Bài 3: Tăng hiệu quả quản lý hải quan qua tham vấn các nước đối tác và khu vực tư nhân

Để thực hiện tốt nhất công tác quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, Hải quan Việt Nam cũng như hải quan ASEAN đã triển khai cơ chế tham vấn với hải quan các nước đối tác và khu vực tư nhân. Thông qua tham vấn, cơ quan hải quan sẽ có các giải pháp hữu hiệu để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp cũng như dòng chảy thương mại trong khu vực và chống thương mại bất hợp pháp.

Hải quan Việt Nam luôn phối hợp nâng cao nghiệp vụ quản lý hải quan. Ảnh: internet

Hải quan Việt Nam luôn phối hợp nâng cao nghiệp vụ quản lý hải quan. Ảnh: internet

Chia sẻ những thông lệ tốt

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, việc tham vấn thường kỳ với các đối tác đối thoại của ASEAN như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia được đẩy mạnh để thúc đẩy chia sẻ thông tin và tăng cường hợp tác, diễn ra tại các cuộc họp Ủy ban Điều phối hải quan (CCC) và Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN (DG). Qua các cuộc tham vấn, ASEAN và các đối tác đối thoại có cơ hội để trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm, cập nhật thông tin về chính sách, pháp luật, cải cách, hiện đại hóa hải quan ở khu vực và các nước. Ngoài ra, các nước ASEAN cũng thông qua các phiên tham vấn để đề xuất các hoạt động hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực mà các nước đối tác có thế mạnh.

Việt Nam cũng đã và đang tham gia cơ chế tham vấn với các đối tác của ASEAN như một kênh để trao đổi thông tin, phổ biến chính sách cũng như tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác trong việc thực hiện cải cách, hiện đại hóa hải quan.

Trong đó, đối với Hải quan Nhật Bản, lĩnh vực hợp tác được Hải quan ASEAN triển khai gồm Một cửa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với Hải quan Trung Quốc, Hải quan ASEAN đã hợp tác trong lĩnh vực chống buôn lậu và hiện đại hóa hải quan; Hợp tác chia sẻ kinh nghiệm về Mô hình 3S “Hải quan thông minh, Biên giới thông minh và Kết nối thông minh”. Hải quan Trung Quốc đã chủ động, tích cực chia sẻ với ASEAN về kinh nghiệm xây dựng và áp dụng công nghệ mới (Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn...) trong quá trình chuyển đổi số với nhiều nghiệp vụ quản lý quan trọng của cơ quan hải quan như: soi chiếu hàng hóa, xác định trọng điểm, lập hồ sơ rủi ro...

Đối với Hải quan Hàn Quốc, là đối tác đối thoại của ASEAN từ năm 2005, Hải quan Hàn Quốc đã chủ động, tích cực chia sẻ nhiều kinh nghiệm hiện đại hóa, số hóa quy trình quản lý hải quan của mình với các nước ASEAN, trong đó có quản lý thương mại điện tử đối với hàng hóa chuyển phát nhanh, hệ thống FTA-Pass về quản lý và cấp chứng từ xuất xứ, doanh nghiệp ưu tiên, phân loại hàng hóa, quản lý hàng hóa chiến lược, điều tra chống ma túy, đào tạo về quản lý rủi ro...

Hải quan các nước ASEAN cũng thường xuyên tham vấn với Hải quan Australia về một số lĩnh vực mà Australia đã đạt được nhiều thành tựu như: Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên hay còn gọi là Chương trình Doanh nghiệp đáng tin cậy –ATT tại Australia và thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Doanh nghiệp ưu tiên và Chương trình đào tạo cho cán bộ quản lý cấp trung (JCMMP).

Cùng với hải quan các nước đối tác, Tổng Thư ký Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) là khách mời tham vấn tại các Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN. Trong thời gian gần đây, tại các phiên tham vấn, đại diện WCO nhấn mạnh đóng góp của ASEAN vào sự tăng trưởng kinh tế năng động ở Châu Á - Thái Bình Dương và ghi nhận những nỗ lực của ASEAN nhằm tăng cường kết nối, tạo thuận lợi thương mại. Đồng thời, đưa ra các lĩnh vực được WCO ưu tiên trong thời gian tới để các nước ASEAN xem xét và có kế hoạch phát triển, có thể kể đến như: xây dựng hệ sinh thái về dữ liệu trong lĩnh vực hải quan; Hải quan xanh; hiện đại hóa hải quan; bảo mật dữ liệu.

Vừa qua, tại Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 do Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức, Hải quan ASEAN đã có các phiên tham vấn với các đối tác đối thoại gồm: phiên tham vấn lần thứ 13 với Tổng Thư ký WCO; tham vấn cấp Cao ủy/Tổng cục trưởng lần thứ 22 với Hải quan Trung Quốc, lần thứ 26 với Hải quan Nhật Bản, lần thứ 20 với Hải quan Hàn Quốc và lần thứ 8 với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Australia.

Tại các phiên tham vấn này, Hải quan ASEAN và các đối tác đối thoại đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ về những thông lệ tốt nhất cho công tác quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại. Đồng thời, tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực hải quan, đặc biệt là các vấn đề mới nổi liên quan đến tính bền vững, hải quan xanh, thương mại điện tử xuyên biên giới, đấu tranh chống thương mại bất hợp pháp, kiểm soát rác thải nhựa và sự luân chuyển các sản phẩm của nền kinh tế tuần hoàn...

Phát triển quan hệ đối tác với doanh nghiệp qua tham vấn

Cùng với tham vấn các nước đối tác, sự tham gia của khu vực tư nhân cũng là một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của các cuộc họp CCC và Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN. Thông qua tham vấn đã đẩy mạnh quan hệ đối tác giữa Hải quan ASEAN và cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực. Hải quan ASEAN đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của khu vực tư nhân nhằm cải thiện quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi tốt hơn cho lưu thông thương mại hợp pháp trong khu vực.

Tại Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33, các phiên tham vấn với khu vực tư nhân cũng được triển khai hiệu quả, bao gồm tham vấn Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Hội đồng Kinh doanh EU – ASEAN và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN. Qua đó, đã thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Hải quan ASEAN với khu vực tư nhân, tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp kinh doanh trong khu vực, tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại hợp pháp, tăng cường sự ổn định và bền vững của chuỗi cung ứng thương mại quốc tế và góp phần giải quyết tình trạng buôn bán bất hợp pháp trong khu vực.

Ông Chris Humphrey - Giám đốc Điều hành Hội đồng Kinh doanh EU-ABC cho rằng, doanh nghiệp EU một mặt mong muốn hàng hóa thông quan nhanh, tạo thuận lợi thương mại, mặt khác cũng sẵn sàng giúp hải quan nâng cao hiệu quả hoạt động, tìm hiểu nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như trong các vấn đề khác như đấu tranh chống thương mại bất hợp pháp.

Do đó, Hội đồng Kinh doanh EU-ABC mong muốn hợp tác với Hải quan ASEAN về tuân thủ được thông tin. Việc này giúp doanh nghiệp hiểu hơn về những thủ tục phải thực hiện để tuân thủ các yêu cầu của cơ quan hải quan, trong đó có Hải quan Việt Nam, từ đó sẽ giúp việc thông quan được nhanh chóng.

Cũng theo ông Chris Humphrey, thương mại bất hợp pháp cũng là một vấn đề rất nghiêm trọng trong khu vực, gây thất thu ngân sách cho chính quyền, là mối lo ngại về sự an toàn đối với người tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp, đó là sự tổn hại đến uy tín nếu các sản phẩm hàng giả, hàng nhái được bày bán trên thị trường. Do đó, ông Chris Humphrey cho rằng đây là lĩnh vực mà hải quan và doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, không chỉ trong đào tạo xây dựng năng lực, mà còn chia sẻ thông tin.

Đánh giá cao Hải quan Việt Nam cũng như Hải quan ASEAN trong công tác tham vấn, ông Micheal Cymbalista - Tham tán của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Australia tại Khu vực Mê Kông cho biết coi Việt Nam là một đối tác chiến lược toàn diện và khẳng định sẵn sàng hợp tác với Hải quan Việt Nam để tiếp tục thúc đẩy trao đổi thông tin và hợp tác chống buôn lậu.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bai-3-tang-hieu-qua-quan-ly-hai-quan-qua-tham-van-cac-nuoc-doi-tac-va-khu-vuc-tu-nhan.html