'Huyền thoại' Toán học Việt Nam, 17 tuổi đạt điểm tuyệt đối Olympic quốc tế
17 tuổi, ông đoạt giải nhất với số điểm 40/40, đồng thời nhận giải đặc biệt cho thí sinh có lời giải đẹp tại Olympic Toán quốc tế 1979.
Ông chính là TS Lê Bá Khánh Trình, sinh năm 1962 tại Huế. Từ nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu vượt trội về Toán học.
Năm 1979, ở tuổi 17, ông tham gia Olympic Toán học Quốc tế (IMO) và trở thành một trong những thí sinh xuất sắc nhất trong lịch sử Toán học Việt Nam. Khi ấy, ông không chỉ giành huy chương vàng với số điểm tuyệt đối 40/40, mà còn được trao giải đặc biệt dành cho thí sinh có lời giải đẹp nhất. Đây là lần duy nhất trong hơn 50 mùa IMO, một thí sinh Việt Nam đạt được thành tích này.
Theo "Tuyển tập 5 năm tạp chí Toán học và Tuổi trẻ", bài toán giúp Lê Bá Khánh Trình đạt giải đặc biệt là bài số ba trong đề thi năm đó, do Liên Xô (cũ) đề xuất. Cách giải của ban giám khảo đưa ra dựa vào các phương trình chuyển động theo vận tốc góc và dùng các công thức lượng giác để biến đổi thành hệ phương trình. Cách giải không hề đơn giản.
Thí sinh Lê Bá Khánh Trình khi ấy có cách giải khác "rất đẹp, rất độc đáo", như lời ca ngợi của Chủ tịch hội đồng giám khảo quốc tế.

Thí sinh Lê Bá Khánh Trình (ở giữa) khi đi thi IMO năm 1979. (Ảnh tư liệu)
Sau chiến thắng tại IMO, cái tên Lê Bá Khánh Trình trở nên nổi bật trong cộng đồng Toán học, được mệnh danh là “huyền thoại Toán học Việt Nam”, “cậu bé vàng của Toán học Việt Nam”.
Sau đó ông theo học tại khoa Toán - Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva (Nga). Tại đây, ông làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của Viện sĩ Andrey Alexandrovich Gontrar, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga.
Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva, TS Lê Bá Khánh Trình đã có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp ở nước ngoài. Tuy nhiên, ông quyết định trở về Việt Nam và chọn con đường giảng dạy.
Sau khi về nước, từ năm 1991, ông gắn bó với công việc giảng dạy tại Khoa Toán - Tin học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM. Ông không chỉ giảng dạy cho sinh viên mà còn tham gia đào tạo học sinh trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Nhiều năm liền, ông tham gia tuyển chọn và huấn luyện đội tuyển Việt Nam dự thi IMO, đảm nhận vai trò trưởng hoặc phó đoàn. Từ năm 2015, ông còn tham gia huấn luyện cho đội tuyển IMO của Saudi Arabia, giúp họ đạt thành tích tốt trong các kỳ thi quốc tế.

TS Lê Bá Khánh Trình cùng 2 học sinh đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế năm 2013 (Ảnh: L.P).
TS Trần Nam Dũng, Hiệu phó trường Phổ thông Năng khiếu gọi TS Lê Bá Khánh Trình là “huyền thoại” của trường. Trong chặng đường hơn 30 năm dưới sự dẫn dắt của TS Lê Bá Khánh Trình, đội tuyển Toán của trường đã đóng góp cho trường hàng trăm giải quốc gia, trong đó có hơn một nửa số năm có giải nhất. Đặc biệt nhà trường đóng góp 20 huy chương quốc tế và khu vực, trong đó có 5 huy chương vàng.
Dù đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực toán học, TS Lê Bá Khánh Trình luôn giữ lối sống giản dị và khiêm tốn. Ông từng tâm sự: "Tôi biết sức mình nên chọn công việc phù hợp nhất, nơi tôi phát huy được sở trường. Nếu làm khoa học hay quản lý, chắc tôi sẽ là nhà khoa học làng nhàng, nhà quản lý kém. Tôi làm giáo viên thấy tự tin và hợp sức mình nhất".
Thông tin từ trường Phổ thông Năng khiếu, TS Lê Bá Khánh Trình nghỉ hưu sau 40 năm gắn bó với nghề. Trước đó, vào tháng 2/2025, ông đã chia tay tổ Toán của trường. Theo quy định, ông đã đến tuổi nghỉ hưu từ năm 2022, song với những đóng góp nổi bật, nhà trường vẫn mời ông tiếp tục giữ vị trí Tổ trưởng tổ Toán cho đến đầu năm nay.