BÀI 3: Cả nhà làm cao su – Từ bản xa đổi đời

Tại những bản làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên như Hứa Thanh, Pá Sáng hay Mường Nhé, cây cao su không chỉ là cây trồng kinh tế mà còn là 'cây hy vọng' của hàng trăm hộ đồng bào thiểu số. Ở đó, có những gia đình không chỉ một người mà cả nhà cùng làm công nhân khai thác mủ – và chính điều đó đã viết nên những câu chuyện đổi đời đầy cảm động, từ đói nghèo vươn lên ổn định, no ấm.

Từ hai người thành tám người cùng làm cao su

Tại một góc vườn cao su ở Mường Nhé - Công ty Cao su Mường Nhé Điện Biên, vợ chồng Vừ A Tùng (30 tuổi) và Ly Thị Dì (28 tuổi), người dân tộc Mông, đang miệt mài cạo mủ khi trời còn chưa sáng hẳn. Gia đình họ có đến 8 người, từng phải sống chật vật nhờ làm nương, nuôi heo rừng, kiếm củi. Nhưng từ ngày hai vợ chồng vào công ty cao su làm công nhân, mọi thứ bắt đầu đổi khác.

 Từ ngày vào làm cao su, cuộc sống của gia đình anh Vừ A Tùng có nhiều đổi thay tốt hơn. Từ đó anh mạnh dạn vận động anh em họ hàng làm cao su

Từ ngày vào làm cao su, cuộc sống của gia đình anh Vừ A Tùng có nhiều đổi thay tốt hơn. Từ đó anh mạnh dạn vận động anh em họ hàng làm cao su

Anh Tùng nhớ lại: “Lúc đầu làm thử, thấy có lương đều, không phải lo từng bữa nữa. Mình gọi thêm em trai, chị gái, rồi cả bố mẹ vợ cũng vào làm. Giờ cả nhà có người trồng, người cạo, người chăm sóc vườn. Thu nhập cao hơn hẳn”.

Chỉ sau ba năm làm cao su, vợ chồng anh đã xây được căn nhà khang trang trị giá hơn 100 triệu đồng – điều mà trước đây họ không dám nghĩ tới.

Hành trình đi từ trong bản ra trung tâm

Một gia đình khác cũng đã thay đổi cuộc sống nhờ cao su là nhà chị Hờ Thị Nhứ, công nhân Công ty Cao su Điện Biên. Chồng chị, anh Giàng A Dế, 45 tuổi, là người vào công ty làm từ những ngày đầu tiên năm 2008, khi cây cao su còn chưa cho khai thác.

Trước ở sâu trong bản, làm nương quanh năm chẳng đủ ăn. Sau này, hai vợ chồng anh Dế quyết định chuyển ra gần trung tâm xã, đi làm cao su để con cái có điều kiện học hành. Gia đình có bốn người con, nhờ thu nhập từ cao su mà bữa cơm không còn lo thiếu, con cái được đi học đầy đủ. “Nhà chưa phải to nhưng cũng tạm ổn, quan trọng là có công việc đều, không phải đi làm thuê khắp nơi như trước”, anh Dế tâm sự.

Ngoài vợ chồng chị Nhứ - anh Dế, con gái Giàng Thị Kía và con rể Sề Thế Vinh hiện cũng làm cùng Công ty Cao su Điện Biên và chung Đội cao su Hứa Thanh.

 Gia đình anh Dế chị Nhứ cùng con gái và con rể ở chung Đội cao su Hứa Thanh, ngày ngày cùng nhau làm việc, giúp đỡ nhau

Gia đình anh Dế chị Nhứ cùng con gái và con rể ở chung Đội cao su Hứa Thanh, ngày ngày cùng nhau làm việc, giúp đỡ nhau

"Cây cao su cho mình cuộc sống tốt nên khi con gái lập gia đình tôi hướng hai con vào làm chung cao su thay vì phải lang bạt nơi này nơi kia", anh Dế nói và cho hay cả nhà làm cùng chung đội nên có thể choàng cho nhau những lúc đau ốm, thành ra thu nhập cả nhà rất ổn định.

Cây cao su – Cây của gia đình

Không phải là hiếm khi bắt gặp cả ba thế hệ trong một gia đình cùng làm việc trong những vườn cao su ở Điện Biên hay Mường Nhé. Có cụ ông từng góp đất, nay con cháu tiếp tục đi làm công nhân, rồi trưởng thành, ổn định kinh tế từ chính mảnh đất quê hương mình.

Ông Thào Tất Tòng – Bí thư chi bộ bản Xá Nhù – nhận định: “Trước kia, dân bản hay phải đưa con đi các tỉnh xa làm thuê. Giờ thì ngay tại đây, cả nhà cùng có việc làm, có thu nhập. Không chỉ đủ sống, mà còn có niềm tin vào tương lai".

 Nhờ cây cao su, nhiều người dân được làm việc ngay tại bản làng, tiện cho việc chăm sóc con cái, nương rẫy

Nhờ cây cao su, nhiều người dân được làm việc ngay tại bản làng, tiện cho việc chăm sóc con cái, nương rẫy

Cũng theo ông Tòng, từ mô hình gia đình làm cao su, nhiều người đã vượt lên nghèo khó, thậm chí có người trở thành đảng viên, kỹ thuật viên giỏi của công ty. Gia đình gắn bó với cao su – và cao su trở thành phần máu thịt trong đời sống của họ.

Không chỉ có thu nhập ổn định, các gia đình làm cao su còn học được tinh thần kỷ luật, trách nhiệm và gắn bó với cộng đồng. Họ trở thành những nhân tố tích cực trong các phong trào của bản, xã. Từ việc trồng cây đúng kỹ thuật, giữ vệ sinh vườn cây đến tham gia các đội thi tay nghề, nhiều gia đình cùng phấn đấu, cùng trưởng thành.

Các cán bộ kỹ thuật của Công ty Cao su Điện Biên cho biết: “Điều đặc biệt ở vùng cao là khi một người làm tốt thì sẽ kéo theo cả gia đình, cả dòng họ vào làm. Sự lan tỏa ấy khiến hiệu quả sản xuất tốt hơn mà cũng giúp gắn kết cộng đồng".

Hành trình đổi đời từ những vườn cây cao su không chỉ là câu chuyện của cá nhân, mà là hành trình của cả cộng đồng. Những giọt mủ trắng tinh khôi chảy xuống từ thân cây, là kết tinh của mồ hôi, của tình thân, và của một tương lai vững chãi được dựng xây từ đôi tay cần lao của cả gia đình.

Nguyễn Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bai-3-ca-nha-lam-cao-su-tu-ban-xa-doi-doi-post1762421.tpo