Bài tham dự cuộc thi viết 'Kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào': Mơ ước một dòng xanh

Tôi không sinh ra ở Hà Nội, nhưng may mắn thanh xuân có một miền ký ức ngọt ngào ở đôi bờ Nhuệ giang. Giờ sau bao năm bôn ba, tôi lại về ở bên dòng sông.

Ngày đầu tiên tôi biết đến sông Nhuệ là khi đi qua cầu Trắng, cũng là ngày đầu tiên tôi nhập học (tháng 8-1962). Lớp Thủy văn khóa 14, hệ Trung cấp, Học viện Thủy lợi (nay là Trường Đại học Thủy lợi) của tôi, một nửa là các anh lớn tuổi nhưng đều xa nhà, nên sau những giờ học lại kéo nhau ra bờ sông Nhuệ dạo mát và trò chuyện. Ngọn gió đưa hơi nước từ sông phả vào mặt mát rượi.

Học ngành Thủy văn nên chúng tôi đã có dịp khảo sát mọi nguồn lạch của con sông này về địa lý, lịch sử dòng chảy, chế độ thủy văn... Từ xa xưa, sông Nhuệ bắt nguồn từ đầm Bát Long, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, sau này người ta cải tạo, nối với sông Hồng. Ngày nay, cửa sông Nhuệ nối với sông Hồng qua cống Liên Mạc.

Sông Nhuệ chảy qua các cánh đồng phì nhiêu của huyện Từ Liêm cũ (nay là hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm), Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên. Đến đây, có một nhánh chảy xuyên qua huyện Ứng Hòa đổ vào sông Đáy, còn một nhánh chảy xuống Hà Nam, đổ vào sông Châu Giang. Sông Nhuệ dài 74 km, có nhiều kè cống điều tiết nước. Con sông Nhuệ như cái sống lưng trũng xuống, đưa nước mát cho con người và tưới tiêu cho 56.000 ha đất canh tác, chuyển nước thải đi cũng là nó, nên sông Nhuệ như huyết mạch nuôi dưỡng và đào thải độc tố trên "cơ thể" của Hà Nội.

Trước đây, Nhuệ giang từng là một đường thủy khá nhộn nhịp, nên mới lưu truyền câu ca: “Nhuệ giang nước chảy quanh co/ Nào ai xuôi ngược con đò em đưa”. Thuyền bè từ vùng thượng du chuyên chở hàng hóa, lâm sản xuống vùng Sơn Nam phần nhiều đi qua sông này. Ven hai bờ sông có nhiều làng cổ, làng nghề nổi tiếng như làng may Cổ Nhuế, làng dệt Triều Khúc, làng lụa Vạn Phúc, làng rèn Đa Sĩ, làng tò he Xuân La..., đặc biệt là làng cổ Cự Đà với nét cổ kính, trầm mặc không đâu có được.

Tư liệu lịch sử hiện còn cho biết, vào đầu thời Lê, quan quân còn đi thuyền về Lam Kinh qua sông Nhuệ đến sông Đáy. Đến thế kỷ XIX, thuyền đưa khách vào chùa Hương vẫn xuất phát từ cầu Hà Đông, xuôi dòng sông Nhuệ đi sang sông Đáy để vào bến Đục.

Tiếp nối các làng mạc ven sông Nhuệ là những cánh bãi vàng rực màu hoa cải. Hoa cải khiêm nhường và giản dị, buông mùi hương thoang thoảng, dìu dịu trong không gian mát rượi của ngọn gió đưa hơi nước từ dòng sông lên xoa dịu những khuôn mặt đẫm mồ hôi trong buổi trưa hè. Bãi sông Nhuệ còn nối tiếp những vạt dâu xanh mượt, bồng bềnh trong nắng làm thành những làn sóng mênh mang. Nghề trồng dâu nuôi tằm đã duy trì những làng nghề sản xuất tơ lụa của vùng Hà Đông.

Cầu Đơ là cây cầu duy nhất được bắc qua sông Nhuệ nối thông con đường từ Hà Nội đi Hòa Bình khi tòa công sứ Pháp dời về làng Đơ. Cây cầu cũ dài 37m, rộng 6m, được che bằng mái ngói theo kiểu “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu). Thời đó, người ta đã xếp cây cầu này trong số 9 cây cầu đẹp nhất Việt Nam. Để điều tiết nước trên sông Nhuệ phục vụ dân sinh, năm 1937, chính quyền thực dân mới cho xây dựng đập cầu Đen, sau đó được cải tạo và mở rộng thêm chức năng giao thông.

Trong những ngày khảo sát, chúng tôi đã có những giờ phút thoải mái bơi lội, vui đùa trong dòng nước mát lành của con sông, đồng thời được khám phá những điều mới mẻ, thú vị của văn hóa đặc trưng ở những làng quê ven sông.

Ấy thế mà nghề thủy văn không giữ tôi được lâu. Khi không quân Mỹ đánh phá những cây cầu trên những dòng sông quê hương, tôi nhập ngũ, vào một đơn vị pháo cao xạ, chiến đấu bảo vệ vùng trời, giữ vững mạch máu giao thông.

Sau 40 năm quân ngũ, gia đình tôi định cư trong một ngôi làng cổ - làng Cổ Nhuế bên dòng Nhuệ giang. Hằng ngày, tôi vẫn đi bộ từ cầu sắt Cổ Nhuế đến cầu Diễn, nhưng không còn được tận hưởng không khí mát lành như xưa.

Sông Nhuệ bây giờ đã khác xưa. Nước bị ô nhiễm nặng. Còn khả năng gánh lũ thì dẫu con sông đã oằn lưng nhưng nước vẫn thường xuyên dâng gây ngập lụt phố phường. Trận lụt cuối tháng 10, đầu tháng 11-2008 đã cảnh báo rằng các con sông nội thành cùng với sông Nhuệ, sông Đáy không còn đủ khả năng thoát lũ. Đến nay, sau hơn 16 năm, tình hình mưa ngập vẫn chưa dứt hẳn. Chưa kể, dòng Nhuệ giang vẫn phải oằn mình trước sự lấn chiếm, chắn dòng để thi công, để trồng rau, bị đổ rác, xả thải quanh năm gây ô nhiễm nguồn nước. Kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước trên sông Nhuệ của Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố ngày 4-4-2024 cho thấy, không có vị trí nào trên dòng sông Nhuệ có chất lượng nước đạt quy chuẩn Việt Nam (QCVN 08:2023). Các vị trí đo có hàm lượng chất hữu cơ trong nước đều vượt giới hạn từ 2 đến 9 lần; hàm lượng amoni vượt giới hạn tới 11 lần…

Ước mơ xanh về một dòng Nhuệ giang trong trẻo, cá tôm tung tăng, trẻ thơ thoải mái nô đùa, người lớn, cụ già tản bộ thư giãn hít thở không khí trong lành thơm mát dưới những tán cây của một vành đai xanh vẫn luôn trong tâm tưởng biết bao người yêu Hà Nội, trong đó có tôi. Và khi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) cùng với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 thì ước mơ ấy lại càng có thêm hy vọng sẽ trở thành hiện thực.

Trần Công Huyền

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-tham-du-cuoc-thi-viet-ky-niem-70-nam-giai-phong-thu-do-ky-uc-tu-hao-mo-uoc-mot-dong-xanh-674054.html