Bài hát nổi tiếng của một cán bộ đoàn
Đó là bài 'Thanh niên làm theo lời Bác' của cố tác giả Hoàng Hòa. Nhiều người thuộc lòng vì từ lâu đã trở thành Đoàn ca (Bài ca chính thức mang tính truyền thống của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh): 'Kết liên lại thanh niên chúng ta cùng nhau đi lên. Giơ nắm tay thề gìn giữ hòa bình độc lập tự do…'. Cũng từ rất nhiều năm nay, giai điệu bài này đã là nhạc hiệu buổi phát thanh Thanh niên của Đài tiếng nói Việt Nam (TNVN).
Tác giả không phải là nhạc sỹ mà suốt đời làm công tác Đoàn, từ lúc "thoát ly" khi mái tóc còn xanh đến khi nghỉ hưu đều gắn bó với phong trào thanh niên, từng đảm nhiệm nhiều trọng trách từ Bí thư Tỉnh đoàn, Thành đoàn đến Trưởng ban Học sinh, Sinh viên của Trung ương Đoàn và là Thường vụ nhiều khóa của tổ chức Đoàn cao nhất.
Hoàng Hòa sinh năm 1930, có tên khai sinh là Cao Hy Vọng, quê ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Sở dĩ ông mang tên Hoàng Hòa là từ một câu chuyện rất cảm động như sau: Chàng thanh niên Cao Hy Vọng có một cặp vợ chồng là bạn rất thân. Người chồng tên là Hoàng Dương. Người vợ là Nguyễn Thị Hòa. Cả hai người đều bị chết trong một trận giặc Pháp ném bom. Thương nhớ đôi vợ chồng người bạn sâu nặng nghĩa tình, Vọng đã đổi tên mình thành Cao Hoàng Hòa. Nhưng mọi người chỉ quen gọi 2 tiếng Hoàng Hòa. Từ đó, cái tên này nổi lên, lan truyền theo bài hát rất nổi tiếng của tác giả.
Ngay từ năm 15 tuổi (1945) Hoàng Hòa đã tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc, rồi lần lượt làm Bí thư Đoàn Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng. Ông có năng khiếu và yêu thích âm nhạc từ nhỏ nên khi gắn bó với công tác Đoàn, được gần gũi, tiếp xúc nhiều với bạn trẻ đã thôi thúc nhu cầu tự sáng tác ra các bài để các bạn hát, nhất là khi ấy chưa có nhiều ca khúc dành riêng cho tuổi trẻ.
Bài "Thanh niên làm theo lời Bác" được ông cho ra đời trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Tháng 3/1953, lúc này chàng trai Cao Hy Vọng ở tuổi 23, đang là Bí thư tỉnh đoàn Thái Bình.
Vào một buổi sáng, tại khu căn cứ Đông Hồ ở Thái Bình, tình cờ ông đọc được trên Báo Cứu quốc một bài kể lại chuyến đi thăm của Hồ Chủ tịch trước đó 2 năm tới một đơn vị thanh niên xung phong đóng ở bản Nà Tu, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn. Ông rất xúc động trước hình ảnh bình dị và tình cảm nồng ấm, trìu mến của vị lãnh tụ đối với các bạn thanh niên xung phong ở đây. Đặc biệt là lời căn dặn ân cần của Bác: "Đã là TNXP thì bất cứ việc gì cấp trên giao phó, dù dễ hay khó, lớn hay nhỏ, ở lĩnh vực nào cũng đều phải xung phong và hoàn thành". Tác giả bài báo kể lại cuộc gặp gỡ đó diễn ra rất cảm động, các bạn TNXP cứ muốn Bác ở lại nói chuyện thật lâu. Rồi trong không khí rất hào hứng, Người đọc mấy câu thơ mới sáng tác tặng họ:
"Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên".
Bài thơ trên đã gây ấn tượng rất mạnh đối với Hoàng Hòa. Ông nghĩ ngay tới việc sáng tác một bài cho thanh niên hát xuất phát từ 4 câu thơ trên. Lúc này, ông cũng nhớ đến lời dạy của Bác đã trở nên rất quen thuộc, mọi người đều ghi lòng tạc dạ: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công".
Và chủ đề của ca khúc nhanh chóng được hình thành từ câu nói trên của Bác với đường nét âm nhạc tươi trẻ, có sức cổ vũ, thôi thúc mạnh mẽ bằng việc cho xuất hiện một chùm 3 nốt móc đơn ngay ở câu đầu: "Kết đoàn lại thanh niên chúng ta cùng nhau đi lên. Giơ nắm tay thề gìn giữ hòa bình độc lập tự do…". Trong trạng thái dồi dào cảm xúc, mạch âm nhạc của tác giả cứ thế tuôn ra để dẫn tới đoạn kết là cao trào của bài đồng thời là việc nhắc lại 4 câu thơ của Bác.
Lúc Hoàng Hòa chưa qua đời, trong một lần tiếp xúc, người viết bài này được ông cho biết bài hát ra đời rất nhanh, liền một mạch chỉ trong chưa hết buổi sáng và gần như đã hoàn chỉnh, không phải sửa chữa nhiều. Đối với một tác giả trẻ (23 tuổi), lại mới chỉ biết võ vẽ chút nhạc lý do tự học, trước đó chưa từng sáng tác, như vậy quả là rất tài năng.
Sau khi hoàn thành ca khúc, tác giả hát cho mọi người nghe, được hưởng ứng và cổ vũ nhiệt liệt. Tuy nhiên, họ đề nghị Hoàng Hòa sửa mấy chi tiết. Thứ nhất là "kết đoàn" khi hát lên sẽ thành "kết đoan" tức không rõ lời. Thứ hai nên sửa lại là "cũng làm nên" thay cho "ắt làm nên". Hoàng Hòa cho biết ông chỉ tiếp thu ý thứ nhất ("kết đoàn" sửa thành "kết liên").
Còn vẫn để "ắt làm nên" chứ không sửa thành "cũng làm nên". Vì đó là từ của Bác dùng và cũng mang rõ ý khẳng định hơn. Nhưng nhiều nơi đã hát "cũng làm nên" là do tự ý thay đổi. Lúc đầu, bài hát có tên dài hơn là "Thanh niên xung phong làm theo lời Bác". Nhưng sau đó, tác giả lược bỏ 4 tiếng "TNXP" cho ngắn gọn, khái quát hơn.
Ngay sau khi Hoàng Hòa đích thân dạy bài này cho các bạn trẻ trong cơ quan Tỉnh đoàn Thái Bình khi ấy, mọi người hát rất hào hứng, say sưa. Buổi tập thu hút nhiều thanh niên ở bên ngoài đến tham dự. Và mọi người tiếp thu rất nhanh, chỉ hát mấy lần đã thuộc cả nhạc lẫn lời. Tôi có dịp hỏi Hoàng Hòa nhân ông kể lại việc đón nhận nồng nhiệt của quần chúng đối với bài hát vừa ra đời:
- Xin lỗi anh Hoàng Hòa. Cho phép tôi được hỏi câu này. Như anh kể thì khi viết bài hát, anh là Bí thư Tỉnh đoàn Thái Bình. Vậy liệu có khả năng vì anh em trong cơ quan nể và muốn lấy lòng "sếp" mà tỏ ra vồ vập bài hát không? Giả sử bài đó của một người khác sáng tác ra thì liệu có được hưởng ứng như thế không?
Hoàng Hòa cười rất thoải mái:
- Tôi cũng đã "cảnh giác" điều đó và nghĩ thầm trong bụng là hãy cứ thử xem. Anh em họ thích thực sự hay cố làm ra vẻ thích nhưng trong lòng không ưng tác phẩm thì sẽ biết ngay. Nếu thích thì họ sẽ nhiệt tình, hào hứng tập và nhanh thuộc. Ngược lại, họ tập uể oải, mãi vẫn không nhập tâm. Tôi rất mừng là họ rất nhanh thuộc và sau đó, luôn tự hát ở mọi nơi, mọi lúc có thể.
Tôi hỏi vậy cho vui chứ rất biết tính cách Hoàng Hòa là người thận trọng, tế nhị, không thuộc dạng háo danh đến mức "cố đấm ăn xôi", ép cấp dưới dàn dựng tác phẩm của mình như một số trưởng đoàn văn công, giám đốc sở văn hóa có máu me sáng tác nhưng thiếu tài.
Và với Hoàng Hòa, bằng chứng thuyết phục nhất để khẳng định giá trị, sức hấp dẫn của "Thanh niên làm theo lời Bác" là chỉ trong một thời gian rất ngắn - vài tháng - bài hát đã lan truyền, phổ biến ở khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ khi ấy là Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng… Trong mọi cuộc sinh hoạt của đoàn viên và thanh niên khi ấy (và cho tới tận bây giờ), bài hát luôn được vang lên.
Tháng 7/1954, bài hát được phổ biến cho các đại biểu dự hội nghị cán bộ Đoàn toàn quốc. Hồ Chủ tịch đã dành thời gian gặp, thăm hỏi các đại biểu. Sau đó, Bác đề nghị mọi người đồng thanh hát tập thể một bài. Thế là "Thanh niên làm theo lời Bác" được vang lên. Nghe xong, Bác rất thích thú, hỏi tác giả bài hát là ai? Lúc này, Hoàng Hòa cũng có mặt trong đoàn đại biểu. Người khen tác giả còn trẻ mà đã viết được bài hát hay, rất có ý nghĩa tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước của tuổi trẻ. Người nói với mọi người: "Các cháu vừa hát một bài rất hay. Nhưng ra về phải thực hiện đúng như lời trong bài vừa hát".
Sau đó, do sức phổ biến rộng rãi và giá trị giáo dục mà bài hát đã được coi là Đoàn ca. Về sau, cũng có thêm nhiều bài thể ca khúc quần chúng dành cho tuổi trẻ hát tập thể nhưng vẫn chưa vượt qua được "Thanh niên làm theo lời Bác" của Hoàng Hòa.
Ngoài bài hát trên, ông còn sáng tác được một số bài khác cũng về đề tài tuổi trẻ nhưng có lẽ đã không thoát ra khỏi được cái bóng của chính mình. Sự nghiệp của Hoàng Hòa là ở lĩnh vực công tác Đoàn. Sáng tác với ông chỉ là "tay trái". Người ta không nghĩ ông là nhạc sỹ mà là cán bộ Đoàn. Nhưng lại không mấy ai nhớ được ông từng đảm đương những chức trách gì trong suốt cuộc đời công cán mà lại nhớ và thuộc lòng bài hát "Thanh niên làm theo lời Bác" , mặc dù có thể nhiều người không rõ tên tác giả. Cũng cần nói thêm: Không ít người đã tưởng lầm bài này của nhạc sỹ Hoàng Hà nổi tiếng với các bài "Đất nước trọn niềm vui" và "Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn". Công chúng không nhập tâm tên tác giả nhưng lại yêu thích và thuộc lòng tác phẩm. Đó quả là một vinh quang lớn đối với bất cứ người cầm bút nào.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/bai-hat-noi-tieng-cua-mot-can-bo-doan-539402/