng tháo gỡ, quan trọng vẫn là sự linh hoạt, sáng tạo trong vận dụng các quy định pháp luật. Ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch HĐND TP cho biết, dự án này đã có quy hoạch chi tiết 1/500 trước khi có quy hoạch chung 359 cũng như quy hoạch phân khu, vì vậy phải viện dẫn, tìm cách tháo gỡ, chứ bây giờ cứ căn cứ các quy hoạch hiện hành thì rất khó giải quyết vấn đề. Để được giao đất thì doanh nghiệp phải có chấp thuận chủ trương đầu tư, hoặc có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhưng mà vì dự án đã đấu thầu đấu giá thì không cần. Còn nếu doanh nghiệp đề nghị được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì Sở KH&ĐT cấp theo quy định pháp luật. Ở đây quan trọng là công tác phối hợp để gỡ nút thắt.

Cũng theo Chủ tịch HĐND TP chia sẻ, khi đi tiếp xúc cử tri tại Hòa Châu người dân rất bức xúc. Khu vực này trước đây là vùng sản xuất lúa của Hòa Vang, nhưng sau đó dự án vây quanh, bị ảnh hưởng, không sản xuất được, thành phố phải nhiều lần hỗ trợ kinh phí cho người dân. Ông Thắng nói: "Bây giờ có dự án thì cần tập trung hỗ trợ thủ tục để triển khai. Vấn đề còn lại là trách nhiệm, tinh thần giải quyết cho doanh nghiệp".

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/bai-2-tim-cach-khong-tim-ly-do-post297974.html