Sau loạt bài dạy thêm, Tạp chí nhận 'bão' cảm ơn vì nói hộ bức xúc của phụ huynh

'Bài báo như nói hộ những trăn trở của tôi cũng như nhiều phụ huynh đang có con theo học tại Trường tiểu học Ngọc Khánh', một phụ huynh gửi ý kiến về Tòa soạn.

Các bài viết phản ánh về việc dạy thêm của nhiều giáo viên Trường tiểu học Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) dạy thêm học sinh chính khóa, cùng với đó là nhiều nhà dân quanh trường này tổ chức cho giáo viên một số trường công dạy thêm đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của độc giả cả nước.

Sau khi các bài viết được đăng tải, Tòa soạn đã nhận được "bão" điện thoại, email gửi lời cảm ơn phóng viên của Tòa soạn đã phản ánh chân thực, khách quan vấn đề.

 Nhiều giáo viên Trường tiểu học Ngọc Khánh tổ chức dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình.

Nhiều giáo viên Trường tiểu học Ngọc Khánh tổ chức dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình.

Bài báo viết về Trường tiểu học Ngọc Khánh rất sát với thực tế

“Sau khi đọc 3 bài báo viết về việc dạy thêm của nhiều giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Khánh, tôi thấy rất sát với thực tế. Bài báo như nói hộ những trăn trở của tôi cũng như rất nhiều phụ huynh đang có con theo học tại trường. Ở trường, các con đã học 2 buổi/ngày. Đồng thời sau thời gian học chương trình giáo dục theo quy định, trường còn tổ chức dịch vụ bồi dưỡng bổ sung kiến thức các môn văn hóa và thu 180,000 đồng/tháng/học sinh. Cái này không phải học thêm thì là gì? Quan trọng là thầy cô dạy ở lớp ra sao mà học sinh đi học thêm nhiều thế. Lớp con tôi, gần cả lớp đi học.

Con đến trường từ lúc 6h30 để tránh tắc đường. Đến chiều cháu tan trường từ 16h hoặc 16h35, nhưng vẫn phải đi học thêm đến 18h30, thậm chí đến 20h. Về nhà giờ đó, con tắm rửa, ăn uống xong, lại phải vùi đầu vào làm bài tập ở trường.

Bức xúc nhất là nếu con không đi học thêm cô "bắn tiếng" là con yếu kém này nọ. Đến trẻ về còn nói với tôi là cô nói chắc vì con không đi học thêm. Một đứa trẻ tiểu học còn nhận ra “tín hiệu” của giáo viên khi không đi học thêm thì thử hỏi làm sao học sinh tôn trọng cô, coi cô làm gương được? Quan trọng hơn, con còn rất nhỏ nếu cô “nhớ” vì không đi học thêm thì phụ huynh cũng rất sợ. Nói thẳng, con tôi học ở trường này đã phải đi học thêm giáo viên chủ nhiệm từ khi vào học lớp 1. Những phản ánh của Tạp chí rất đúng với thực tế. Tôi mong Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) xử lý nghiêm để chấm dứt hiện tượng này làm gương.

Thực tế mức thu nhập từ dạy thêm với giáo viên có thể lên tới 30-40 triệu đồng/tháng nếu không xử lý nghiêm, tôi e rằng được ít tháng đâu lại vào đấy. Chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh đến Tạp chí nếu tình trạng dạy thêm còn tiếp diễn”. (Một trong số nhiều ý kiến của bạn đọc là phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngọc Khánh gửi)

Nếu không cho con học thêm rất sợ bị thầy cô “trù”

“Sau khi đọc bài về giáo viên Trường tiểu học Ngọc Khánh, có ý kiến phụ huynh trong bài lo lắng nếu không cho con học thì sợ bị cô giáo chủ nhiệm “trù”, tôi thấy rất đồng quan điểm.

Câu chuyện tôi muốn nói dưới đây cũng giống như câu chuyện của Trường tiểu học Ngọc Khánh nhưng khác là trường con tôi đang theo học lại ở thị trấn của một tỉnh phía Bắc.

Con tôi năm nay lên lớp 4 rồi nhưng từ lớp 1,2,3 đến bây giờ vẫn phải đi học thêm sau 1 ngày học chính khóa ( cả sáng và chiều). Buổi sáng cháu phải ra khỏi nhà từ 6 giờ 30 sáng đến tận 17h30 chiều mới về tới nhà. Về nhà, cháu chỉ kịp tắm rửa rồi ăn vội bát cơm để kịp 19h cô giáo chủ nhiệm dạy thêm. Bản thân tôi là phụ huynh tâm lý chung cũng như bao nhiêu phụ huynh khác thấy các cháu còn rất bé mà đã bị "nhồi nhét" quá nhiều kiến thức vậy thì thử hỏi rằng tuổi thơ của các con ở đâu?

Buổi học thêm của cô giáo chủ nhiệm thường từ 19-21h. Vậy tổng thời gian 1 ngày của 1 đứa trẻ 6,7,8,9 tuổi thời gian đi học từ 6h30-17h30 và 19-21h như vậy đối với tôi là quá áp lực cho các cháu. Việc này tôi nghĩ rất nhiều phụ huynh cũng rất bức xúc nhưng tâm lý chung là sợ không đi học thêm "con mình sẽ bị trù".

Thầy hiệu trưởng chắc chắn biết việc này nhưng khả năng đều bỏ qua cho các cô vì tình trạng dạy thêm rất phổ biến cứ tầm 19h ở các nhà cô giáo chủ nhiệm tập trung rất nhiều phụ huynh đưa trẻ đi học.

Vậy qua mail này rất mong Tòa soạn "quá giang" lên trường tiểu học thị trấn….để tìm hiểu xem tại sao có quy định cấm giáo viên dạy thêm chính khóa rồi mà các cô giáo chủ nhiệm vẫn ngang nhiên tổ chức dạy? (bạn đọc le….@gmail.com. Tòa soạn tạm ẩn danh trường và tên địa phương trước khi làm rõ)

Cô gọi học sinh có đi học thêm là “con”, học sinh không đi học là “em”

“Một em học sinh lớp 12 kể với tôi rằng, cô gọi bạn có đi học thêm là "con", mà gọi em đó là "em". Em ấy thấy cách đối xử của giáo viên với em khác với cách giáo viên đối xử với bạn có đi học thêm.

Em và mẹ thấy cách giáo viên nói chuyện như là muốn dụ dỗ đi học thêm. Như vậy, việc dạy học sinh chính khóa làm phụ huynh và học sinh có cái nhìn tiêu cực và nghi ngờ về giáo viên, và thiếu tôn trọng giáo viên, dù cho giáo viên có tiêu cực hay chân chính.

Giáo viên có dạy học sinh chính khóa của mình có phải là sẽ thương những em có đi học thêm hơn những em còn lại hay không? Điều này cũng khó tránh khỏi, và nó tạo nên một môi trường giáo dục xa cách giữa thầy cô và học trò. Như vậy, thầy cô sao có thể truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn học đó và cố gắng học tốt hơn được, ngược lại làm học sinh chán hơn. Thực tế phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, có những học sinh cảm thấy mình không được quan tâm, không được thương chỉ vì mình không học thêm thầy cô dạy chính khóa. (Bạn đọc có địa chỉ trantandat…gmail.com)

Mong Tòa soạn ghi nhận phản ánh hoạt động dạy thêm ở nhiều khu vực thành phố lớn khác

“Kính nhờ lãnh đạo Tòa soạn cử phóng viên giúp dẹp bỏ điểm dạy thêm học thêm học sinh tiểu học hoạt động trái phép công khai của nhóm giáo viên trường tiểu học T.T. Nhóm giáo viên này tổ chức dạy thêm khung giờ 16g00 đến 18g00 các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần. Chúng tôi hiện đang rất mệt mỏi vì khung cảnh đưa đón kẹt xe, huyên náo, ồn ào, đậu xe mất trật tự tại khu phố.

Giáo viên tổ chức dạy thêm với số lượng học sinh đông tại cơ sở nhà dân. Thực tế, nhà dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đa số là nhà ống, chật hẹp. Nếu xảy ra sự cố, chắc chắn hậu quả sẽ khó lường. Vì thế, để ngăn chặn điều này, cần chính quyền các thành phố có chỉ đạo nghiêm”. (Một bạn đọc tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh gửi ý kiến cùng thông tin chi tiết về địa điểm tổ chức dạy thêm tới Tòa soạn).

Dạy thêm thực sự đang trở thành "vấn nạn"

“Dạy thêm thu tiền trong và ngoài nhà trường thực sự đã trở thành vấn nạn, phát sinh nhiều mâu thuẫn giữa phụ huynh - nhà trường, giáo viên – giáo viên, học sinh – giáo viên.

Chính vì thế, dự thảo dạy thêm, học thêm được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến đang có quá nhiều nội dung mở đường cho dạy thêm, học thêm có nguy cơ dễ dàng hơn. Vì thế, nếu dự thảo vẫn tiếp tục mở như vậy, tôi lo vấn nạn dạy thêm thời gian tới sẽ rất khó kiểm soát. Nên cấm tất cả các trường phổ thông công lập tổ chức dạy thêm có thu tiền dưới mọi hình thức.

Nhà trường công lập phải tổ chức dạy học theo đúng quy định, chịu trách nhiệm về chất lượng trước nhân dân và ngành giáo dục.

Theo tôi không tổ chức dạy thêm, học thêm trong các cơ sở giáo dục công lập; các thầy cô đang giảng dạy tại các trường phổ thông công lập không được phép dạy thêm. Bởi việc dạy thêm tại các trường công lập, do các thầy cô trong chính ngôi trường đó dạy sẽ tiềm ẩn xung đột lợi ích và có thể làm xấu mối quan hệ thầy trò.

Nên chuyển hoạt động học thêm, dạy thêm sang các trung tâm luyện thi do các thầy cô tự do hoặc các giáo viên ký hợp đồng lao động với các tổ chức này thực hiện. Các cơ sở này đơn thuần cung ứng dịch vụ giáo dục phục vụ nhu cầu chính đáng của học sinh và phụ huynh”. (Bạn đọc Nguyễn Văn Hưng – Thành phố Hồ Chí Minh)

Hoàng Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sau-loat-bai-day-them-tap-chi-nhan-bao-cam-on-vi-noi-ho-buc-xuc-cua-phu-huynh-post246460.gd