Bài 3: Hoàn thiện cơ chế kê biên, phong tỏa tài sản

Quá trình phát hiện, truy tìm, thu giữ, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án thường kéo dài, có khi đến nhiều năm làm cho giá trị tài sản bị kê biên, phong tỏa bị tẩu tán, thất thoát. Do đó nhiều ý kiến cho rằng cần có cách tiếp cận mới để xử lý tài sản kê biên, phong tỏa, tránh thiệt hại cho Nhà nước và cả chính người phạm tội nếu bị kết tội sau này.

Bài 1: Chưa theo kịp yêu cầu
Bài 2: Điệp khúc án tồn đọng, tỷ lệ thu hồi tài sản thấp
Bài cuối: Từ quyết tâm chính trị của Đảng

Vẫn bảo đảm quyền tài sản của cá nhân

Thu hồi tài sản không dựa trên kết án hiện đã được quy định và áp dụng tại hơn 40 quốc gia trên thế giới, phần lớn là những nước phát triển, có trình độ quản lý nhà nước cao và nhiều thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng. Dù thu hồi tài sản không dựa trên kết án chỉ nằm trong nhóm quy định mang tính tùy nghi, nhưng việc được Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC) với hơn 180 thành viên ghi nhận cho thấy, về cơ bản các quốc gia đã thừa nhận những đặc tính ưu việt của phương thức thu hồi tài sản này.

Chẳng hạn, Thái Lan là nước thiết lập và duy trì một số cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết án từ rất sớm thông qua Luật Chống rửa tiền năm 1999 và Luật Chống tham nhũng năm 1999 với các biện pháp tịch thu tài sản dân sự và lệnh về giàu có bất thường.

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như là một vụ án còn nhiều tài sản chưa thu hồi được. Nguồn ITN

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như là một vụ án còn nhiều tài sản chưa thu hồi được. Nguồn ITN

Theo Luật Chống rửa tiền năm 1999, các tổ chức tài chính như Ngân hàng Thái Lan, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp tài chính và tín dụng, công ty bảo hiểm nhân thọ và công ty bảo hiểm tai nạn (bao gồm cả văn phòng đất đai) có nghĩa vụ pháp lý báo cáo tất cả các giao dịch tiền mặt 2.000.000 bath trở lên hoặc tất cả giao dịch tài sản trị giá 5.000.000 bath hoặc bất kỳ giao dịch đáng ngờ nào, thậm chí dưới 2.000.000 bath phải được báo cáo cho Văn phòng chống rửa tiền. Nếu có bằng chứng cho rằng giao dịch đó có thể liên quan đến bất kỳ hành vi phạm tội nào, Văn phòng chống rửa tiền sẽ báo cáo vấn đề với Ủy ban giao dịch để áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc Tổng Thư ký Văn phòng chống rửa tiền sẽ quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn trước khi báo cáo Ủy ban. Nếu có đủ bằng chứng chứng minh tài sản có liên quan đến hành vi phạm tội thì Tổng thư ký của Văn phòng Phòng, chống rửa tiền sẽ chuyển hồ sơ cho công tố viên để xem xét việc nộp đơn khởi kiện đến tòa án để tịch thu.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp Lê Thị Hòa, việc đề xuất nghiên cứu, xây dựng cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tăng cường hiệu quả tịch thu tài sản cũng như xu hướng chung của các nước trên thế giới. Trách nhiệm chứng minh vẫn thuộc cơ quan khởi kiện ra tòa dân sự, không trái với nguyên tắc suy đoán vô tội, bảo đảm quyền xét xử công bằng, phù hợp với nguyên tắc bảo đảm quyền tài sản của cá nhân theo quy định của pháp luật dân sự.

Tuy nhiên, việc này cũng có một số khó khăn, thách thức do đây là biện pháp mới với trình tự, thủ tục, thẩm quyền riêng, đòi hỏi phải có sự đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực, nhân lực để chuẩn bị các phương án, điều kiện cần thiết. Thực hiện cơ chế này liên quan đến nhiều đạo luật khác nhau do đó còn đặt ra yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan, bà Hòa phân tích.

Các cơ quan chức năng đã thu hồi 1.400 tỷ đồng liên quan đến vụ Việt Á. Nguồn: ITN

Các cơ quan chức năng đã thu hồi 1.400 tỷ đồng liên quan đến vụ Việt Á. Nguồn: ITN

Trưởng Đại diện Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) tại Việt Nam, Florian Feyerabend cho biết, Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC) đã dành một chương quy định về thu hồi tài sản. Theo đó, UNCAC khuyến nghị các nước thành viên theo pháp luật nước mình xem xét tiến hành các biện pháp cần thiết cho phép tịch thu tài sản mà chưa có bản án hình sự trong trường hợp không thể truy tố người vi phạm vì lý do người này đã chết, lẩn trốn hoặc vắng mặt, hoặc trong các trường hợp thích hợp khác. Tuy nhiên, cơ chế thu hồi tài sản không qua truy tố hình sự có thể phức tạp vì cơ chế này có thể gây ra những băn khoăn về quyền tài sản.

Bảo toàn tối đa giá trị tài sản, tránh thất thoát

Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp Lê Tuấn Sơn nêu thực tế, đối với các tài sản bị thu hồi trong các vụ án kinh tế, tham nhũng là tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp, người phạm tội thường tìm mọi cách để hợp pháp hóa quyền sở hữu cho người thân. Do vậy, để đảm bảo thu hồi hiệu quả, kịp thời, tối đa giá trị tài sản, trong thời gian tới cần nghiên cứu xây dựng trình tự, thủ tục riêng cho quá trình xác minh, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Cụ thể, trong giai đoạn tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử cần xác định rõ vai trò, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan; cơ chế bảo mật thông tin, ngăn chặn tẩu tán tài sản và nhất là cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội.

Các cơ quan chức năng đã thu hồi một số lượng lớn tài sản liên quan đến vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng giả. Nguồn: ITN

Các cơ quan chức năng đã thu hồi một số lượng lớn tài sản liên quan đến vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng giả. Nguồn: ITN

Nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật quy định (riêng) về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế để khắc phục việc áp dụng quy định của Luật Thi hành án dân sự vào thi hành các bản án, quyết định của tòa án về hình sự (Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế).

Đồng quan điểm, theo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hòa Bình Trần Văn Dũng, suy cho cùng, hiệu quả của công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế được tính bằng giá trị tiền, tài sản thu hồi được. Song quá trình phát hiện, truy tìm, thu giữ, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án thường kéo dài, có khi đến nhiều năm. Trong quá trình đó, tài sản bị kê biên, phong tỏa có xu hướng giảm giá trị, nhất là các tài sản là máy móc, nhà xưởng, cổ phần, cổ phiếu, ô tô, các thiết bị điện tử...

Do đó, cần có cách tiếp cận mới để xử lý tài sản kê biên, phong tỏa trong trường hợp này để tránh thiệt hại cho Nhà nước và cả cho người phạm tội khi họ bị kết tội sau này. Theo đó, có thể xử lý tài sản kê biên, phong tỏa trước khi có bản án kết tội có hiệu lực với điều kiện phải có sự thỏa thuận, thống nhất của chủ tài sản. Trường hợp không có sự thống nhất của đương sự thì cơ quan có thẩm quyền chỉ xử lý tài sản khi bản án kết tội có hiệu lực pháp luật.

Mặt khác, để bảo toàn tối đa giá trị tài sản từ giai đoạn điều tra (kê biên, phong tỏa), truy tố, xét xử, thi hành án trong các vụ án kinh tế, tham nhũng cần phải xây dựng cơ chế xử lý tài sản kê biên, phong tỏa trước khi bản án có hiệu lực nhằm tránh thiệt hại do bị giảm giá. Đây là vấn đề tương đối mới, có thể ảnh hưởng đến quyền về tài sản của công dân. Vì vậy, cơ chế này phải trên nguyên tắc vừa bảo toàn tối đa giá trị tài sản bị kê biên, vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu, nhất là giá trị chứng minh tội phạm theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Hoàng Tuấn – Đình Khoa – Bình Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giam-sat-quoc-hoi-va-cu-chi/bai-3-hoan-thien-co-che-ke-bien-phong-toa-tai-san-i312097/