Bài 3: Những bước phát triển vượt bậc về lực lượng
Cùng với việc thay đổi tên, từ Việt Nam giải phóng quân - lực lượng thống nhất từ các Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Trung đội Cứu quốc quân - tới Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (1946), và Quân đội nhân dân Việt Nam (từ năm 1950), quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, có những bước phát triển vượt bậc về lực lượng, từ những đội quân nhỏ bé.
Từ lực lượng Việt Nam giải phóng quân, Vệ quốc đoàn…
Chúng ta đã biết nhiều về Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân như một tổ chức tiền thân đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng có lẽ không nhiều người trẻ hôm nay biết rằng trước khi trở thành lực lượng chính quy, hiện đại như hiện nay, quân đội ta đã trải qua hành trình phát triển vượt bậc, từ những đội quân tưởng chừng như nhỏ bé, thô sơ.
Gần một năm sau khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành lập, tháng 4/1945, để đẩy mạnh hơn nữa việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa, Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ họp vào tại Bắc Giang đã quyết định thống nhất Cứu Quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cùng các tổ chức vũ trang khác. Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị, ngày 15/5/1945, tại làng Quặng (xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thống nhất các đơn vị Cứu quốc quân, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và các tổ chức vũ trang cách mạng khác trong cả nước được thành Việt Nam Giải phóng quân. Lực lượng ban đầu gồm 13 đại đội chủ lực được tổ chức thống nhất từ tiểu đội, trung đội đến đại đội. Mỗi tiểu đội 12 người, 3 tiểu đội thành một trung đội, 3 trung đội thành một đại đội. Bộ Tư lệnh đầu tiên của Việt Nam Giải phóng quân gồm: Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Chu Văn Tấn.
Tháng 9/1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã lâm vào tình thế hiểm nghèo, thù trong, giặc ngoài. Để đáp ứng yêu sách của quân Tưởng đòi giải tán quân đội chính quy, tháng 11/1945, Việt Nam giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn (còn gọi là Vệ quốc quân) - nghĩa đen là “đoàn thể bảo vệ Tổ quốc” - một tên gọi “ngụy trang” nhằm thực hiện chính sách mềm dẻo, khôn khéo, né tránh sự khiêu khích, xung đột với quân Đồng Minh, cụ thể là quân Tưởng đang có mặt ở nước ta lúc bấy giờ. Trước đó, cuối tháng 10/1945, hội nghị bàn về xây dựng Vệ quốc đoàn do Bộ Tổng Tham mưu tổ chức đã kiến nghị với Trung ương Đảng phê duyệt về tổ chức biên chế các đơn vị Vệ quốc đoàn theo hệ thống “tam tam chế”, gồm từ tiểu đội, phân đội, trung đội đến trung đoàn. Thời điểm đó, quân đội ta đã có bước chuyển đáng kể và nhanh chóng về lực lượng. Tháng 9/1945, mới chỉ có hai chi đội thì đến cuối năm 1945, đã phát triển thành 40 chi đội bộ đội chủ lực ở hầu khắp các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và một số tỉnh ở Nam Bộ. Dưới chi đội là đại đội, trung đội, phân đội và tiểu đội.
Tháng 1/1946, Trung ương Quân ủy được thành lập. Đây là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng trong quân đội, có nhiệm vụ: Giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng trực tiếp nắm mọi hoạt động của lực lượng vũ trang, xây dựng bản chất cách mạng của quân đội, bảo đảm cho quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và với Nhân dân trong mọi thử thách quyết liệt, chiến đấu vì hạnh phúc của nhân dân. Trung ương Quân ủy gồm 7 đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê Liêm, Hoàng Văn Thái, Chu Văn Tấn, Nguyễn Sơn. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng phân công làm Bí thư.
Ngày 22/5/1946, theo Sắc lệnh 71/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vệ quốc đoàn đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam, được đặt dưới sự chỉ huy tập trung thống nhất của Bộ Tổng tham mưu. Sắc lệnh 71/SL có thể được coi là sắc lệnh đầu tiên cho việc xây dựng quân đội chính quy của một quốc gia độc lập.
Kèm theo sắc lệnh có bản quy tắc (62 điều), trong đó từ điều 1 đến điều 9 quy định tổ chức biên chế bộ đội chủ lực thống nhất từ tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn đến đại đoàn, sư đoàn, liên đoàn, tập đoàn của bộ binh; các đơn vị chuyên môn và hỏa lực trợ chiến. Theo đó, các chi đội ở Bắc Bộ, Trung Bộ chấn chỉnh thành đơn vị cấp trung đoàn (32 trung đoàn) và tiểu đoàn độc lập. Riêng Nam Bộ, do chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt nên vẫn giữ nguyên hình thức tổ chức cấp chi đội (25 chi đội).
Cùng với việc xây dựng quân đội quốc gia, Chính phủ ta đặc biệt coi trọng việc xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng, lực lượng bán vũ trang, bao gồm: dân quân ở nông thôn và tự vệ ở đô thị.
Để tránh nhầm lẫn với quân đội của Bảo Đại, bắt đầu từ năm 1950, quân đội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa dần dần chuyển sang danh xưng QĐND Việt Nam. “Quân đội nhân dân” là danh xưng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt, với ý nghĩa “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ”.
Tới sự ra đời của bộ đội địa phương và Đại đoàn chủ lực đầu tiên
Trong quá trình phát triển cuộc cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng quân đội gồm ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, Bộ đội địa phương, Dân quân du kích. Trong đó, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương hợp thành Quân đội nhân dân Việt Nam, bộ đội chủ lực là lực lượng chủ yếu để tiến hành chiến tranh chính quy, là lực lượng cơ động trên những địa bàn quan trọng của các chiến trường.
Từ quan điểm ấy, ngày 7/4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh thành lập bộ đội địa phương. Sắc lệnh quy định rõ: “Quân đội quốc gia Việt Nam có hai phần: Quân đội chính quy và quân địa phương. Bộ đội địa phương có ba đặc điểm chính là: Có tính cách địa phương, có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, tự trang bị và tự túc về cấp dưỡng”. Ngày 18/8/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Xây dựng bộ đội địa phương và phát triển dân quân. Chỉ thị nêu rõ: “Bộ đội địa phương và dân quân trong quá trình tiến triển của chiến tranh, là lực lượng hậu bị trực tiếp của quân chủ lực... Nhờ sự phát triển của những lực lượng ấy, tài sản của nhân dân, chính quyền nhân dân, các đoàn thể nhân dân và các cơ sở Đảng được bảo vệ, chính quyền bù nhìn của giặc, kinh tế của chúng, ngụy binh và âm mưu chiếm đóng của quân địch bị phá hoại”.
Song song với đó, ngày 28/8/1949, theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên Phong (nay là Sư đoàn Bộ binh cơ giới 308, Quân đoàn 12) được thành lập. Đây là đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam đọc nhật lệnh thành lập Đại đoàn, nhấn mạnh: “... Đại đoàn có nhiệm vụ cùng các binh đoàn chủ lực khác, đi tiên phong trên con đường tiêu diệt sinh lực địch, trên con đường chính quy hóa. Đại đoàn phải: Hễ đánh là thắng, hễ đánh là tiêu diệt sinh lực địch, ngày càng lớn mạnh, quyết định chiến trường...”.
Sau Đại đoàn Quân Tiên Phong, từ năm 1949 đến năm 1952, các đại đoàn bộ binh liên tiếp ra đời. Cụ thể: 304 (Đại đoàn Vinh Quang, thành lập ngày 10-3-1950); 312 (Đại đoàn Chiến Thắng, thành lập ngày 27-12-1950); 320 (Đại đoàn Đồng Bằng, thành lập ngày 16-1-1951); 316 (Đoàn Bông Lau, thành lập ngày 1-5-1951); 325 (Đại đoàn Bình-Trị-Thiên, thành lập ngày 5-12-1952) và Đại đoàn công-pháo 351 (thành lập ngày 27-3-1951). Theo biên chế, quân số mỗi đại đoàn bộ binh gần 10.000 người, có các trung đoàn bộ binh, tiểu đoàn pháo, đơn vị trinh sát, công binh, thông tin, vận tải, cảnh vệ, quân y và các cơ quan trực thuộc.
Từ thời điểm đó, việc các đại đoàn chủ lực liên tiếp ra đời, bộ đội địa phương và dân quân du kích không ngừng được củng cố và phát triển đã tạo nên sự thay đổi cơ bản về chất, góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta, giúp làm nên một quân đội nhân dân Việt Nam “bách chiến, bách thắng”. Như nhìn nhận của Bigeard - nhà nghiên cứu của Pháp, về quân đội ta: “Họ đã bắt đầu với những vũ khí góp nhặt... Rồi ngày qua tháng lại, họ tổ chức thành từng toán, từng đội, rồi phát triển thành những trung đội, đại đội, tiểu đoàn, lữ đoàn, sư đoàn đầy đủ... Có thể nói rằng, họ đã trở thành đội quân vĩ đại nhất...”.