Bài cuối: Tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát của Tổ đại biểu

Từ thực tế thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), nhiều địa phương đề nghị quy định rõ các vấn đề liên quan đến quy trình tổ chức, tiến hành cuộc giám sát của Tổ đại biểu HĐND, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động giám sát của Tổ đại biểu. Cùng với đó, bộ máy tham mưu, giúp việc hoạt động của HĐND cấp huyện, xã cần được quy định cụ thể trong luật. Đối với cấp huyện, phải có 1 Phó Chánh Văn phòng và bố trí ít nhất 1 chuyên viên chuyên trách giúp việc HĐND…

Quy định rõ các vấn đề liên quan đến giám sát của Tổ đại biểu

Tổ đại biểu HĐND tỉnh, cấp huyện được quy định tại khoản 4 Điều 18, khoản 4 Điều 25 và Điều 112 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND lần đầu tiên được luật hóa quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5, Điều 83, Điều 86, khoản 1 và khoản 2 Điều 87, khoản 3 Điều 89 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015; Điều 18, 19, 20 và Điều 21 của Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Luật đã khẳng định và đề cao trách nhiệm, quyền hạn của Tổ đại biểu HĐND. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về cách thức, biện pháp, điều kiện bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ đại biểu HĐND, nhất là hoạt động giám sát.

Khi thực hiện nhiệm vụ, các Tổ đại biểu đều có đại biểu kiêm nhiệm, không có bộ máy, kinh phí cụ thể cho hoạt động. Vì vậy, nhiều địa phương đề nghị quy định rõ các vấn đề liên quan đến quy trình tổ chức, tiến hành cuộc giám sát của Tổ đại biểu (xây dựng chương trình, kế hoạch, lựa chọn nội dung, chủ đề giám sát hàng năm, thẩm quyền ra quyết định thành lập đoàn giám sát, quy trình giám sát, báo cáo sau giám sát, con dấu được sử dụng...) tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động giám sát của Tổ đại biểu.

Tổ đại biểu số 4 HĐND thành phố Hải Phòng giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri quận Lê Chân. Ảnh: T. LÂM

Tổ đại biểu số 4 HĐND thành phố Hải Phòng giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri quận Lê Chân. Ảnh: T. LÂM

Luật không quy định thành lập Tổ đại biểu HĐND cấp xã cũng khó khăn trong hoạt động của HĐND cùng cấp, nhất là thực hiện những vấn đề thuộc nhiệm vụ của đại biểu HĐND cấp xã giữa hai kỳ họp. Trên thực tế, việc thành lập Tổ đại biểu ở các đơn vị hành chính có ý nghĩa trong phân chia đơn vị bầu cử các cấp để TXCT, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri, tổng hợp, theo dõi, giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, tiếp công dân… Thực tế hiện nay ở một số địa phương có thành lập Nhóm đại biểu HĐND cấp xã và đang duy trì hoạt động tương tự như Tổ đại biểu HĐND tỉnh, cấp huyện. Hơn nữa, một số đơn vị hành chính cấp xã hiện nay ở nhiều địa phương sau sáp nhập địa bàn rộng, hoạt động của HĐND cấp xã hết sức khó khăn. Nhiều địa phương đề nghị xem xét bổ sung Luật tại các điều về cơ cấu tổ chức của Tổ đại biểu HĐND và tại khoản 1 Điều 112 của Luật quy định cơ chế thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ đại biểu HĐND cấp xã tương tự cấp tỉnh, cấp huyện.

Quy định cụ thể bộ máy tham mưu, giúp việc HĐND cấp huyện, xã

Từ thực tiễn hoạt động, nhiều địa phương cho rằng quy định cơ cấu tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc của HĐND các cấp còn bất cập. Luật quy định phân cấp tăng thẩm quyền của HĐND tỉnh, trong khi cơ cấu tổ chức bộ máy văn phòng tham mưu, giúp việc của HĐND cùng cấp còn thiếu tính ổn định, nhiều lần thay đổi tổ chức, chia tách, sáp nhập, vị trí việc làm và biên chế giảm, không tăng. Tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc của HĐND cấp huyện, cấp xã chưa được Chính phủ quy định và có hướng dẫn cụ thể, hoạt động tham mưu, giúp việc của HĐND cùng cấp không được bố trí biên chế, chủ yếu là việc làm kiêm nhiệm (vừa tham mưu, giúp việc UBND và HĐND).

Nhiều địa phương kiến nghị bộ máy tham mưu, giúp việc hoạt động của HĐND cấp huyện, xã cần được quy định cụ thể trong luật. Đối với cấp huyện, phải có 1 Phó Chánh Văn phòng và bố trí ít nhất 1 chuyên viên chuyên trách giúp việc HĐND. Ở cấp xã, công chức Văn phòng - Thống kê phải xem việc tham mưu, giúp HĐND là nhiệm vụ, không phải việc làm thay.

Khoản 4 Điều 127 Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định Chính phủ quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND và UBND cấp tỉnh, cấp huyện; quy định việc tổ chức công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND và UBND cấp xã.”. Tuy nhiên đến nay, Chính phủ chưa ban hành quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức biên chế của Văn phòng Đoàn ĐBQH HĐND cấp tỉnh, Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện. Đề nghị khi ban hành Luật sửa đổi, bổ sung, không giao cho Chính phủ quy định nội dung này nữa mà giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

PHƯƠNG NGUYÊN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-cuoi-tao-thuan-loi-cho-hoat-dong-giam-sat-cua-to-dai-bieu-i376623/