Bài tham dự Cuộc thi viết 'Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào': Những điều giản dị mà vĩ đại
Thế hệ chúng tôi may mắn sinh ra trong thời bình nhưng điều đó không có nghĩa chúng tôi lãng quên lịch sử. Chính nhờ lịch sử chúng tôi có nền móng vững chắc để trưởng thành.
Tôi về Trường Đại học Dược Hà Nội làm giảng viên dạy các môn lý luận chính trị khi vừa rời giảng đường Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trường Đại học Dược Hà Nội là ngôi trường hàng đầu về đào tạo dược sĩ, chính vì vậy những người trẻ như tôi đã trải qua nhiều áp lực. Ai đó đã nói rằng nghề thầy thuốc không giống những nghề khác, nếu như một người công nhân vụng về làm lỗi một đôi giày thì sẽ khiến một người đi bị đau chân, còn nếu người thầy thuốc mắc sai lầm, không biết sẽ trả giá bằng bao nhiêu sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Nhưng khi đã gắn bó đủ lâu với trường, tôi nhận ra đằng sau áp lực của đặc thù nghề nghiệp là biết bao ấm áp. Soi chiếu dưới lăng kính lịch sử, tôi nhận ra các đồng nghiệp yêu quý, các học trò thân thương của tôi không chỉ là những người đang ra sức lao động, học tập để hành nghề, họ còn là thế hệ tiếp nối truyền thống giữ nước và xây dựng Tổ quốc giàu đẹp theo cách của riêng mình.
Khi giảng dạy môn học Chủ nghĩa xã hội khoa học và Tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi luôn trăn trở làm thế nào để những sinh viên của tôi biết trân trọng lịch sử, tự hào về quá khứ của cha ông, từ đó học cách tự lập vươn lên và làm chủ vận mệnh đất nước một cách vững vàng nhất. Sinh viên trường tôi học thiên về các môn khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa, sinh nên ban đầu rất sợ hãi với các môn lý luận chính trị. Nhưng không nản lòng, tôi tâm niệm rằng mỗi một học trò của mình là một mảnh đất màu mỡ, chỉ cần mình kiên trì và chân thành gieo lên đó hạt mầm, dành thời gian để chăm chút, bồi dưỡng, yêu thương thì một ngày nào đó hạt mầm vùi dưới đất sâu sẽ nảy mầm, trưởng thành và xanh tốt, mạnh mẽ dưới ánh nắng mặt trời. Đó chính là hạt mầm của lòng biết ơn. Trên đất nước thân yêu của chúng ta, từng tấc đất đều mang dấu tích của bom đạn, nơi nào cũng thấm máu cha ông, có nơi nào là không được đánh đổi bằng những hy sinh gian khổ của biết bao thế hệ? Nếu chúng ta sống trên thành tựu của cha anh mà không thấm thía sâu sắc ý nghĩa của sự biết ơn, làm sao chúng ta có thể sống trọn vẹn với bản thân và dân tộc?
Và các học trò của tôi đã cho tôi thấy những điều mình làm không hề vô nghĩa. Khi các em học tập với một tâm thế biết ơn, tôi đã nhận ra tấm lòng yêu Tổ quốc một cách chân thành, thánh thiện của những người trẻ. Tôi còn nhớ mãi những đôi mắt đỏ hoe khi xem lại các thước phim lịch sử về cuộc chiến 60 ngày đêm khói lửa bảo vệ Thủ đô của quân và dân ta, 12 ngày đêm oanh liệt trên bầu trời Hà Nội hay đoàn quân xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ...
Có lẽ hình ảnh các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô quả cảm ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch, những chiến sĩ kiên quyết đánh trả khi hai mắt đã mù, hình ảnh người anh nuôi trước lúc hy sinh vẫn cố bảo vệ nắm cơm cho đồng đội của mình đã thật sự chạm đến các em, bật lên thành những thổn thức không lời. Hoặc là hình ảnh về những em bé ngồi gọn lỏn trong thúng, đôi mắt ngây ngô mở to trên con đường theo bố mẹ đi sơ tán, hình ảnh về nỗi đau Khâm Thiên năm 1972 khi bị bom Mỹ san phẳng... giúp các em nhận ra bản thân mình may mắn nhường nào khi sinh ra đã không còn chiến tranh.
Điều giản dị nhưng vĩ đại các em đã nhìn ra từ cha ông mình, đó là có đất nước nào như đất nước Việt Nam ta, dẫu vô cùng thân thiện, yêu chuộng hòa bình nhưng nếu như đã buộc phải cầm súng thì không bao giờ cúi đầu khuất phục, dẫu khao khát sống vẫn sẵn sàng “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Sau những buổi học đó, tôi nhận được nhiều bức thư xúc động của các em. Có em tâm sự hôm đó trên lớp mình đang sốt nhưng vẫn cố gắng học vì không muốn bỏ lỡ những kiến thức quý báu về lịch sử. Em kể rằng bản thân em có những lúc thấy mình như người bước trong sương, mơ hồ không biết bản thân là ai và khi ra trường mình sẽ đi con đường như thế nào, nhưng khi xem các tư liệu lịch sử, học về các cuộc chiến đấu đã qua em đã dần dần nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Khi ấy tôi bỗng nhớ lại bài thơ “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và xúc động về sợi dây gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và các thế hệ sinh viên của mình: "Những ai đã khuất/ Những ai bây giờ/ Yêu nhau và sinh con đẻ cái/ Gánh vác phần người đi trước để lại/ Dặn dò con cháu chuyện mai sau/ Hằng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”.
Lịch sử đâu chỉ là những gì đã qua, những cuộc chiến hào hùng đã để lại cho hậu thế chúng ta những bài học quý, để chúng ta nhận thức được thực tại một cách đúng đắn, biết sống sâu sắc trong từng phút giây hiện tại và nắm giữ được tương lai. Tôi nhớ lại nụ cười và lời chia sẻ của một học trò tôi gặp khi vừa bước ra khỏi phòng thí nghiệm: “Em phải thực tập nghiêm túc để có kiến thức sau này còn làm được điều gì đó cho cộng đồng cô ạ”. Lời tâm sự của cậu học trò làm tôi rưng rưng, lòng bỗng ngập tràn niềm tin yêu và hy vọng.