Không để học sinh trở thành 'máy học': Cử tri mong Bộ GD&ĐT hành động mạnh mẽ
Cử tri cho rằng, cần có giải pháp trả giáo dục về thực chất, không biến học sinh thành 'máy học' hay công cụ kiếm thêm thu nhập của giáo viên.
Bộ GD&ĐT nhận được ý kiến của cử tri liên quan đến các vấn đề giáo dục trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Theo cử tri, sau khi Thông tư số 29 quy định về dạy thêm học thêm của Bộ GD&ĐT được triển khai trên thực tế đã mang lại nhiều thay đổi quan trọng trong quản lý giáo dục, góp phần định hướng lại cách thức tổ chức dạy và học theo hướng lành mạnh hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định dạy thêm, học thêm hiện nay còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho phụ huynh và học sinh.

Theo Bộ GD&ĐT, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày sẽ làm giảm dạy thêm, học thêm tràn lan.
Do đó, cử tri kiến nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn để quản lý công tác dạy thêm, học thêm hiệu quả; để giáo dục trả về đúng thực chất, không biến học sinh thành “máy học”, “học vẹt” hay công cụ để kiếm thêm thu nhập của giáo viên.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng cần xem xét, nghiên cứu giảm tải chương trình, tăng cường các hoạt động học ngoại khóa, trải nghiệm, học kỹ năng sống để hướng tới đào tạo thế hệ tương lai có sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội.
Dạy học 2 buổi/ngày, hạn chế học thêm
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trả lời cử tri, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, tăng cường nâng cao chất lượng giờ học chính khóa, tăng cường trách nhiệm giải trình về chất lượng giáo dục của nhà trường, dành thời gian, không gian cho học sinh được trải nghiệm, thực hành, rèn luyện thông qua các hoạt động giáo dục theo nhu cầu cá nhân để phát triển toàn diện.
Bộ GD&ĐT cũng đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố để tăng cường phối hợp trong việc triển khai thực hiện Thông tư số 29, đề nghị các địa phương bố trí nguồn ngân sách, tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng đủ trường, lớp và bảo đảm chất lượng để mọi học sinh trong độ tuổi phổ cập giáo dục được đến trường, giảm áp lực trong tuyển sinh nhằm giảm việc dạy thêm, học thêm.
Chỉ đạo các địa phương tích cực nâng cao chất lượng dạy và học giờ chính khóa, đa dạng hóa phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, không gây áp lực học thêm cho học sinh.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17 năm 2025 về việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức sinh hoạt hè cho trẻ em, học sinh theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Các trường tiểu học, trung học cơ sở tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tùy theo điều kiện của từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên; ....”.
Từ đó, giảm dạy thêm, học thêm tràn lan và tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, đồng thời phù hợp với chủ trương của Đảng về “miễn học phí cho học sinh” và “tổ chức dạy học 2 buổi/ngày”, đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển năng khiếu của từng học sinh.