Bãi bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh từ ngày 1/1/2026

Theo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, việc bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2026.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết. (Ảnh: T.H)

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết. (Ảnh: T.H)

Sáng 17/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân với 429/434 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 89,7%.

Nghị quyết này quy định nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Nghị quyết quy định số lần thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; miễn kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tuân thủ tốt quy định pháp luật.

Về nguyên tắc xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh, phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân trong xử lý vi phạm; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự. Đối với vi phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời và toàn diện trước và là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp xử lý tiếp theo. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.

Tỷ lệ biểu quyết thông qua Nghị quyết. (Ảnh chụp màn hình)

Tỷ lệ biểu quyết thông qua Nghị quyết. (Ảnh chụp màn hình)

Về giải quyết phá sản doanh nghiệp, mở rộng trường hợp, căn cứ để Tòa án xem xét, quyết định việc giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn đối với doanh nghiệp. Việc giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn phải bảo đảm rút ngắn tối thiểu 30% về thời gian, đơn giản hóa trình tự, thủ tục giải quyết so với thủ tục thông thường.

Về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ một phần đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ. Các nội dung được hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ thu hồi đất, bồi thường, tái định cư; hỗ trợ đầu tư công trình kết cấu hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải và thông tin liên lạc.

Về hỗ trợ tài chính, tín dụng, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG). Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện các chức năng cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay khởi nghiệp; tài trợ vốn ban đầu cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo, dự án xây dựng vườn ươm…

Về hỗ trợ thuế, phí, lệ phí, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Việc xác định thời gian miễn, giảm thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng bên ngoài nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo theo cơ chế khoán sản phẩm. Việc sử dụng quỹ này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, Nhà nước mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế - xã hội, dự án quan trọng quốc gia thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc các mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân theo quy định của pháp luật.

Trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã báo cáo về chính sách bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh. Theo Bộ trưởng, việc bãi bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo minh bạch hóa hoạt động của hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về việc đẩy mạnh triển khai thực hiện chính sách này, dự thảo Nghị quyết đã điều chỉnh thời điểm áp dụng việc bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh từ ngày 1/1/2026, thay vì ngày 1/7/2026 như dự thảo trước.

Đồng thời, để giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi số, dự thảo Nghị quyết đã quy định Nhà nước bố trí kinh phí để cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung cho hộ kinh doanh.

Sơn Hoàng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bai-bo-thue-khoan-voi-ho-kinh-doanh-tu-ngay-112026-post548780.html