Bài cuối: Làm thực chất, vì lợi ích cộng đồng
Bí thư Thành ủy Sơn La Hà Trung Chiến khẳng định, TP. Sơn La sẽ triển khai chương trình hành động xây dựng Thành phố học tập toàn cầu một cách hiệu quả. 'Không vì thành tích mà mục tiêu cuối cùng là mang lại những điều tích cực, tốt đẹp nhất cho người dân, cho thành phố, để lại di sản cho các thế hệ người dân Sơn La từ danh hiệu này'.
Bài 1: Mọi công dân có quyền tiếp cận tri thức
30/12/2024 07:38
Vì cộng đồng và dựa vào cộng đồng
Hội nghị quốc tế lần thứ 6 về Thành phố Học tập toàn cầu của UNESCO (ICLC 6) chủ đề “Thành phố học tập tiên phong trong hành động vì khí hậu” diễn ra từ ngày 2 - 5.12.2024 tại Jubail, Ảrập Xêút. Sơn La là một trong ba thành phố của Việt Nam (cùng với Vinh và Sa Đéc) tham gia Hội nghị và có bài trình bày chủ đề “Đầu tư cho tương lai: Các mô hình huy động tài chính hiệu quả chống biến đổi khí hậu tại các đô thị và giáo dục cho phát triển bền vững” tại phiên thảo luận song song. Theo đó, thành phố đã huy động sức mạnh tổng hợp từ mọi nguồn lực, trong đó người dân, cộng đồng dân cư đóng vai trò quan trọng.
Nhiều đại biểu quốc tế tham dự phiên thảo luận thích thú và ấn tượng với cách làm của TP. Sơn La. Họ cho rằng, cách làm này phản ánh rõ tầm nhìn và chiến lược phát triển bền vững của thành phố, không phụ thuộc và trông chờ vào nguồn tài trợ từ bên ngoài mà xây dựng Thành phố học tập từ việc nâng cao nội lực và nhận thức cho chính người dân địa phương; dựa vào sức mạnh, sự đồng lòng, chung tay cũng như trí tuệ của cộng đồng để tự giải quyết các vấn đề môi trường và phát triển bền vững tại địa phương theo cách thức phù hợp với văn hóa, tập quán, mong muốn và nhu cầu.
Mô hình học tập cộng đồng phát triển mạnh mẽ tại Sơn La là một điển hình để bạn bè quốc tế có thể học tập và tham khảo cách làm. “Đây là hướng đi của chúng tôi trong nỗ lực thực hiện các cam kết với UNESCO, nhằm xây dựng thành công một Thành phố học tập toàn cầu đích thực, phù hợp với điều kiện một thành phố miền núi, còn nhiều khó khăn ở Việt Nam”, Chủ tịch UBND thành phố Sơn La Đỗ Văn Trụ nói.
Một trong những giá trị mà UNESCO đề cao nhất chính là bảo tồn những giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa của các dân tộc và TP. Sơn La được đánh giá cũng đã và đang làm rất tốt điều này. Lãnh đạo thành phố cho biết, Sơn La đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số của thành phố, thu hút người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa gắn với học tập nâng cao sự hiểu biết của người dân tộc thiểu số.
Năm 2024, TP. Sơn La đã thành lập 35 câu lạc bộ văn hóa Thái để giữ gìn tiếng nói, truyền dạy chữ viết của các dân tộc thiểu số, phục dựng và duy trì các lễ hội, trang phục truyền thống. Mô hình câu lạc bộ này cũng là nơi để đồng bào người dân tộc thiểu số học tập, trao đổi kinh nghiệm để có cuộc sống tốt hơn. Tại các Ngôi nhà Trí tuệ đều có Góc văn hóa địa phương - nơi giới thiệu nhạc cụ truyền thống, nông cụ, những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn...
Khao khát thay đổi và trân trọng từng cơ hội
Theo Bí thư Thành ủy Sơn La Hà Trung Chiến, được ghi danh vào Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO là niềm vinh dự, tự hào, song cũng nhiều thách thức với TP. Sơn La. Để đạt được danh hiệu đã khó, duy trì và phát huy giá trị của danh hiệu càng khó hơn. TP. Sơn La xác định danh hiệu Thành phố học tập toàn cầu không phải là đích đến mà là “biển chỉ dẫn” cho những hành trình tiếp theo.
Cố vấn hỗ trợ TP. Sơn La hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh vào Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu và đồng hành với thành phố từ đó đến nay, chuyên gia về giáo dục người lớn và học tập suốt đời Tống Liên Anh nhận thấy rất rõ “khao khát thay đổi và trân trọng từng cơ hội”, sự đồng lòng, chung tay của lãnh đạo cũng như người dân nơi đây.
Đơn cử, Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2024 là ngày hội thực sự của toàn dân. Mọi người vui mừng, phấn khởi khi có cơ hội tham gia hoạt động ý nghĩa như vậy. Qua đó cũng thấy được sự quyết tâm, sự đầu tư chu đáo, bài bản của thành phố dành cho các hoạt động này.
Hay cuộc thi "Sơn La - Thành phố học tập toàn cầu tôi yêu" thu hút gần 300 sản phẩm dự thi, bao gồm: mỹ thuật, ca khúc, thơ và giải pháp phát triển thành phố học tập, gắn với bảo vệ môi trường, chống biển đổi khí hậu. Cuộc thi đã tạo sự lan tỏa, nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương và người dân, từ đó có những hành động cụ thể để xây dựng thành phố học tập, đáp ứng các tiêu chí của UNESCO một cách dễ dàng hơn.
“Tôi tin rằng là Thành phố học tập toàn cầu không phải là một danh hiệu gì đó xa vời hay cao siêu mà chính là những hoạt động như vậy, gần gũi, thiết thực với Nhân dân và vì Nhân dân”, chuyên gia Tống Liên Anh nhận định. “Khi đến các Ngôi nhà Trí tuệ, chứng kiến các hoạt động cộng đồng của bà con thì thấy rằng mọi người tham gia với tất cả trái tim, tình yêu của mình. Đấy thực sự là điều làm nên linh hồn của các mô hình học tập cũng như cộng đồng học tập. Nếu tiếp tục nuôi dưỡng, thắp lửa được tình yêu, niềm vui của người dân khi học tập như thế, Sơn La sẽ có cơ hội được vinh danh Thành phố học tập toàn cầu tiêu biểu”.
Bí thư Thành ủy Sơn La Hà Trung Chiến khẳng định: “Với khẩu hiệu Học suốt đời, văn hóa bền, tương lai sáng, hội nhập sâu rộng, thành phố Sơn La sẽ tiếp tục bền bỉ với mục tiêu xây dựng xã hội học tập, trọng tâm là mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trên địa bàn; tạo mọi điều kiện để các tổ chức và Nhân dân được học tập suốt đời, góp phần xây dựng thành phố Sơn La phát triển bình yên và bản sắc”.