Bài cuối: Hãy tin: Chiến thắng, con sẽ về!

19 lá thư của liệt sĩ Phạm Huy Lập gửi cho gia đình từ khi nhập ngũ, đến khi hy sinh lúc vừa 20 tuổi sau 3 năm quân ngũ, đã phần nào khắc họa hình ảnh của hàng triệu người con miền Bắc hừng hực khí thế xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước những năm đánh Mỹ. Họ không nghĩ gì cho cá nhân mình, nhưng luôn có niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng sẽ được trở về, khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối...

Liệt sĩ Phạm Huy Lập với những lá thư gửi về gia đình.

“Con mong mẹ đừng lo lắng gì về con...”

Chúng tôi tiếp tục câu chuyện về những lá thư của liệt sĩ Phạm Huy Lập mà bà Thanh đang giữ. Trong đó, có lá thư đề ngày 4-6-1971, viết cho anh trai là bộ đội: Bức thư viết: “Anh Dương mến! Từ giữa núi rừng xa xôi của tỉnh Hà Bắc, em viết thư tới anh với tất cả tình cảm của đứa em đã trưởng thành. Em đi xa nhà đến nay đã được 3 tuần. Hôm 10-5 bắt đầu ra đi, rời căn nhà nhỏ thân yêu của mình, nơi môi trường nhỏ hẹp, để bước vào cuộc đời người lính, một con đường rộng lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam… Em đã học hết lớp 9 thì được nhập ngũ. Trước khi nhập ngũ vài ngày thì em được kết nạp Đoàn. Nó đánh dấu bước đường phấn đấu của em… Em sẽ quyết tâm phấn đấu cố gắng trong mọi việc để trở thành một chiến sĩ tốt trong quân đội…”.

Một bức thư khác đề ngày 5-8-1971, viết cho anh Dương: “… Sắp tới, ngày 7, 8-8, đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra các môn kỹ thuật: Bắn bài 1, đánh bộc phá, ném lựu đạn và thủ pháo. Chưa biết mùi chất nổ ra sao, em rất lo, liệu mình có đạt được không. Thời gian không còn lâu nữa, em sẽ đi xa hơn. Vì trước mắt là mùa khô - mùa chiến đấu. Cùng lúc em nhận được thư của thầy, của anh và của anh Hoạt. Mẹ đã đi làm nghề thu mua lông gà lông vịt cho Nhà nước. Thầy bảo sắp tới lợp lại nhà, vì nó đã dột lắm rồi. Tuy thế, vẫn hiên ngang chống đỡ với những trận mưa bão vừa rồi.

Em viết thư cho anh Đỗng, nhưng không thấy trả lời. Anh Hoạt đã đến Vĩnh Linh hôm 7-6-1971. Nơi anh ở cách miền Nam một con sông. Ở đấy cũng khá an toàn, tuy máy bay B52 ném bom và đại bác của địch bắn phá. Anh Hoạt bảo ở đấy không khác Hà Nội là mấy...”.

Một bức thư tiếp theo đề ngày 11-10-1971, viết trước lúc lên đường. Bức thư có đoạn: “... Tôi sắp ra đi làm nhiệm vụ, có thể sẽ lâu dài và gian khổ, nhưng tôi tin tưởng vào tương lai. Đó là sự đoàn tụ của gia đình sau khi kháng chiến thắng lợi, nước nhà thống nhất. Khi đó, sẽ là một không khí tưng bừng, náo nhiệt, phấn khởi của cả nước, trong đó có sự hân hoan vui mừng của gia đình chúng tôi, của cha mẹ, anh em và bầu bạn tôi... Thầy mẹ đừng lo lắng nhiều về con mà ảnh hưởng tới sức khỏe. Cứ tin là con mình sẽ về, nó nhất định sẽ trở về vào một ngày nào đó…”.

Một bức thư nữa khiến tôi hết sức xúc động, đề ngày 24-11-1971, viết cho cha mẹ trên đường vào Nam. Bức thư có đoạn: “… Trong giờ phút này, con nhớ tất cả những lời dạy bảo của thầy, người cha kính yêu nhất của con, rất mực thương con, luôn dạy bảo con ân cần. Dạy cách sống làm người, dạy cách ăn nói, đối xử, truyền cho con một tư tưởng tốt đẹp và lành mạnh, trong sạch và cao thượng. Con sẽ giữ tất cả những điều tốt đẹp đó. Thầy đã dạy con đạo đức và khiêm tốn, ngay thẳng và thật thà, cần cù và nhẫn nại; tinh thần chịu đựng với khó khăn, gian khổ. Nó bổ ích với con, một người lính sắp ra trận. Con mong ngày trở về với thầy mẹ, càng sớm càng tốt...”.

Ngày thống nhất, con sẽ về!

Có thể nói, trong số 19 lá thư gửi của liệt sĩ Phạm Huy Lập mà chúng tôi được tiếp cận, thì mỗi bức thư chứa đựng một tình cảm đặc biệt thiêng liêng mà anh đã dành thời gian để viết trong hơn 3 năm quân ngũ. Trong số những bức thư đó, có bức thư đề ngày 5-1-1972, viết từ Khăm Muội (Lào) gửi cho thầy mẹ anh: Bức thư có đoạn: “… Con đã vượt qua Trường Sơn tới đất nước Triệu Voi này. Sức khỏe của con tốt. Đường hành quân dốc cao, suối sâu không thể ngăn được bước chân của những người lính ra trận. Đơn vị con hành quân liên tục, ngày đi đêm nghỉ tại các trạm giao liên. Chúng con sẽ đi chiến trường xa, ở Tây Ninh. Con xa gia đình, xa thầy mẹ, không biết bao giờ mới được trở về đoàn tụ. Có lẽ cũng phải đến ngày thống nhất…”.

Một bức thư khác đề ngày 26-2-1972, viết từ Vắc-sa (Campuchia) gửi cho thầy mẹ anh cũng khiến chúng tôi hết sức cảm phục. Bức thư viết: “... Chúng con đã cách nhà cả nghìn ki lô mét, đi dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ và hiểm trở, leo những đỉnh núi cao vút, băng qua những cánh rừng rậm rạp, vượt qua hàng trăm con suối, qua hơn chục con sông rộng. Đó quả là một hành trình gian lao, phức tạp và thử thách. Đó quả là một kỳ công mà chính con cũng không tưởng tượng mình làm được. Con đi làm nhiệm vụ, có thể thời gian còn dài. Do đó, con càng phải xa thầy mẹ hơn. Nhưng dẫu sao, con sẽ trở về với thầy mẹ khi nước nhà thống nhất. Con kính chúc thầy mẹ mạnh khỏe, phấn khởi. Chúc gia đình ta gặp nhiều may mắn. Con mong ngày trở về đoàn tụ. Mong sao chóng tới…”.

Bức thư cuối cùng của liệt sĩ Phạm Huy Lập, viết ngày 8-12-1973 từ Tây Ninh cho anh trai đang làm nhiệm vụ ở Vĩnh Linh (Quảng Trị): “Anh Hoạt kính mến! Sau hơn 5 tháng hành quân, đơn vị em đã đến địa điểm tập kết và bổ sung về các đơn vị. Riêng em và một số anh em được bổ sung về đơn vị chiến đấu (đặc chủng, làm nhiệm vụ trên đất K) và đã tham gia một số trận. Và sau hơn 1 năm thì về nước (8-1973). Sơ bộ là như vậy, kể từ ngày em đi bộ đội đến nay... Em hiện công tác, học tập và sức khỏe vẫn bình thường. Tuy ở trong rừng, nhưng cũng không hay bị sốt. Sau 2 năm trời phấn đấu một cách trực tiếp bằng xương máu của mình, song vẫn chưa đạt được mục đích cao đẹp nhất (được kết nạp Đảng). Tự nhìn lại, em thấy mình đã bỏ rơi một số thời cơ tốt, và cái chủ yếu của mình là chưa phấn đấu đều đặn. Tuy vậy, cũng không phải hoàn toàn thất vọng, nhất là tuổi thanh niên còn dài…”.

Tháng 2-1976, gia đình nhận được giấy báo tử, báo tin liệt sĩ Phạm Huy Lập hy sinh ngày 6-12-1974 tại Mộc Hóa (Long An) lúc tròn 20 tuổi đời, 3 năm tuổi quân. Cũng trong năm 1976, gia đình được tiếp đón một người bạn chiến đấu của liệt sĩ Phạm Huy Lập. Anh kể lại: “Đêm ở Mộc Hóa, tổ trinh sát gồm liệt sĩ Phạm Huy Lập và đồng đội vào căn cứ của địch. Lúc trở ra, bị phát hiện. Tổ trinh sát đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, 3 người hy sinh. Địch gom thi thể các anh, chất thành đống, tưới xăng dầu thiêu hết...”.

Như hàng nghìn người con nước Việt khác, liệt sĩ Phạm Huy Lập cùng đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại đâu đó giữa mảnh đất miền Nam ruột thịt để nước nhà được độc lập, thống nhất và hòa bình như hôm nay. Anh và các bạn chiến đấu của mình còn dang dở lời hẹn mẹ: “Chiến thắng, con sẽ về!…”. Nhưng bản hùng ca của anh và đồng đội đã viết năm xưa mãi ngân vang trong lịch sử hào hùng của đất nước.

Thu Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phong-su-ky-su/966122/bai-cuoi-hay-tin-chien-thang-con-se-ve