Bài 4: Hoàn thiện khung chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ cho khoa học và công nghệ

Các chính sách ưu đãi thuế cho khoa học và công nghệ đã phát huy hiệu quả, nhưng sau thời gian áp dụng đã bộc lộ bất cập, thiếu đồng bộ, có 'độ trễ chính sách', ảnh hưởng đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giảm hiệu quả thu hút đầu tư và chưa tạo động lực tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng.

Bài 1: “Mở đường” cho khoa học và công nghệ phát triển

Bài 2: Ưu đãi thuế TNDN, TNCN chưa tạo hứng khởi cho doanh nghiệp, nhà nghiên cứu

Bài 3: Bất cập ưu đãi thuế VAT, xuất nhập khẩu với khoa học, công nghệ

Với những “nút thắt” nêu trên cần sớm có giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách để phù hợp với thực tiễn cũng như phát huy được hiệu quả, hiệu lực, hiệu năng của chính sách này.

Hoàn thiện khung pháp lý chính sách hỗ trợ, ưu đãi thuế

Một là, do chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ đối với khoa học và công nghệ (KH&CN) đang được quy định trong các văn bản Luật chuyên ngành và pháp luật thuế, mỗi Luật lại có thời gian áp dụng hoặc sửa đổi riêng biệt. Chính vì vậy, sự thay đổi chính sách ưu đãi, hỗ trợ tại các văn bản pháp luật chuyên ngành nhưng do pháp luật thuế chưa thay đổi kịp dẫn đến “độ vênh” của chính sách. Sự thiếu đồng bộ trong các quy định này dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình thực thi.

Vì vậy, cần phải xây dựng và quy hoạch tổng thể các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ đối với KH&CN cho từng giai đoạn, từ đối tượng cụ thể: giai đoạn nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo, khai thác, sử dụng và chuyển giao KH&CN đảm bảo phù hợp, thống nhất với định hướng phát triển kinh tế, xã hội và chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2030 tầm nhìn 2050. Trên cơ sở đó, thiết nghĩ cần Luật hóa “Khung pháp lý” chung cho các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt là đối với KH&CN để đảm bảo đồng bộ tránh sự tùy tiện, gây khó khăn khi thực thi, áp dụng.

Đặc biệt, năm 2024 Việt Nam chính thức áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu nên chính sách ưu đãi thuế TNDN sẽ không còn phát huy hiệu quả trong một số trường hợp. Để ứng phó với bối cảnh này cần thiết phải gia tăng, bổ sung, thay thế các chính sách hỗ trợ và ưu đãi thuế để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn vốn FDI trong bối cảnh mới.

Theo đó, Việt Nam có thể bổ sung các chính sách ưu hỗ trợ để thay thế các chính sách đãi thuế kém hiệu quả trong bối cảnh mởi (ưu đãi thuế TNDN đối với các đối tượng Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không còn hiệu quả) để thu hút đầu như: Hỗ trợ, ưu tiên giải quyết các thủ tục hành chính, hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư, chi hỗ trợ cho kinh phí nghiên cứu phát triển (R&D), gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tạo sự liên kết phát triển thị trường R&D, đảm bảo ổn định kinh tế xã hội, môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng…

Mặt khác, Nhà nước và Chính phủ cần có biện pháp đảm bảo chi đầu tư cho khoa học và công nghệ ít nhất 2% trên tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm như Luật đã quy định đồng thời cần tiếp tục gia tăng tỷ lệ này từ 3% đến 5% theo lộ trình. Đồng thời, Chính phủ cần có cơ chế đôn đốc, kiểm tra, giám sát để nguồn chi này được kịp thời, đúng đối tượng và phù hợp với mục đích đã đặt ra.

Hai là, cần xây dựng “khung pháp lý chung” (tổng thể) cho chính sách hỗ trợ và ưu đãi thuế trong đó có chính sách ưu đãi, hỗ trợ KH&CN là cơ sở tham chiếu khi thực hiện.

Bên cạnh “Khung pháp lý chung” về chính sách hỗ trợ, ưu đãi thuế nêu trên cần quy định các chính sách này tại các luật chuyên ngành như Luật Khoa học và công nghệ hoặc Luật Chuyển giao công nghệ hoặc Luật Công nghệ cao về mức ưu đãi thuế, thời gian ưu đãi thuế, điều kiện ưu đãi thuế…

Theo phương án này, nhằm khắc phục hiện tượng “độ trễ chính sách” và độ “vênh chính sách” do pháp luật thuế chưa sửa đổi, bổ sung theo kịp pháp luật chuyên ngành có liên quan đến thời gian và đối tượng được hỗ trợ, ưu đãi thuế thì Pháp luật thuế chỉ nên quy định về trình tự, thủ tục ưu đãi thuế cũng như các vấn đề khác có liên quan.

Ba là, chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ đối với KH&CN cần được mở rộng áp dụng cho tổ chức không phải tổ chức kinh tế và cá nhân thay vì chỉ áp dụng cho các tổ chức kinh tế trong hoạt động đầu tư đối với KH&CN hiện nay. Sự bổ sung này là cần thiết nhằm đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng đồng thời chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ được phát huy và lan tỏa nhất.

 (Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Chính sách hỗ trợ, ưu đãi thuế TNDN

Một là, chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ đối với KH&CN cần được mở rộng đối tượng áp dụng đối với các tổ chức không phải là kinh tế khi hoạt động KH&CN như các Viện, trường… thay vì phải thực hiện quyết định hoặc chủ trương đầu tư như các tổ chức kinh tế để được hưởng chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư (DAĐT) mới hoặc DAĐT mở rộng. Theo đó, các tổ chức khác này chỉ cần có các quyết định thành lập hoặc chủ trương thành lập của cơ quan có thẩm quyền thì được ưu đãi, hỗ trợ tương tự các ưu đãi đối với DAĐT theo Pháp luật đầu tư khi thỏa mãn các điều kiện nhất định.

Theo đó, cần bổ sung ưu đãi thuế và hỗ trợ đối với các đối tượng này tại Luật Đầu tư hoặc các luật chuyên ngành hoặc “Khung pháp lý chung” khi được hình thành.

Hai là, tiếp tục mở rộng, gia tăng về mức ưu đãi, thời gian ưu đãi, đối tượng ưu đãi trong hoạt động KH&CN là trọng tâm, trọng điểm của quốc gia. Đồng thời, hạn chế và thu hẹp các ưu đãi thuế đối với các đối tượng hoạt động KH&CN không cần thiết.

Đồng thời xây dựng, hoàn thiện và thiết lập các hàng rào hạn chế hiện tượng “Quay vòng ưu đãi thuế” đối với các dự án “bình mới, rượu cũ” để chấm dứt tình trạng tái cấu trúc hoặc biến tướng thành DAĐT mới hoặc DAĐT mở rộng khi hết thời gian ưu đãi thuế để trục lợi chính sách ưu đãi của nhà nước.

Để thực hiện được phương án nêu trên, Luật Đầu tư hoặc pháp luật thuế cần quy định chính không áp dụng chính sách hỗ trợ và ưu đãi thuế đối với các DAĐT có bản chất được hình thành trên cơ sở kế thừa DAĐT đã và đang hoạt động hoặc; Không áp dụng ưu đãi thuế cho các trường hợp đầu tư không hợp pháp tại Việt Nam, Nhà nước Việt Nam không bảo hộ cho các hoạt động đầu tư của Nhà đầu tư danh nghĩa (không phải chủ sở hữu đầu tư thực sự) nhằm trục lợi chính sách.

Ba là, mặc dù đã có chính sách khấu hao nhanh, được tính vào chi phí khi tính thuế TNDN của hoạt động R&D, KH&CN, nhưng do tính lỗi thời của KH&CN khá nhanh cũng như việc trích khấu hao nhanh hiện nay chỉ áp dụng với tài sản là máy móc thiết bị mới và một số trường hợp đặc thù dẫn đến việc thu hồi vốn chậm, không theo kịp được sự thay đổi nhanh chóng của khoa học.

Do đó, đề nghị cho tăng mức khấu hao nhanh từ 2 lần lên 3 lần so với mức khấu hao theo phương pháp đường thẳng đồng thời mở rộng đối tượng được trích khấu hao nhanh với nhiều đối tượng có liên quan đến KH&CN thay vì chỉ bao gồm máy móc, thiết bị mới như hiện nay.

Bốn là, cần tăng tỷ lệ trích lập quỹ KH&CN trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Theo đó, để tăng mức đầu tư và chi cho R&D thì doanh nghiệp (bao gồm cả khối công và tư không phân như hiện nay) được phép trích lập quỹ khoa học và công nghệ từ 15% đến 20% trên thu nhập tính thuế TNDN, đồng thời thay đổi cơ chế quản lý tài chính, đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận tiện cho quản lý, sử dụng quỹ KH&CN này được hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, do chính sách trích lập quỹ KH&CN hiện nay chỉ mang tính khuyến khích, trong khi Việt Nam có trên 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của KH&CN. Do đó, cần cân nhắc “luật hóa” quy định doanh nghiệp có quy mô lớn hoặc ngành nghề có liên quan đến KH&CN trọng điểm buộc phải trích lập quỹ KH&CN từ đảm bảo cho nhu cầu phát triển của đất nước và được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ.

Năm là, cần xây dựng, bổ sung chính sách ưu đãi thuế theo tiêu thức doanh thu hoặc chi phí đầu tư thực tế cho KH&CN trong giai đoạn chưa có thu nhập để khắc phục trường hợp đầu tư lớn, thời gian lâu dài dẫn đến không có thu nhập sẽ không được ưu đãi thuế như chính sách hiện hành là khá bất cập. Quy định này sẽ giúp chính sách ưu đãi thuế sớm phát huy được hiệu quả từ đó thu hút được nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với khoản tài trợ cho khoa học và công nghệ mà chủ thể nhận tài trợ là các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức cá nhân… theo quy định tại Quyết định số 569 của Chính phủ và pháp luậ có liên quan nhằm đảm bảo đồng bộ, phù hợp với thực tiễn.

Chính sách hỗ trợ, ưu đãi thuế TNCN

Tương tự như thuế TNDN, chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ cần mở rộng đối với cá nhân được hưởng ưu đãi thuế TNCN và hỗ trợ khi hoạt động KH&CN.

Theo đó, cần có chính sách ưu đãi về miễn hoặc giảm (50%) thuế TNCN cho cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực KH&CN không phân biệt nguồn chi trả thuộc Ngân sách nhà nước hay tư nhân. Thực tế trước đây đã thực hiện chính sách giảm 50% thuế TNCN cho các cá nhân làm việc tại khu kinh tế, nay áp dụng tương tự quy định này cho cá nhân hoạt động nghiên cứu KH&CN là phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, Pháp luật thuế TNCN cần quy định cá nhân được khấu trừ các khoản chi phí phục vụ trực tiếp cho nghiên cứu hoặc tài trợ cho R&D để giảm trừ Thu nhập khi tính thuế TNCN, điều này sẽ khuyến khích cá nhân, nhà khoa học có nhiều động lực, thúc đẩy quá trình tham gia nghiên cứu, tài trợ cho KH&CN.

Chính sách hỗ trợ, ưu đãi thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và hoàn thiện Danh mục hàng hóa nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được và Danh mục các loại vật tư, sản phẩm là nguyên liệu đầu vào phục vụ trực tiếp cho hoạt động KH&CN để thuận tiện khi áp dụng ưu đãi thuế VAT và thuế nhập khẩu. Các danh mục này phải được rà soát và cập nhật thường xuyên đảm bảo phù hợp và theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của KH&CN.

Thực hiện chính sách kích cầu tiêu dùng và sử dụng sản phẩm của KH&CN thông qua chính sách ưu đãi, hỗ trợ ở khâu tiêu dùng, sử dụng các sản phẩm của KH&CN một mặt hỗ trợ người dân, người tiêu dùng, mặt khác hỗ trợ gián tiếp cho doanh nghiệp, nhà khoa học mở rộng được thị trường, nâng cao sản xuất.

Đơn cử một trong những chính sách kích cầu nêu trên có thể là không thu thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ tự sản xuất trong nước và đơn vị sử dụng hàng hóa dịch vụ để phục vụ cho quá trình xây dựng, nghiên cứu và phát triển KH&CN nhằm đáp ứng nhu cầu hiện nay về phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, bán dẫn, vi mạch…

Bên cạnh đó, cần khai thác hiệu quả cơ chế liên thông một cửa, trong đó doanh nghiệp nộp hồ sơ thông qua một cơ quan chuyên môn duy nhất. Cơ quan này sẽ tiếp nhận và chủ trì xử lý hồ sơ, đồng thời có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành liên quan khi cần xác minh hoặc tham khảo ý kiến chuyên môn. Các cơ quan liên quan có nghĩa vụ phản hồi và giải quyết nội dung được yêu cầu theo đúng quy định; nếu không thực hiện đúng trách nhiệm sẽ bị xử lý theo chế tài phù hợp.

 (Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Phương án này hoàn toàn khả thi trong bối cảnh phát triển kinh tế số và chính phủ điện tử, giúp nâng cao sự thuận tiện cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời góp phần giảm thiểu chi phí xã hội.

Chính sách hỗ trợ khác

Bên cạnh các chính sách khấu hao nhanh, cho tính vào chi phí khi tính thuế TNDN của hoạt động R&D, KH&CN thì nhà nước cần có chính sách hỗ trợ không bồi hoàn hoặc có bồi hoàn theo từng giai đoạn phát triển của dự án R&D như Singapore và các quốc gia đã thực hiện.

Nhà nước cần đầu tư mạo hiểm cho các dự án trọng điểm nghiên cứu R&D và các dự án mạo hiểm có nhiều rủi ro khiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp hạn chế đầu tư mạo hiểm.

Cần có các chính sách ưu đãi, đãi ngộ đặc biệt để hỗ trợ và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, bổ sung các chính sách cho các nhà khoa học, chuyên gia làm việc tại các viện, cơ sở đào tạo khi tham gia nghiên cứu khoa học được quy đổi số giờ nghiên cứu khoa học sang số giờ giảng dạy hoặc giảm số giờ giảng dạy từ đó khuyến khích nhà khoa học dành nhiều thời gian cho nghiên cứu KH&CN. Đặc biệt cần xây dựng cơ chế tài chính đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nghiên cứu với đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khi thương mại hóa kết quả KH&CN đặc biệt là cơ chế này cần được cởi trói trong khối công.

Cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ vay vốn, tín dụng với lãi suất ưu đãi và các thủ tục đơn giản, thuận tiện cho tổ chức cá nhân hoạt động KH&CN, cải cách, hỗ trợ và ưu tiên giải quyết các thủ tục hành chính, hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư, hỗ trợ đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực, tạo cơ chế, thị trường hoạt động, mua bán, trao đổi, nghiên cứu KH&CN... Các chính sách hỗ trợ này cần được xây dựng chi tiết, cụ thể và tường minh trong “Khung pháp lý chung” hoặc trong pháp luật chuyên nghành.

Nhà nước cần có kinh phí hỗ trợ nghiên cứu phát triển R&D, gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tạo sự liên kết phát triển thị trường R&D, có cơ chế bảo vệ và gia tăng thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đảm bảo ổn định kinh tế xã hội, môi trường kinh doanh minh bạch và các chính sách hỗ trợ cần thiết khác.

Ths Nguyễn Văn Được, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/bai-4-hoan-thien-khung-chinh-sach-uu-dai-thue-va-ho-tro-cho-khoa-hoc-va-cong-nghe-d57879.html