Bài cuối: Động lực từ chính sách để phát triển nông nghiệp bền vững
Chuyển đổi số, được xem là 'chìa khóa' để ngành nông nghiệp Thủ đô bứt phá, phát triển mạnh mẽ, là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Nhưng chuyển đổi số trong nông nghiệp chỉ có thể phát triển bền vững nếu cơ chế chính sách hỗ trợ cho vấn đề này dài hơi, đúng, trúng đối tượng, sát thực tế.
Những bước đi bền vững của nông nghiệp Hà Nội:
Mặc dù, thời gian qua, Sở NN&PTNN Hà Nội cũng đã xây dựng nhiều đề án quy hoạch phát triển cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được xem xét tích hợp vào các quy hoạch chung phát triển Thủ đô. Trong thời gian tới, triển khai Luật Thủ đô sửa đổi là cơ hội để Hà Nội sắp xếp lại, điều chỉnh lại toàn bộ những vấn đề này, giúp cho ngành nông nghiệp phát triển có định hướng rõ nét hơn.
Để việc chuyển đổi số trong nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu UBND TP Hà Nội cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, hoạt động dữ liệu số, tạo ra những dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời hỗ trợ nông dân phát huy vai trò làm chủ trong nền nông nghiệp số; phối hợp với các đơn vị tư vấn, cơ quan chức năng xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong nông nghiệp; liên kết với doanh nghiệp chuyển đổi số, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao trên cơ sở minh bạch thông tin mã số vùng trồng, nguồn gốc sản phẩm bằng công nghệ. Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, người nông dân cần thay đổi tư duy, chủ động vào cuộc thì mới làm chủ được công nghệ số, đáp ứng xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.
Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng: Hà Nội có rất nhiều nguồn lực để làm nông nghiệp hiện đại, trong đó đội ngũ chuyên gia là lợi thế. Nhưng đội ngũ chuyên gia đó cần được hỗ trợ bởi chính sách, bởi những người thực hiện tham vấn chuyên gia. Ví dụ như chuyện đốt rơm rạ, đã có nhiều khuyến cáo, có nhiều mô hình, có những giải pháp được chuyên gia đưa ra nhưng người thực hiện đôi lúc vẫn chưa như mong đợi. Hà Nội phải đi đầu trong nông nghiệp sạch, bền vững và chuyển đổi số. Bởi Hà Nội thuận lợi các điều kiện hơn nhiều địa phương khác để thực hiện điều này.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để triển khai hiệu quả Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4098/QĐ-UBND ngày 6-9-2021), qua đó đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại trên địa bàn thành phố cài đặt, sử dụng phần mềm chuẩn hóa quy trình sản xuất, minh bạch thông tin, mã hóa, xuất code tem QR truy xuất nguồn gốc, qua đó giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương của thành phố tăng cường việc đưa nông sản lên giao dịch tại các sàn thương mại điện tử…
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Quốc hội khóa XV đưa ra thảo luận. Chiều 10/11 thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô sửa đổi. Dự thảo Luật tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, quy định mới 38 điều).
Liên quan đến nông nghiệp của Thủ đô, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) đề xuất, cần có cơ chế chính sách ưu tiên thực sự đột phá để phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng xanh, sạch và bền vững.
Theo đó nông nghiệp Hà Nội phải mang gương mặt mới: nông nghiệp đô thị, nông nghiệp vùng ven đô, nông nghiệp của Hà Nội là nền nông nghiệp trong lòng thủ đô. Hà Nội cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tạo tạo bước đột phá, tạo sự khác biệt và là động lực phát triển của nông nghiệp các tỉnh khác.
Góp ý Dự thảo Luật về vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn (Điều 33), Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, việc phát triển nông nghiệp sinh thái của Thủ đô thực hiện theo mô hình nông nghiệp bền vững, chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế nhằm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm. Việc quy hoạch nông thôn của Hà Nội rất quan trọng khi tiến trình đô thị hóa nông thôn ngày càng lớn.
Hà Nội cần phải bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, với hơn 1.300 làng nghề và làng có nghề cần được lưu giữ và phát triển. Đồng thời chú trọng phát triển du lịch với mục tiêu Hà Nội là điểm đến của du khách, qua đó góp phần tăng thu nhập cho người dân, tạo sinh kế cho người dân ở các địa phương và qua đó tăng ngân sách cho TP. Dù phát triển đô thị nhưng phải giữ được truyền thống văn hóa, không để đô thị hóa ảnh hưởng đến văn hóa nông thôn.
Sửa đổi Luật Thủ đô được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơ chế, chính sách cho Hà Nội, trong đó có cả lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, để nông nghiệp Thủ đô tiến tới hiện đại hóa, chuyển đổi số, tạo ra giá trị cao một cách bền vững.