Bài học từ địa phương dẫn đầu miền Trung trong thu hút FDI
Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính trong thu hút FDI, tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng DN của các cấp chính quyền Thanh Hóa đóng vai trò quan trọng, từ đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho DN phát triển dự án một cách thuận lợi nhất.
Thời gian qua, Thanh Hóa đã tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo "mảnh đất lành" thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây chính là một trong những giải pháp góp phần tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.
Được sự tạo điều kiện của chính quyền huyện Thọ Xuân về đất đai và các thủ tục pháp lý khác, một Công ty TNHH Jinyi Jewelry Việt Nam nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý, đầu tư dự án tại xã Tây Hồ với diện tích 23.000 m2, nguồn vốn 100 tỷ đồng. Đi vào hoạt động từ tháng 6/2022, Jinyi Jewelry Việt Nam đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 400 lao động tại địa phương, chuyên sản xuất hàng trang sức, mỹ ký với các sản phẩm đa dạng.
Ông Chu Huấn Đào (Zhou Xun Tao) - Giám đốc sản xuất Công ty Jinyi Jewelry Việt Nam cho biết, từ khi đầu tư sản xuất, công ty luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của chính quyền để công ty ổn định sản xuất bền vững. “Từ khi nhà máy khởi công xây dựng đến vận hành mọi việc đều diễn ra rất thuận lợi, vì chính quyền địa phương đã tạo điều kiện hết mức có thể, nhất là quá trình nhập nguyên liệu”, ông Chu Huấn Đào cho hay.
Là công ty có vốn đầu tư nước ngoài đóng chân tại cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hóa, được sự quan tâm, tạo điều kiện từ chính quyền huyện Hoằng Hóa về đất đai, các thủ thục pháp lý và công tác tuyển lao động, Công ty Sakurai Việt Nam đã đi vào sản xuất giai đoạn 1, giai đoạn 2 với quy mô 500 công nhân chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu.
Theo ông Kimura Masanori, Trợ lý Phó Tổng giám đốc Công ty Sakurai Việt Nam, trong năm nay, công ty dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động giai đoạn 3 của nhà máy, tạo việc làm cho khoảng 700 lao động tại địa phương.
“Công ty có trụ sở chính ở KCN Lễ Môn với quy mô 12.000 lao động cùng nhiều đơn hàng xuất khẩu. Cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hóa là điểm lý tưởng để DN xây dựng cơ sở 2, vì ở đây có vị trí giao thông thuận tiện, hạ tầng tốt, nhân lực dồi dào và đặc biệt là chính quyền địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ DN về mọi mặt, nhất là thủ tục hành chính và thông tin tuyển dụng. Đây là điều kiện hết sức cần thiết để DN tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và phát triển vững mạnh”, theo ông Kimura Masanori.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều DN đã lựa chọn Thanh Hóa là "mảnh đất lành" để đầu tư các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó cũng là điều dễ hiểu khi trong thời gian qua, Thanh Hóa đã có nhiều việc làm thiết thực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư. Các địa phương tỉnh Thanh Hóa đã tranh thủ nguồn vốn ngân sách từ Trung ương đến địa phương để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhằm thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, giải ngân kịp thời đảm bảo tiến độ mang lại hiệu quả rõ rệt.
Điển hình như huyện Hoằng Hóa tập trung nguồn vốn, đầu tư một số dự án giao thông lớn, trọng điểm và đẩy nhanh tiến độ và đưa vào sử dụng đường từ ngã tư Hoàng Minh đến ngã tư Gòng; Đường Thịnh - Đông (giai đoạn 1; giai đoạn 2); Đường Quỳ - Xuyên, đường Kim - Quỳ, đường Quốc lộ 1A đi khu du lịch Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa (giai đoạn 2)…
Cùng với đó, Hoằng Hóa cũng đã xây dựng, ban hành một số cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư theo hướng tập trung vào các dự án thu hút nhiều lao động, giải quyết việc làm và đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước. Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, thành lập DN, thực hiện công khai, minh bạch trong quy hoạch, thủ tục hồ sơ, cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư…
Ông Hoàng Khắc Nam, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tuấn Linh cho biết, trong quá trình thực hiện các dự án, vấn đề thủ tục, giái phóng mặt bằng luôn được chính quyền địa phương hỗ trợ để công ty thi công tốt nhất. Còn ông Lê Anh - Giám đốc công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia cho hay, từ quy hoạch sử dụng đất, xây dựng nhà máy, lãnh đạo huyện Hoằng Hóa đều thể hiện tư duy rõ nét nhất cho chính sách kiến tạo phát triển của huyện ủng hộ DN để lan tỏa chuỗi giá trị sản xuất.
Đối với huyện Thọ Xuân, để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển sản xuất, kinh doanh, huyện đã rà soát và xác định các dự án trọng điểm để đầu tư, ưu tiên các dự án phục vụ sản xuất, kinh doanh, giải quyết được nhiều việc làm, cải thiện thu nhập cho nhiều lao động. Khuyến khích thu hút vốn đầu tư từ các trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp nước ngoài; chủ động đấu mối với các ngành, các cấp để được cấp vốn cho các dự án đã được phê duyệt, các công trình dở dang nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng, thu hút các dự án trong và ngoài nước đầu tư vào huyện…
Nhờ những giải pháp cụ thể như vậy, đến nay, Thọ Xuân đã thu hút được 653 DN đầu tư vào hoạt động xản xuất kinh doanh trên địa bàn. Ngoài việc thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của vùng, huyện Thọ Xuân còn tích tụ đất đai để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, hướng dẫn, hỗ trợ DN tham gia liên kết theo chuỗi giá trị từ cung ứng đến sản xuất, bảo quản, bao tiêu sản phẩm. Qua đó, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo được sức cạnh tranh cho hàng nông sản phát triển ở các thị trường trong và ngoài nước.
Ông Lê Đình Hảo, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, UBND huyện Thọ Xuân cho biết, huyện triển khai nhiều phải pháp, trong đó thường xuyên nắm bắt khó khăn của DN để kịp thời giải quyết, cùng với đó tập trung cải cách hành chính, hỗ trợ DN giải quyết nhanh thủ tục liên quan đến thẩm quyền của huyện, mục tiêu giai đoạn 2021-2025 thành lập mới 800 DN.
Ông Nguyễn Tiến Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN huyện Hoằng Hóa thông tin, lãnh đạo huyện đã lắng nghe tiếng nói của người dân, DN, tạo điều kiện các thủ tục hành chính, tháo gỡ nhiều vướng mắc cho DN trong đầu tư, đất đai...
Không chỉ dừng lại ở những việc đã làm được, Thanh Hóa xác định, việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phải là công việc thường xuyên, liên tục để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cho DN, tạo điều kiện để các DN sản xuất, kinh doanh ổn định và bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, huyện sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đã thực hiện tốt trong thời gian qua, trong đó đặc biệt chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quy hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, thường xuyên đối thoại giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc của DN.
Thanh Hóa hiện là địa phương dẫn đầu miền Trung trong thu hút FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 14,7 tỷ USD. Năm 2024 Thanh Hóa đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại, khi đón dòng vốn có quy mô lên tới hơn 3,5 tỷ USD từ các dự án chuẩn bị đầu tư. Để có được kết quả này, bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng DN của các cấp chính quyền đóng vai trò quan trọng, từ đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho DN phát triển dự án một cách thuận lợi nhất.