Bãi chiến sớ thời vua Trần Duệ Tông
Bãi chiến sớ là sớ của Đại tướng Đỗ Lễ và Ngự sử Đại phu Trương Đỗ can vua Trần Duệ Tông (1372 - 1377) đừng gây cuộc binh đao.
Vua không nghe nên họ đều từ quan còn vua thì bại trận.
Cỗ xe đang xuống dốc
Sau những kỳ tích của ba lần chiến thắng
quân Nguyên Mông đưa nước Đại Việt làm nên một thời hưng thịnh đến nửa sau thế kỷ XIV, nhà Trần bắt đầu bước vào thời kỳ suy vong. Gian thần lộng hành trong triều chính, ngoài đời loạn lạc liên miên, trăm họ lầm than. Những bậc chính nhân quân tử muốn giúp đời trị nước an dân, cứu nguy cho xã tắc nhưng không kìm lại được cỗ xe đang xuống dốc bởi các ông vua không chịu nghe tôi hiền, những người dám nói lên tiếng nói thẳng thắn.
Tiêu biểu cho những con người đó là Chu Văn An (1292 - 1370) đã dâng thất trảm sớ đời vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369) xin chém 7 gian thần, nhưng vua không nghe. Chu Văn An liền bỏ quan về Chí Linh dạy học. Còn đến đời vua Trần Duệ Tông (1372 - 1377) có Đại tướng Đỗ Lễ và Ngự sử Đại phu Trương Đỗ đã nhiều lần dâng "Bãi chiến sớ" can nhà vua đừng gây cuộc binh đao. Vua không nghe nên họ đều từ quan còn vua thì bại trận.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Tháng 5 năm Bính Thìn (1376), quân Chiêm Thành đến cướp Châu Hóa. Tháng 6, vua Trần Duệ Tông xuống chiếu cho quân binh sắm sửa khí giới, chiến thuyền để vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành.
Mùa thu, tháng 7, Ngự sử Trung tán Lê Tích dâng sớ rằng: "Binh là đồ hung khí, không nên tự mình gây ra. Huống chi ngày nay mới dẹp được giặc trong nước. Ví như cái nhọt lâu năm chưa khỏi, chúa không nên lấy mối tức giận riêng mà dấy quân, tướng không nên cầu công mà đánh liều. Chiêm Thành tuy là không có lòng thần phục, nên sai tướng đi đánh để đợi Trời diệt, nếu xa giá thân đi đánh, thần nghĩ là không nên". Vua không nghe.
Hậu quả nghiêm trọng
Tháng 8/1376, xuống chiếu cho quân dân Thanh Hóa, Nghệ An, Diễn Châu tải 5 vạn hộc lương đến Châu Hóa. Mùa đông tháng 10 đại duyệt quân thủy bộ ở bãi cát sông Bạch Hạc. Tháng 12, vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành, đem 12 vạn quân từ Kinh sư tiến đi. Sai Lê Quý Ly đốc suất Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa chở lương cấp cho quân lính.
Ở đây cần nói đến một điều có liên quan đến kết cục của cuộc hành quân này và cũng được coi là một sự kiện tiêu biểu nhất trong lịch sử nước ta về hậu quả nghiêm trọng của một hành vi biển thủ công quỹ. Trước đây, vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga quấy rối biên giới. Triều đình sai Hành khiển Đỗ Tử Bình đem quân đến trấn giữ Châu Hóa. Bồng Nga đem mười mâm vàng để dâng, Tử Bình lấy đi để cho mình, lại nói dối là Chế Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, nên đem quân đánh. Vua giận lắm, quyết ý thân chinh. Bấy giờ quan quân đến cửa biển Di Luân (Cửa Ròn thuộc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình ngày nay) các quân vượt biển tiến đi. Vua thì đi ngựa, men theo bờ biển đến cửa biển Nhật Lệ đóng quân, luyện tập trong một tháng.
Mùa xuân, ngày 23 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1377), đại quân đi đến cầu đá ở cửa biển Thị Nại. Bồng Nga dựng trại ở ngoài thành Chà Bàn, sai viên quan nhỏ là Thu Bà Ma giả đầu hàng nói dối là Bồng Nga đã trốn đi, chỉ có thành không, nên chóng tiến quân, chớ để lỡ cơ hội. Ngày 24, vua mặc áo đen cưỡi ngựa Nê thông (ngựa lông sắc trắng, sắc đen xen lẫn), sai Ngự Câu Vương Húc mặc áo trắng cưỡi ngựa trắng, truyền lệnh kịp tiến quân.
Đại tướng Đỗ Lễ can rằng: "Nó đã chịu đầu hàng, ý muốn được nước là hơn cả. Quan quân vào sâu mà đánh thành là bất đắc dĩ, hãy xin sai một người khéo nói cầm mảnh thư đến hỏi tội, để xem tình hình giặc thế nào đã, như kế sách của Hàn Tín phá nước Yên ngày xưa, Không phải khó nhọc mà có công. Cổ nhân có nói: Lòng giặc khó lường, bệ hạ xét kỹ lại".
(còn nữa)