Bài dự thi Giải báo chí về phong chào công nhân và hoạt động công đoàn lần thứ II, năm 2023 - 2024: Để có nguồn nhân lực chất lượng (Kỳ 4)

Việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết chuyên đề không nằm ngoài mục đích tập hợp dữ liệu để phục vụ cho việc biên tập các văn kiện của Đảng trên tinh thần 'nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật; đánh giá rõ cái được, cái chưa được, điểm mạnh, điểm yếu, mặt tốt, mặt chưa tốt trên từng lĩnh vực để xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong nhiệm kỳ tới' mà đồng chí Nguyễn Thái Học, Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Tiểu ban Văn kiện kết luận tại phiên họp thứ hai Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 vào tháng 5 vừa qua.

Kỳ 4: Còn đó những mục tiêu chưa đạt

Người dân tộc thiểu số hiện chiếm tỷ lệ 10,67% trong tổng số CBCCVC khối nhà nước trong tỉnh

Người dân tộc thiểu số hiện chiếm tỷ lệ 10,67% trong tổng số CBCCVC khối nhà nước trong tỉnh

Theo đó, đánh giá thực chất kết quả đạt được cũng như ưu điểm, hạn chế trong việc triển khai Nghị quyết số 20 của Tỉnh ủy về “đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân tỉnh Lâm đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là việc quan trọng. Bởi một trong các yếu tố quan trọng quyết định thành công trên mọi lĩnh vực là nguồn lực về con người.

CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC KHÔNG NGỪNG ĐƯỢC NÂNG LÊN

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 20, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm phát triển nguồn nhân lực, xác định phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và là khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực bám sát nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Theo số liệu thống kê, tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) khối nhà nước của tỉnh được giao năm 2024 là 30.470, tuy nhiên hiện chỉ có 29.123 người đang làm việc. Trong đó bao gồm nữ 10.308 người, chiếm 35,39 %; dân tộc thiểu số 3.250 người, chiếm 10,67%. Về trình độ chuyên môn, tiến sĩ và tương đương 75 người, chiếm 0,26%; thạc sĩ và tương đương 2.231 người, chiếm 7,66%; đại học 21.969 người, chiếm 75,44%, cao đẳng 2.777 người, chiếm 9,54% và trình độ trung cấp trở xuống 2.071 người, chiếm 7,11. Trình độ lý luận chính trị có 78 cử nhân, 863 cao cấp, chiếm 3,23%; 6.488 trung cấp, chiếm 22,28%; 3.010 sơ cấp, chiếm 10,34%.

Cũng cần nói thêm rằng, mặc dù số lượng đội ngũ CBCCVC có giảm (năm 2023, giảm 3.016 CBCCVC so với năm 2020) nhưng chất lượng từng bước được nâng cao, nhất là tỷ lệ CBCCVC có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và đại học tăng trong khi đó trình độ cao đẳng và trung cấp giảm, góp phần vào việc thực hiện 16/27 (đạt 59,26%) mục tiêu chi tiết về xây dựng đội ngũ CBCCVC đến 2025 mà Nghị quyết 20 đề ra.

Bác sĩ là một trong số ngành hiện còn thiếu nhưng việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn

Bác sĩ là một trong số ngành hiện còn thiếu nhưng việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn

Mặt khác, công tác quản lý nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với các ngành nghề mà tỉnh có lợi thế cũng được quan tâm, đầu tư thực hiện đạt kết quả tích cực. Cụ thể, xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động, tuyên truyền, tư vấn giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đào tạo nghề gắn trách nhiệm của doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu về y tế, nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng, bảo đảm có đủ số lượng y, bác sĩ và trang thiết bị, kỹ thuật để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Đồng thời quan tâm phát triển nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn thông qua hướng dẫn khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất tiên tiến, đào tạo, phát triển ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp, hướng dẫn khuyến nông, khuyến lâm, triển khai trình diễn các mô hình sản xuất mới; xây dựng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập, quan tâm hỗ trợ công tác đào tạo và đào tạo lại về chuyên môn, kiến thức, kỹ năng quản lý cho cán bộ và người lao động phục vụ trong ngành du lịch theo hướng đạt chuẩn quốc gia và quốc tế.

Kế đến phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, phổ cập khả năng chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nền kinh tế số; thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với các đối tượng chính sách và cơ chế tín dụng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay để học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề... Và đến nay, các mục tiêu về phát triển đối với người lao động đã thực hiện đạt và vượt 4/9 mục tiêu chi tiết đến năm 2025 của Nghị quyết số 20.

Theo đánh giá, nhìn chung nguồn nhân lực hiện nay cơ bản đủ về số lượng và có cơ cấu hợp lý, chất lượng không ngừng được nâng lên; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực công nghệ thông tin để triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nền kinh tế số; thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển dịch vụ, du lịch và một số ngành, lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh.

Mục tiêu giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ đào tạo 100% nay mới thực hiện được 93,3%

Mục tiêu giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ đào tạo 100% nay mới thực hiện được 93,3%

MỘT SỐ MỤC TIÊU ĐẠT THẤP VÀ NGUYÊN NHÂN

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận vẫn còn một số mục tiêu đạt thấp mà nguyên nhân dẫn đến có các yếu tố chủ quan lẫn khách quan.

Đó là mục tiêu hàng năm có từ 80% cán bộ, công chức (CBCC) cấp tỉnh, cấp huyện được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm đạt thấp, cụ thể năm 2022 thực hiện được 60,12%, năm 2023 thực hiện được 47,82%. Hay mục tiêu có 25% CBCC cấp tỉnh, cấp huyện đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên; có 20% CBCC cấp xã đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên và có 60% viên chức đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên; trong khi kết quả thực hiện đạt rất thấp và chỉ mới đạt 4,55% CBCC cấp tỉnh, cấp huyện; 3,30% CBCC cấp xã và đạt 7,35% đối với viên chức.

Còn mục tiêu CBCC cấp xã là người Kinh công tác tại vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được đào tạo và sử dụng được ít nhất một thứ tiếng dân tộc tại địa bàn công tác mới thực hiện đạt 70,13% so với mục tiêu nghị quyết là 100%. Riêng mục tiêu giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ đào tạo 100%, kết quả thực hiện được 93,3%.

Đối với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển lực lượng lao động phục vụ phát triển kinh tế -xã hội còn nhiều mục tiêu thực hiện chưa đạt so với yêu cầu đề ra. Cụ thể, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề thực hiện 82% so với mục tiêu nghị quyết từ 85 - 86,5%; giải quyết việc làm bình quân hàng năm 25.600/35.000 so với mục tiêu; thu hút lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp du lịch dịch vụ đạt 13.500/15.000 lao động so với mục tiêu của Nghị quyết...

Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề thực hiện 82% so với mục tiêu Nghị quyết từ 85 - 86,5%

Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề thực hiện 82% so với mục tiêu Nghị quyết từ 85 - 86,5%

Một số mục tiêu chưa đạt bắc nguồn từ những nguyên nhân chủ quan lẫn khác quan, đó là một số chủ trương, chính sách, quy định và hướng dẫn của bộ ngành Trung ương còn chưa bảo đảm đầy đủ, thống nhất, đồng bộ nên việc triển khai thực hiện tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều kiện, ngân sách của tỉnh còn hạn chế, phụ thuộc sự hỗ trợ của Trung ương nên các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương về thu hút, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chưa đủ hấp dẫn và bảo đảm cạnh tranh so với các địa phương trong khu vực, nhất là các tỉnh, thành phố lân cận có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển tốt hơn. Việc ban hành cơ chế, chính sách, đề án, kế hoạch, triển khai thực hiện thu hút, đào tạo, hỗ trợ phát triển đội ngũ CBCCVC còn chậm...

Về mặt chủ quan, việc nghiên cứu, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách về đào tạo, phát triển và nâng cao nguồn nhân lực của tỉnh còn hạn chế, lúng túng, chưa quyết liệt. Hoặc việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm cho CBCCVC tập trung chủ yếu cho đội ngũ CBCC cấp xã; đối với CBCC cấp huyện mới bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và một số vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ thuộc lĩnh vực nội vụ và chuyển đổi số. Riêng đối với CBCC cấp tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng của các bộ, ngành Trung ương.

Quá trình triển khai thực hiện Đề án "Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030" còn lúng túng, bị động, do hiện nay trên địa bàn tỉnh không có cơ sở giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ theo “Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam” nên chưa thể tổ chức mở lớp. Mặt khác chỉ tiêu kế hoạch yêu cầu tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cao, nhưng số lượng, nhu cầu, khả năng học ngoại ngữ trình độ bậc 4 của CBCCVC trên thực tế còn thấp nên việc thực hiện còn nhiều vướng mắc.

Nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề còn hạn chế, chưa thật sự thu hút được các doanh nghiệp đầu tư cho công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; còn mục tiêu giải quyết việc làm hàng năm theo Nghị quyết số 20 là 35.000 lao động, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm, nên kết quả thực hiện đạt chỉ tiêu theo kế hoạch hàng năm nhưng lại thấp hơn so với mục tiêu của Nghị quyết.

(CÒN NỮA)

XUÂN TRUNG - TUẤN LINH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202410/bai-du-thi-giai-bao-chi-ve-phong-chao-cong-nhan-va-hoat-dong-cong-doan-lan-thu-ii-nam-2023-2024-de-co-nguon-nhan-luc-chat-luong-ky-4-5a7126e/