BÀI 3: 'QUẢ NGỌT MÙA ĐẦU' VƯỢT XA MONG ĐỢI

Đổi mới sáng tạo bằng sự đột phá vào mục tiêu 'lấy người học làm trung tâm', phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, ngành tuyên giáo Quảng Trị đã tạo 'luồng gió mới' trong bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Kết quả của các lớp học thí điểm bước đầu khẳng định lời giải cho bài toán khó.

 Học viên đối tượng 5 thuộc Đảng bộ Cục Hải quan tỉnh kiểm tra đánh giá kết quả trực tuyến tại hội trường ngày 25-6-2024.

Học viên đối tượng 5 thuộc Đảng bộ Cục Hải quan tỉnh kiểm tra đánh giá kết quả trực tuyến tại hội trường ngày 25-6-2024.

Tăng tính chủ động, linh hoạt cho học viên

Tháng 6-2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức lớp đầu tiên thí điểm bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên in-tơ-nét cho 250 cán bộ, đảng viên đối tượng 5 thuộc Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh (gồm Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị; Đảng bộ Kho Bạc Nhà nước Quảng Trị; Đảng bộ Cục Thuế Quảng Trị; Đảng bộ Cục Hải quan Quảng Trị và Đảng bộ Viễn thông Quảng Trị).

Học viên tập trung dự lễ khai giảng, nghe phổ biến quy chế, được hướng dẫn những nội dung liên quan. Trong hai tuần, học viên chủ động sắp xếp thời gian, tự nghiên cứu, học tập các chuyên đề đã được đăng tải nội dung trên hệ thống và sau đó là làm bài kiểm tra, đánh giá. Quá trình tổ chức kiểm tra, có 106 học viên tham gia kiểm tra tập trung tại địa điểm do các tổ chức cơ sở đảng tổ chức; 139 học viên tham gia làm bài kiểm tra tại cơ quan nơi công tác. Theo quy định, học viên trả lời 20 câu hỏi trắc nghiệm trong thời gian 30 phút, mỗi thí sinh được làm bài kiểm tra tối đa 3 lần, được lấy kết quả cao nhất để đánh giá. Kết quả đánh giá chất lượng lớp thí điểm đầu tiên có 232 học viên xếp loại xuất sắc, đạt 95,5%; 10 học viên xếp loại tốt, đạt 4,1%; 1 học viên xếp loại khá, đạt 0,4%. Ban Tổ chức lớp học đã lấy ý kiến nhận xét của 50 học viên từ 5 đảng bộ cơ sở tham gia lớp học thí điểm, 100% học viên đều nhận xét đây là hình thức học và kiểm tra có nhiều ưu điểm so với học tập trung hoặc trực tuyến. Học viên Nguyễn Minh Quỳnh, Đảng bộ Viễn thông Quảng Trị nhận xét: “Độ dài các chuyên đề phù hợp với đối tượng và mục tiêu đào tạo. Nội dung biên soạn bảo đảm tính khoa học, hệ thống và thực tiễn, sử dụng ngôn ngữ súc tích, dễ hiểu và có sự liên kết chặt chẽ giữa các phần, giúp học viên dễ dàng tiếp thu. Các chuyên đề bảo đảm tính mới về mặt lý luận, phản ánh những xu hướng và thay đổi trong tư duy lý luận của Đảng, phân tích, dự báo về những thách thức và cơ hội trong bối cảnh mới. Các chuyên đề thiết kế có sự phù hợp giữa lý luận và liên hệ tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị công tác”.

Học viên Trần Thị Bích Nguyên, Đảng bộ Cục Hải quan tỉnh chia sẻ: “Nội dung bộ câu hỏi dễ hiểu, đáp án phù hợp với yêu cầu cập nhật lý luận, kiến thức mới, không đánh đố học viên như một số cuộc thi khác. Hình thức học trên mạng in-tơ nét rất tiện lợi cho học viên vì có thể tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi, thiết thực và hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức lý luận chính trị, cập nhật kịp thời kiến thức cho cán bộ, đảng viên”.

Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thành lập nhóm zalo cho các học viên để trao đổi, thảo luận trong quá trình tự nghiên cứu và ôn tập, có tác dụng thiết thực trong quá trình chuyển đổi từ việc lên lớp nghe giảng thành chủ động, linh hoạt tự nghiên cứu, cập nhật kiến thức. Học viên Hà Nguyên Đạt bày tỏ: “Qua tham gia lớp học, bản thân tôi thu nhận được rất nhiều kiến thức bổ ích, rất thời sự và củng cố thêm niềm tin vào Đảng, vào sự phát triển của quê hương Quảng Trị”.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hồng Phương, Đảng bộ có 44 học viên hiện đang công tác ở các huyện, thị xã, 5 học viên ở địa bàn miền núi huyện Đakrông. Mặc dù ở khá xa thành phố nhưng tất cả học viên đều làm bài thi thuận lợi. Việc học và thi qua in-tơ-nét giúp tiết kiệm kinh phí, tổ chức lớp và nhất là nhân lực lao động.

Mở ra “xa lộ”, tăng tốc thực hiện mục tiêu

Đồng chí Đỗ Thị Lý, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Tuy còn một số khó khăn, bỡ ngỡ trong lần đầu tiên tổ chức thí điểm, nhưng việc tổ chức lớp học này đã khẳng định tính ưu việt so với các hình thức học trực tiếp mà Đảng ủy Khối đã tổ chức. Từ đầu nhiệm kỳ (2020-2025) tới nay, dù đã rất cố gắng, Đảng ủy Khối mới tổ chức được 3 lớp cho 728 đồng chí trên tổng số 2.687 cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng 5 của Đảng bộ, chi phí tổ chức mỗi lớp học là trên 30 triệu đồng. Với việc thực hiện chuyển đổi số, tổ chức lớp học và kiểm tra, đánh giá đều qua in-tơ-nét, Đảng bộ sẽ hoàn thành việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức cho toàn bộ 1.959 cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng 5 ngay trong năm nay.

 Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức sơ kết thí điểm tổ chức lớp bồi dưỡng ký luận, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên đối tượng 5 trên in-tơ-nét.

Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức sơ kết thí điểm tổ chức lớp bồi dưỡng ký luận, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên đối tượng 5 trên in-tơ-nét.

Từ thành công của lớp thí điểm đầu tiên, ngày 10 đến 23-9-2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức lớp bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên đối tượng 5 trên in-tơ-nét cho 915 học viên của 204 tổ chức cơ sở đảng thuộc 10 huyện, thị, thành ủy trên địa bàn tỉnh. Chỉ trong 4 ngày từ 10 đến13-9-2024 đã có 70.396 lượt học viên truy cập vào hệ thống để học bài. Kết quả đánh giá sau khi kết thúc lớp học, có 590 học viên xếp loại xuất sắc; 234 học viên xếp loại tốt; 91 học viên xếp loại khá. Đặc biệt, 38 học viên là người dân tộc Pakô, Vân Kiều, chủ yếu công tác tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa của huyện Hướng Hóa đều đạt khá, giỏi.

Đánh giá về ưu điểm nổi bật của việc ứng dụng chuyển đổi số trong bồi dưỡng lý luận chính trị, đồng chí Hồ Văn Vinh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hướng Hóa cho biết, việc học tập, nghiên cứu và kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng lý luận chính trị trên in-tơ-nét đã giúp học viên có thời gian nghiên cứu các chuyên đề, hiểu sâu nội dung các chuyên đề, từ đó lượng kiến thức thu nhận được nhiều và toàn diện hơn; kết quả kiểm tra, đánh giá khách quan và thực chất, tiết kiệm chi phí. Các học viên đến từ các xã vùng sâu của huyện Hướng Hóa như Hồ Lu La (công chức tư pháp - hộ tịch, UBND xã Xy), Hồ Văn Thước (Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Hướng Linh), Hồ Văn Minh (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hướng Việt), Hồ Thị Va (Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hướng Lập), Nguyễn Thị Hà (Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Hợp) có chung nhận xét: Học viên có thể tranh thủ thời gian học mọi lúc, mọi nơi, ngày nghỉ lên rẫy cũng có thể học qua điện thoại. Hình thức học qua in-tơ-nét giúp học viên phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, ý thức tự giác học tập, tự nghiên cứu tài liệu để đạt kết quả cao nhất trong khóa học; đồng thời ứng dụng hiệu quả kiến thức được học vào thực tiễn công tác.

Theo đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được xác định góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là: “Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương”. Soi vào yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, chuyển đổi số trong bồi dưỡng lý luận chính trị chính là giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đề ra trong nhiệm kỳ là mỗi cán bộ, đảng viên đều sẽ được bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức ít nhất một lần; đồng thời có tác dụng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hoạt động của hệ thống chính trị.

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương rất quan tâm, ủng hộ mô hình bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên in-tơ-nét của Tỉnh ủy Quảng Trị. Thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ chỉ đạo các địa phương, đơn vị nhân rộng mô hình này.

Đảng ta luôn khẳng định lý luận có vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng, dẫn dắt hoạt động thực tiễn trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Học tập lý luận chính trị giúp người học có sự hiểu biết sâu sắc, đầy đủ, toàn diện hơn về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời củng cố niềm tin và bản lĩnh chính trị, ý thức giai cấp và tinh thần yêu nước, từ đó thúc đẩy cán bộ, đảng viên tự giác, tự nguyện, hăng hái hành động, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Việc thường xuyên được bồi dưỡng, học tập lý luận chính trị cung cấp cho người học thế giới quan, phương pháp luận cách mạng và khoa học, vận dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác.

Trong bài viết “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất”, Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu phải “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của Đảng”.

Lời giải của ngành Tuyên giáo Quảng Trị trong chuyển đổi số, tạo sự đột phá, đổi mới sáng tạo trong công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở là thực tiễn sinh động minh chứng cho những quan điểm chỉ đạo mới của người đứng đầu Đảng ta.

Thu Hà, Châu Minh và Đông Hà

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/ly-luan-thuc-tien/bai-3-qua-ngot-mua-dau-vuot-xa-mong-doi-21862