'Bài ca Thống Nhất': Di sản hội họa của họa sĩ chiến trường Lê Lam
Họa sĩ Lê Lam – người họa sĩ chiến sĩ, đã dành cả đời mình cho các tác phẩm ký họa chiến trường và các tác phẩm hội họa kháng chiến, ghi lại những khoảnh khắc lịch sử trọng đại của dân tộc.

Tại triển lãm mỹ thuật "Bài ca Thống Nhất", do Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân và Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ tổ chức chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước, đang diễn ra tại Công viên Thống Nhất, có trưng bày hình ảnh 19 tác phẩm (trong tổng số 100 tác phẩm tại triển lãm) của cố họa sĩ Lê Lam – người họa sĩ chiến sĩ dành cả đời mình cho các tác phẩm ký họa chiến trường và các tác phẩm hội họa kháng chiến ghi lại những khoảnh khắc lịch sử trọng đại của dân tộc.

Họa sĩ Lê Lam, tên thật là Vũ Quốc Ái, sinh năm 1931, tại Đông Anh, Hà Nội. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật khóa Kháng chiến tại Chiến khu Việt Bắc năm 1953, sau đó làm việc tại một số cơ quan báo chí.
Thông tin từ Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, năm 1958, ông được Nhà nước cử đi học Trường Đại học Mỹ thuật ở Matxcơva, mang tên Surikov, sau đó chuyển sang Trường Đại học Mỹ thuật Quốc gia Kiev.
Năm 1964 ông về nước và được phân công làm Giảng viên, Chủ nhiệm khoa đồ họa Trường Mỹ thuật Công nghiệp. Sinh thời, ông từng kể rằng, ông có tên trong danh sách họa sĩ tiếp tục sang Liên Xô học tập vào năm 1966, nhưng đã xin ở lại, xung phong vào sáng tác tại chiến trường miền Nam.
Năm đó, ông cùng một số văn nghệ sĩ khác như nhạc sỹ Lưu Hữu Phước, nhạc sĩ Hoàng Hiệp, biên đạo múa Thái Ly… vào chiến trường miền Nam công tác.

Tại đây, năm 1967, ông đã tìm gặp nhân vật chị Tư Cào - người tay không ngăn xe địch ở Long An lúc bấy giờ, để vẽ ký họa. Sau đó, ông đưa vào bức tranh cổ động hình ảnh chị Tư Cào hiên ngang đứng trước xe tăng địch, dưới gầm trời xám loang lổ khói bom lẫn máy bay trực thăng trùm lên cánh đồng lúa chín vàng sắp gặt. Trên xe, người lính Mỹ giương súng trước mặt chị Tư Cào.

Tác phẩm "Dừng lại".
Ban đầu họa sĩ đặt tên tranh là “Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục”, sau đổi tên tranh là “Dừng lại”. Bức tranh đầu tiên ấy sau đó bị quân địch thu giữ như chiến lợi phẩm. Khi họa sỹ Lê Lam về Trung ương Cục đã vẽ lại bức tranh này và gửi ra Bắc. Khi tranh được triển lãm, tác giả đã rất xúc động khi được biết Bác Hồ đã đứng rất lâu trước bức tranh rồi nói: “Cái này mạnh hơn sắt thép đấy. Các chú in ra cho toàn dân và thế giới xem”.
Ngoài tác phẩm sơn dầu "Dừng lại", họa sĩ Lê Lam còn có bức tranh cổ động "Bảo vệ chánh quyền Nhân dân", từng được in 18.000 bản, trưng bày tại Đại hội Đại biểu Quốc dân, diễn ra ngày 8/6/1969.
Tác phẩm "Từng giờ từng phút hướng về miền Bắc" của họa sĩ Lê Lam cũng từng giành giải Nhì tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1955.

Nhà nghiên cứu nghệ thuật Bùi Như Hương đánh giá về họa sĩ Lê Lam rất sâu sắc: “Trong suốt sự nghiệp của mình, Lê Lam luôn giữ vững quan điểm rằng nghệ thuật hiện thực không chỉ đơn giản là tái hiện hình ảnh, mà còn phải phản ánh tinh thần và bản sắc dân tộc. Hội họa của ông không chỉ kể lại những câu chuyện về chiến tranh, mà còn làm nổi bật vẻ đẹp con người Việt Nam trong gian khó. Một trong những nét đặc trưng cho văn hóa Việt Nam có thể thấy rõ ràng, xuyên suốt trong sáng tác của Lê Lam chính là chủ đề phụ nữ theo truyền thống “Mẫu hệ” (thờ Mẫu) của dân tộc Việt. Họa sĩ thường xuyên vẽ về phụ nữ, đề cao vẻ đẹp hiền thục, tình mẫu tử cũng như sự hy sinh can trường của người phụ nữ. Từ hình ảnh các nữ thanh niên xung phong, những bà mẹ gửi chồng con ra trận đến những người phụ nữ quả cảm như trong tác phẩm "Dừng lại", "Đội quân Tóc dài", "Má Bến Tre", tất cả đều phản ánh sâu sắc tinh thần bất khuất và lòng dũng cảm.

Tác phẩm "Mùa Xuân hy vọng".
Những đóng góp nổi bật của Lê Lam không chỉ nằm ở số lượng tác phẩm đồ sộ mà còn ở giá trị tinh thần và lịch sử mà chúng mang lại. Ông sở hữu khối lượng tác phẩm lớn nhờ phong cách làm việc cần mẫn, khả năng ký họa nhanh và tinh thần luôn sẵn sàng dấn thân vào thực địa trong suốt những năm tháng kháng chiến.
Ông đã để lại hàng ngàn bức ký họa chiến trường, tranh cổ động và tranh khắc gỗ phục vụ cho công cuộc tuyên truyền cách mạng. Những tác phẩm như "Bảo vệ chánh quyền Nhân dân" không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn là tài liệu lịch sử vô giá, ghi lại những khoảnh khắc trọng đại của dân tộc.

Di sản mà Lê Lam để lại không chỉ là những bức tranh, mà còn là biểu tượng của tinh thần yêu nước và khát vọng tự do. Nghệ thuật của ông là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, là lời nhắc nhở về những hy sinh to lớn của thế hệ cha ông. Tác phẩm "Mùa Xuân bất diệt" của ông không chỉ tôn vinh những giá trị trường tồn ấy, mà còn như một lời nhắc nhở rằng tinh thần cách mạng và khát vọng tự do của dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi tươi mới, như mùa xuân bất diệt trong lòng mỗi con người”.

Họa sĩ Lê Lam cũng giành nhiều giải thưởng hội họa trong nước và quốc tế khác như Giải Khuyến khích châu Á – Thái Bình Dương NoMa (năm 1955), Huy chương Đồng- triển lãm Đồ họa và minh họa sách quốc tế ở Tiệp khắc (năm 1976), giải Nhất tranh cổ động Thập kỷ văn hóa UNESCO (1988-1998)… Năm 2016, họa sĩ Lê Lam vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho hai tác phẩm "Bảo vệ chánh quyền Nhân dân" và "Má Bến Tre".