Bài cuối: Phấn đấu năm 2030 chấm dứt tảo hôn

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kỳ Sơn ban hành Nghị quyết 'Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng chống, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2024 - 2030'. Huyện Kỳ Sơn đặt mục tiêu, đến năm 2030 ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống một cách căn bản.

 Một buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật và phòng chống tảo hôn với sự phối hợp của các lực lượng tại xã Nậm Cắn. Kỳ Sơn, Nghệ An.

Một buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật và phòng chống tảo hôn với sự phối hợp của các lực lượng tại xã Nậm Cắn. Kỳ Sơn, Nghệ An.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Kỳ Sơn là huyện biên giới, có 21 xã, thị trấn, trong đó 172/191 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn; có tổng diện tích tự nhiên 209.484 ha; dân số toàn huyện 83.480 người, gồm 5 hệ dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Khơ Mú chiếm 37,13%; dân tộc Mông chiếm 34,28%; dân tộc Thái chiếm 25,27%; dân tộc Kinh, Hoa chiếm 3,32%...

Qua số liệu thống kê, năm 2020 có 164 trường hợp tảo hôn nhưng đến năm 2023 tăng lên 278 trường hợp; 3 tháng đầu năm 2024 là 90 trường hợp. Hôn nhân cận huyết năm 2020 có 6 trường họp; năm 2022 có 2 trường họp; 3 tháng đầu năm 2024 có 2 trường hợp.

Theo ông Vi Hòe - Bí thư, Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Sơn, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã gây những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em; làm suy giảm chất lượng dân số, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và sự phát triển bền vững của địa phương.

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã gây những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Ảnh minh họa

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã gây những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Ảnh minh họa

Huyện ủy Kỳ Sơn cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, còn tồn tại tập tục lạc hậu. Vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền ở một số xã chưa quyết liệt. Công tác xử lý vi phạm của chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa kiên quyết, thiếu tính gương mẫu, còn có tình trạng trạng con cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm về tảo hôn, tố chức tảo hôn.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các quy định của pháp luật, trong đó có Luật Hôn nhân và Gia đình hiệu quả chưa cao; việc nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ, đấu tranh xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình chuyển biến chậm.

Số thanh thiếu niên chưa đủ tuổi kết hôn đã thôi học đi lao động tự do, chưa được đào tạo nghề và giải quyết việc làm còn chiếm tỷ lệ cao. Việc đưa nội dung cam kết liên quan đến hôn nhân và gia đình vào quy ước, hương ước chưa được thực hiện đồng bộ; các chế tài xử phạt vi phạm trong hôn nhân và tỷ lệ đối tượng bị xử lý hình sự liên quan đến tảo hôn chưa nhiều nên chưa đủ sức răn đe.

Bà Vi Thi Quyên - Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn phát biểu tại Hội thi tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Bà Vi Thi Quyên - Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn phát biểu tại Hội thi tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Để kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên Ban chấp hành Đảng bộ huyện Kỳ Sơn ban hành Nghị quyết "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng chống, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2024 - 2030".

Mục đích là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, hành động và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng chống, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

Thực hiện tốt các chính sách kinh tế, chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu gương mẫu trong việc phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đảm bảo kịp thời, không né tránh, không bao che, không ngại va chạm.

Rất nhiều Chương trình tuyên truyền được huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chú trọng tổ chức.

Rất nhiều Chương trình tuyên truyền được huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chú trọng tổ chức.

Huyện Kỳ Sơn đặt mục tiêu, hàng năm giảm mạnh số trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; số trường hợp vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện năm sau phải ít hơn năm trước. Phấn đấu đến năm 2030 ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống một cách căn bản, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực trên địa bàn.

Tăng cường vai trò của Hội LHPN và các tổ chức

Để hoàn thành mục tiêu, Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hồn và hôn nhân cận huyết thống.

Thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền về phòng chống, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; chú trọng lựa chọn nội dung có trọng tâm, biên soạn tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn đời sống, sinh hoạt, nhận thức, phong tục tập quán và truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng nữ giới, thanh, thiếu niên và vùng có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của đội ngũ làm công tác tuyên truyền ở cơ sở, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò của bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào. Đồng thời đưa nội dung tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào trong các trường học, từng bước làm thay đổi tư duy, nhận thức cho thế hệ trẻ, con em của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt vi phạm theo quy ước, hương ước của khối, bản đã đề ra.

Rà soát bổ sung nội dung quy ước, hương ước khối, bản liên quan đến phòng chống và giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, quy định: Không dự đám cưới, đám hỏi, làm vía, liên hoan, ăn uống, làm phong tục và các hình thức tổ chức cưới khác đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Xử lý nghiêm bố, mẹ có con tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và những người đứng ra tổ chức, tham gia tổ chức tảo hôn; Thông báo kịp thời cho chính quyền đại phương để phối hợp xử lý theo quy định pháp luật.

Với việc đẩy mạnh tuyên truyền, huyện Kỳ Sơn đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống một cách căn bản

Các cơ quan tư pháp phối hợp thực hiện việc khởi tố, xét xử điểm một số vụ án liên quan đến các trường họp kết hôn với người chưa đủ tuổi kết hôn theo đúng quy định của pháp luật nhằm tuyên truyền, răn đe việc vi phạm quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

Tập trung các nguồn lực đế phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo sinh kế, việc làm thu nhập để giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từng bước rút ngắn khoảng cách về mức sống, trình độ dân trí giữa các vùng, các xã trong huyện.

Phát huy vai trò của ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên hội viên và nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; tăng cường công tác giám sát về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ.

Hội LHPN huyện chủ trì, phối họp với các đơn vị có liên quan xây dựng, nhân rộng các mô hình xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, nhất là các mô hình "Phụ nữ nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống" tại các cấp hội…

Minh Châu

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bai-cuoi-phan-dau-nam-2030-cham-dut-tao-hon-2024062012573712.htm