Bài học tự lực, tự cường từ Hiệp định Genève
Cách đây 69 năm, ngày 21/7/1954, tại Genève (Thụy Sĩ), Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược. Hiệp định Genève có ý nghĩa hết sức sâu sắc đối với dân tộc ta và toàn thể nhân loại.
Lịch sử đã lùi xa, nhưng mỗi chúng ta cần ngẫm lại để nhận thức sâu sắc thêm và rút ra những bài học cho hiện tại cũng như tương lai.
Nội dung cơ bản của Hiệp định Genève
Hội nghị Genève diễn ra hết sức phức tạp với sự đấu tranh quyết liệt của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sự dàn xếp của các nước lớn, nhất là xung quanh vấn đề phân vùng đóng quân, tổng tuyển cử và thống nhất nước Việt Nam, các lực lượng kháng chiến ở Lào và Campuchia...
Trong điều kiện lịch sử cụ thể lúc đó, theo xu thế chung là giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới bằng thương lượng, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận ký Hiệp định Genève. Ngày 21/7/1954, các nước tham dự hội nghị đã ra một bản tuyên bố cuối cùng và ký các hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia, tạo nên khung pháp lý của Hiệp định Genève năm 1954 về Đông Dương.
Nội dung của Hiệp định Genève bao gồm 4 vấn đề cơ bản. Theo đó, các nước tham dự hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của các nước Việt Nam, Lào và Campuchia là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Các bên tham chiến ngừng bắn, lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương. Đồng thời thực hiện tập kết, chuyển quân theo khu vực và thời gian quy định. Việt Nam sẽ thống nhất bằng một cuộc tuyển cử tự do vào tháng 7/1956 dưới sự kiểm soát của một ủy ban quốc tế.
Thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam
Trước hết, Hiệp định Genève là văn bản pháp lý quốc tế, ghi nhận các quyền dân tộc cơ bản của 3 nước Đông Dương. Hiệp định Genève là sự xác nhận trên phạm vi quốc tế sự thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, công nhận độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Thành quả quan trọng nhất của hội nghị Genève chính là giá trị pháp lý quốc tế đảm bảo cho việc thực hiện mục tiêu cao cả thiêng liêng của dân tộc ta là thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Ở khía cạnh ngoại giao vào thời điểm bấy giờ, đây là một thành quả đem lại thế và lực mới cho nước ta trên trường quốc tế.
Hiệp định Genève đã đánh dấu thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp của Nhân dân ta. Pháp buộc phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội về nước. Ngày 7/5/1954, quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, thì 1 ngày sau, hội nghị Genève về Đông Dương khai mạc.
Với vị thế của một dân tộc chiến thắng, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn đã đến tham dự hội nghị. Đây là lần đầu tiên nền ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ tham gia một hội nghị quốc tế lớn trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.
Chính thắng lợi của Hiệp định Genève mở ra thời kỳ mới cho cuộc đấu tranh của Nhân dân ta. Tranh thủ điều kiện hòa bình, Việt Nam tiến hành khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc, chuẩn bị hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau này.
Ngoài ra, Hiệp định Genève làm thất bại âm mưu kéo dài, mở rộng, quốc tế hóa chiến tranh xâm lược Đông Dương; miền Bắc hoàn toàn giải phóng, chuyển sang giai đoạn XHCN. Thực tế lịch sử cho thấy, cuộc kháng chiến cứu quốc của Nhân dân Việt Nam không những không bị đè bẹp mà ngày càng lớn mạnh. Đến năm 1950, quân ta chuyển sang phản công địch trên khắp các chiến trường.
Ngược lại, thực dân Pháp ngày càng thất bại, sa lầy và rơi vào thế lúng túng, bị động đối phó. Thấy rõ nguy cơ thất bại ở Đông Dương, thực dân Pháp muốn tìm cách thoát khỏi chiến tranh trong danh dự. Tuy nhiên, trước khi chịu ngồi vào bàn đàm phán, mùa hè năm 1953, thực dân Pháp được Mỹ tiếp sức đã đẩy mạnh quy mô và cường độ cuộc chiến tranh xâm lược bằng kế hoạch quân sự Navarre, nhằm giành lại quyền chủ động trên chiến trường.
Trước tình hình đó, tháng 9/1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp ở Định Hóa (Thái Nguyên) thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân năm 1953-1954, nhằm làm thất bại kế hoạch Navarre của địch.
Trong khi thể hiện quyết tâm tiến công địch, làm thất bại kế hoạch Navarre của thực dân Pháp và kiên quyết kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng, Đảng, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam cũng tán thành thương lượng nhằm giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam. Hiệp định Genève được ký kết đã làm tiêu tan mưu đồ kéo dài, mở rộng, quốc tế hóa chiến tranh xâm lược Đông Dương của thực dân Pháp.
Tự lực, tự cường là quốc sách
Về bài học kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao, cần tạo cục diện đánh - đàm, mà trước tiên là từ thắng lợi ở chiến trường, nhưng ngoại giao cũng rất quan trọng. Điều này làm cho thế giới thấy rõ cuộc chiến tranh chính nghĩa của Nhân dân ta để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, tác động vào nội bộ đối phương nhằm kiềm chế kẻ thù và tạo áp lực kéo địch xuống.
Trong đấu tranh ngoại giao phải nắm chắc được tương quan lực lượng, tính toán của các nước lớn để đánh giá đúng tình hình, từ đó đặt ra lộ trình đấu tranh để thắng từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
Bài học tổng quát nhất là luôn kiên trì tinh thần độc lập tự chủ, không bị chi phối trước bất cứ thế lực nào. Chính nhờ vậy, ở hội nghị Pari sau này, chúng ta có kinh nghiệm hơn, vững vàng hơn trước những sức ép từ các phía mà không bị quốc tế hóa.
Những mưu toan về lợi ích dân tộc của những nước lớn đã được thể hiện từ hội nghị Genève vẫn còn đó. Việc hiệp thương thống nhất nước nhà sau 2 năm không thực hiện được, buộc Nhân dân ta phải tiếp tục cuộc chiến tranh với đế quốc Mỹ để giành độc lập, thống nhất đất nước.
Hiện nay, tình hình thế giới đang hết sức phức tạp, từ thế giới đơn cực do Mỹ cầm đầu sau Chiến tranh lạnh kết thúc, đến nay đang có sự đổi thay mang tính bước ngoặt. Với chiến dịch quân sự đặc biệt nước Nga tiến hành tại Ukraina, một thế giới mới đa cực đang hình thành, từng bước thay thế thế giới đơn cực. Xét trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự, một thế giới mới đang được hình thành rất nhanh chóng, phức tạp và hết sức quyết liệt.
Trong bối cảnh đó, tự lực, tự cường dân tộc, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết một lòng quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN là quốc sách duy nhất đúng. Hiệp định Genève đã tạo ra thế và lực mới cho dân tộc, ngày nay chúng ta hãy nâng cao thế và lực đó lên tầm cao mới, để sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới, như thuở sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu hằng mong ước.
PGS.TS HOÀNG MINH THẢO
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/300831/bai-hoc-tu-luc-tu-cuong-tu-hiep-dinh-geneve.html