Đón em bé Sochu chào đời vào tháng 7/2022, HLV thể hình Trang Lê (sinh năm 1993, Hà Nội) không còn nhiều thời gian tập thể dục. Trước kia, cô có thể có mặt ở phòng gym 2 ca/ngày. Hiện tại, cô chuyển sang tranh thủ đi tập vào buổi sáng sớm, trước khi con ngủ dậy hoặc lựa chọn “một công đôi việc”: vừa bế con vừa tập tại nhà.
Các động tác được áp dụng cho nhiều vùng khác nhau trên cơ thể: lunge twist (kết hợp giữa bước chân trước, gập gối và xoay người), squat (đứng lên - ngồi xuống để tập cho cơ mông, đùi), bicep curls (tập cơ tay trước), good morning (gánh tạ cúi đầu tập đùi sau), push-up kisses baby (chống đẩy)… Những bài tập cardio này giúp "mẹ bỉm" được vận động trong lúc trông con nhỏ.
“Sochu rất thích và hợp tác khi được mẹ cho tham gia cùng. Tuy nhiên, các mẹ muốn thực hiện theo cần chú ý kiểm soát thăng bằng cho trẻ. Bàn tay phải chắc và vững, ôm bé vào đúng vị trí để tránh bé cựa quậy. Với những động tác khó, lực cánh tay chưa đủ khỏe để giữ bé, mình nên bỏ qua để đảm bảo an toàn", Trang cho hay.
Nữ PT thường gọi yêu cô con gái đầu lòng là "cục tạ mini 9 kg của mẹ". Còn biệt danh ở nhà - Sochu - do bố đặt cho, vừa gợi nhắc kỷ niệm lần đầu hẹn hò của hai bố mẹ, vừa mang nghĩa con gái "rượu" của cả nhà.
Cô chỉ tăng khoảng 6 kg vào thời điểm sinh con, song lượng cơ giảm xuống và tỷ lệ mỡ tăng lên. Con tròn một tháng tuổi, cô đã có thể quay lại phòng gym, tập các bài tập nặng như cũ. Tuy vậy, Trang Lê nhấn mạnh thể trạng khỏe mạnh nhờ duy trì tập luyện thường xuyên trong thời gian dài. Với những người mẹ có nhu cầu tương tự, lời khuyên là nên tham khảo bác sĩ trước khi tập gym trở lại.
Theo cô, những bài tập cường độ nhẹ có thể áp dụng như tập yoga, pilates, đi bộ nhẹ nhàng, tập cơ sàn chậu. Các bài tập nặng chỉ nên quay lại khi con đã trên 3 tháng và tham khảo bác sĩ. Điều lưu ý là hậu sinh nở, cơ bụng của người phụ nữ bị tách ra, việc chọn lựa bài tập để phục hồi cơ bụng rất quan trọng, người tập cần tránh các động tác gập bụng hay xoay vặn nhiều.
Những lúc tập một mình, nữ PT thường chuyển sang tập yoga. Lý do là các tư thế yoga giúp tác động, căng giãn vào các nhóm cơ khác nhau, giúp tránh khỏi cảnh đau nhức lưng, cột sống hay cổ, vai, gáy - tình trạng dễ gặp sau khi sinh.
Chế độ tập luyện và dinh dưỡng của cô thay đổi nhiều trong giai đoạn Sochu mới chào đời. Khi con còn bú mẹ, cô quan trọng nhất việc ăn uống đầy đủ, không nhịn ăn để con nhận đủ dinh dưỡng từ trong sữa mẹ. Đến lúc con dừng bú, chế độ ăn uống của cô mới trở về bình thường.
Nếu như trước kia, cô muốn tập cho người có cơ, giờ Trang Lê lại hướng tới dáng người thanh mảnh, nữ tính hơn. Ngoài ra, cô chú trọng để có sức bền, sự dẻo dai.
Không còn thời gian làm HLV cá nhân như trước, cô ưu tiên những công việc làm tại nhà, không gò bó giờ giấc và vẫn được tập trung chăm sóc em bé. "Tôi thích cho con tiếp xúc với thiên nhiên, ánh sáng và cây cối, để trẻ tò mò về thế giới xung quanh. Ban đầu, Sochu hay sợ, khóc khi thấy người lạ. Thấy vậy, tôi càng cho con ra ngoài nhiều hơn, để bé dạn dĩ, bớt nhút nhát".
Buổi chiều hàng ngày, hai mẹ con lại xuống sân chung cư, đi dạo vòng quanh. Hạn chế của chỗ ở hiện giờ là không có nơi vui chơi cho trẻ em. Cô cố gắng khắc phục điều này bằng cách cuối tuần đưa con đi công viên hay các khu vui chơi ngoài trời - những nơi có không gian ngoài trời rộng rãi và thoáng đãng hơn.
Nhờ cho con quen với việc vận động sớm, Sochu khá cứng cáp, ít ốm vặt. Khi mới sinh, cô luyện cho con nằm sấp, giúp phần cột sống chắc khỏe, nhờ đó bé biết lẫy sớm.
Điều quan trọng là tạo môi trường và huấn luyện con chậm rãi. Đồ đạc trong phòng khách được dọn bớt để có thêm không gian cho Sochu vui đùa. "Cơ, khớp của trẻ nhỏ còn rất yếu, trong khi con đã bước vào giai đoạn nghịch ngợm hơn. Tôi cũng lo lắng nhưng để con tự khám phá, còn người lớn sẽ cần có mặt ở bên để đảm bảo an toàn".
Về chế độ dinh dưỡng cho Sochu, Trang Lê cho rằng "mẹ ăn gì, con ăn nấy" với thực đơn là những món quen thuộc với dân tập gym như thịt gà, thịt lợn, cá hồi, các loại rau, củ, quả, ngoài ra có thêm cháo ăn dặm.
"Sochu đang trong thời kỳ ăn dặm tự chỉ huy, tức là trẻ tự quyết định món và cách ăn. Việc này giúp con học cách tự điều chỉnh lượng thức ăn đưa vào cơ thể và ngừng khi cảm thấy no. Người lớn sẽ tôn trọng và không ép. Điều lưu ý nữa là tôi chỉ cho ăn khi con đã ngồi vào ghế và dặn người lớn không đưa đi rong, không bật TV, tập trung 100% vào việc nuốt", cô chia sẻ.
Vốn thích tự do, bay nhảy, từng nghĩ sẽ không lập gia đình hay sinh con, sự xuất hiện của Sochu đã làm thay đổi hoàn toàn mọi thứ. Đứa trẻ vừa là bài học, vừa là bạn đồng hành, giúp cô trưởng thành hơn. Tuy vậy, Trang Lê tự nhận mình không phải là người mẹ tập trung hoàn toàn 100% vào con cái.
Cuối ngày, khi Sochu đã vào giấc, người mẹ dành thời gian đọc sách, học thêm chuyên môn cho các dự án cá nhân. "Tôi quan niệm phải chăm sóc chính mình trước. Người mẹ phải thật vui vẻ, có lối sống lành mạnh, tỏa ra năng lượng yêu thương, thì con mới có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt. Nếu mình căng thẳng, bực tức, đứa trẻ cũng ảnh hưởng theo", cô nói thêm.
Trà My - Duy Hiệu