Bài học kinh nghiệm trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững, góp phần hạn chế phân hóa giàu - nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, thể hiện đặc trưng cơ bản, thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường; gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và triển khai tích cực của Ngân hàng Chính sách xã hội, tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng.

Đã huy động được hàng trăm tỉ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách ở 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh, nhờ đó góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn trong xây dựng nông thôn mới.

Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình vận hành được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới, xây dựng phương thức cho vay ủy thác tín dụng chính sách xã hội hiệu quả; phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác xây dựng chính sách xã hội, giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng.

Qua đó khẳng định tín dụng chính sách xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đúng với nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.

Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là hằng năm, HĐND, UBND các cấp đã chủ động ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, tuy nhiên tỉ trọng nguồn vốn địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội so với tổng nguồn vốn tín dụng chính sách vẫn còn thấp, mới chỉ đạt 4,2%, trong khi đó bình quân chung cả nước là 12,1%, chưa đáp ứng được hết nhu cầu vay vốn thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách.

Mặt khác, việc phối hợp, lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách với nguồn vốn các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, giáo dục, tạo việc làm và các nguồn vốn khác ở một số địa phương chưa được quan tâm thực hiện đồng bộ nên hiệu quả sử dụng nguồn vốn chưa cao. Hiện chưa có chính sách cho vay phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh đối với hộ có thu nhập thấp, mức sống trung bình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, trong khi nhu cầu của đối tượng này rất lớn nhưng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng các ngân hàng thương mại, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo...

Cũng cần phải thấy được rằng, về khách quan, do thiên tai, biến đổi khí hậu, tiếp đến là đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân. Trong khi đó nguồn lực ngân sách nhà nước có hạn và phải thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu, trong đó tập trung ưu tiên khắc phục thiên tai, dịch bệnh, nhất là COVID -19 để phục hồi, phát triển KT-XH nên mức độ đầu tư vốn của Nhà nước cho tín dụng chính sách xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Về chủ quan, việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách; công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng ở một số nơi chưa mang lại hiệu quả; việc phối hợp lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển KT-XH, giảm nghèo còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, cấp ủy, chính quyền đã rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là chỉ thị đã thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân. Những kết quả đạt được là do có sự chỉ đạo kịp thời, vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị; sự chủ động phối hợp của các tổ chức chính trị-xã hội và vai trò nòng cốt của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cùng với đó, cấp ủy đảng, chính quyền phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; xác định hoạt động tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch thường xuyên của địa phương; thực hiện tốt chủ trương huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách, hằng năm cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Vốn tín dụng chính sách là nguồn lực của Nhà nước, do đó đặt ra yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện nhiệm vụ phải bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương; thực hiện đúng nguyên tắc công khai, minh bạch tại cơ sở gắn với giám sát chặt chẽ của chính quyền, cộng đồng xã hội, phát huy hiệu quả nguồn vốn đối với các đối tượng thụ hưởng, góp phần khẳng định tính đúng đắn, nhân văn của hoạt động tín dụng chính sách.

Minh Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/bai-hoc-kinh-nghiem-trong-thuc-hien-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-186387.htm