Bài học trưởng thành của nam sinh Y khoa từ những hoạt động ngoại khóa

Từ tấm vé tuyển thẳng vào Trường Đại học Y Hà Nội đến những bài học sâu sắc từ cuộc sống, câu chuyện của Lê Xuân Anh Quân (sinh năm 2006) là minh chứng sống động cho hành trình trưởng thành không chỉ đo bằng điểm số mà bằng những giá trị tạo ra cho cộng đồng.

Những cột mốc học thuật và bài học về sự trống rỗng

Lớn lên trong một gia đình có bố mẹ đều là giáo viên, con đường học vấn của Anh Quân luôn gắn liền với những giải thưởng và lời khen. Tuy nhiên, chính vầng hào quang đó cũng tạo ra những áp lực vô hình. Từng kỳ vọng sẽ đạt giải Nhất trong kì thi học sinh giỏi tỉnh năm lớp 9 nhưng chỉ dừng chân ở giải Nhì. Đây dù chỉ là một cú sảy chân nhỏ nhưng cũng đã trở thành bài học đầu tiên của Anh Quân về sự không hoàn hảo. "Cảm giác thất vọng lúc đó rất rõ ràng, vì mình biết mình có thể làm tốt hơn", Quân chia sẻ.

 Anh Quân cùng các bạn đội tuyển Hóa trường THPT chuyên Phan Bội Châu ngày ra quân.

Anh Quân cùng các bạn đội tuyển Hóa trường THPT chuyên Phan Bội Châu ngày ra quân.

Bước chân vào cấp 3, Anh Quân kiên quyết chọn chuyên Hóa ở trường THPT chuyên Phan Bội Châu - một ngôi trường giúp cậu tập sống xa nhà và hoàn thành lộ trình rõ ràng mà mình đặt ra: vào Đội tuyển quốc gia, đạt giải Ba năm lớp 11 và giải Nhì năm lớp 12 để được tuyển thẳng vào Đại học Y Hà Nội. Nhưng cuộc sống luôn có những bất ngờ, Quân đã xuất sắc giành giải Nhì Quốc gia ngay từ năm lớp 11, đạt được mục tiêu sớm hơn dự định một năm.

Tưởng chừng đây là niềm hạnh phúc lớn lao, nhưng chính thành công sớm lại mang đến một cảm giác trống rỗng không ngờ. Anh Quân thú nhận: "Khi đạt được giải, mình cảm thấy như mình hết mục tiêu vậy. Tự nhiên mất hết động lực". Lời chia sẻ thành thật cho thấy thành công sẽ trở nên vô nghĩa nếu nó là điểm dừng thay vì bệ phóng. Cậu chìm đắm trong những trò chơi điện tử và hậu quả là những "cú sốc" đầu đời khi trở lại đội tuyển vào năm lớp 12 với điểm số sa sút đáng báo động cùng những lần bị thầy cô, bố mẹ quở trách vì mải mê game đã khiến Quân phải nhìn lại chính mình.

 Anh Quân trong phần thi thực hành ở Giải Olympic Hóa học quốc tế Mandeleev.

Anh Quân trong phần thi thực hành ở Giải Olympic Hóa học quốc tế Mandeleev.

"Lúc đó, mình nhận ra mình cần phải tự lập, cần phải cân bằng lại mọi thứ”. Bằng cách xác định lại những mục tiêu của bản thân, Anh Quân đã giành giải Nhất Quốc gia năm lớp 12 và tiếp tục đoạt Huy chương Đồng tại kỳ thi Olympic Hóa học Mendeleev. Dù vẫn có những giọt nước mắt tiếc nuối vì kết quả chưa trọn vẹn như kỳ vọng, nhưng anh vẫn cố gắng vượt qua bằng cách đặt mục tiêu liên tục như: Ielts 7.0, hoạt động ngoại khóa,...

 Anh Quân nhận giải thưởng cho những học sinh có thành tích xuất sắc.

Anh Quân nhận giải thưởng cho những học sinh có thành tích xuất sắc.

Hành trình kiến tạo giá trị từ những hoạt động ngoại khóa của cậu sinh viên Y đa năng

Bước chân vào cách cửa trường Đại học Y Hà Nội, Anh Quân mong muốn tìm điều gì đó mới mẻ, phát triển bản thân hơn ngoài những kiến thức chuyên ngành hay cũng là mong muốn phát triển bản thân toàn diện.

Từ một người có phần "sách vở", Quân trở thành thành viên tích cực của CLB tiếng Pháp và đặc biệt là Đội Sinh viên Tình nguyện Đồng hương Nghệ An trường Đại học Y Hà Nội. Những hoạt động tình nguyện mang đến cho Quân cả niềm vui và áp lực. "Có những đợt chạy hoạt động cả tuần, mệt mỏi lắm. Áp lực từ việc làm sao để mọi thứ suôn sẻ, áp lực từ những kỳ vọng của mọi người về một đứa học sinh giỏi Quốc gia... Nhưng chính từ đó, mình học được cách quản lý thời gian, kiểm soát công việc và cả cách đối diện với tiêu cực", Quân chia sẻ.

 Anh Quân trong màu áo xanh tình nguyện cùng câu lạc bộ.

Anh Quân trong màu áo xanh tình nguyện cùng câu lạc bộ.

Kỷ niệm về một buổi sáng dậy từ 5 giờ để chuẩn bị phát cơm cho bệnh nhân đã để lại trong Quân một dấu ấn sâu sắc. "Cảm giác được giúp đỡ người khác, được làm điều có ích cho xã hội, đó là niềm vui khó tả". Hoạt động tình nguyện không chỉ là "cho đi" mà còn là cơ hội "nhận lại" những bài học vô giá. Quân học được cách làm việc nhóm, lắng nghe và cộng tác - những kỹ năng mềm mà môi trường chỉ tập trung vào tự học trước đây không thể mang lại. Cậu nhận ra rằng mình không phải lúc nào cũng là người giỏi nhất, và học cách chấp nhận thiếu sót để trưởng thành.

Quan trọng hơn, những trải nghiệm thực tế này giúp Quân hiểu sâu sắc hơn nỗi đau của người bệnh, từ đó bồi đắp một cái nhìn nhân văn về nghề y. Kỹ năng giao tiếp, khả năng chịu áp lực và quản lý thời gian được rèn luyện qua các hoạt động ngoại khóa chính là hành trang quý báu cho công việc của một bác sĩ tương lai. Với Quân, một bác sĩ giỏi không chỉ nằm ở chuyên môn mà còn ở một trái tim biết đồng cảm và sẵn sàng giúp đỡ.

 Lê Xuân Anh Quân cùng các bạn ở Trường Đại học Y Hà Nội trong kì học quân sự.

Lê Xuân Anh Quân cùng các bạn ở Trường Đại học Y Hà Nội trong kì học quân sự.

Lời nhắn gửi đầy cảm hứng

Từ một học sinh ưu tú chỉ biết đến sách vở, Anh Quân đã trở thành một sinh viên Y đa năng, trưởng thành và giàu lòng nhân ái. Câu chuyện của cậu là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến các bạn trẻ: Đại học là thời điểm vàng để bước ra khỏi vùng an toàn, khám phá và thử thách bản thân. Giá trị của bạn không chỉ nằm trên bảng điểm, mà còn ở những kỹ năng sống và sự thấu hiểu xã hội bạn tích lũy. Con đường trưởng thành thực sự chính là con đường vượt ra khỏi giới hạn của bản thân để cống hiến và sẻ chia.

Ảnh: NVCC

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/bai-hoc-truong-thanh-cua-nam-sinh-y-khoa-tu-nhung-hoat-dong-ngoai-khoa-post1764080.tpo