Bài thơ hay về một mùa lại chứa đựng cả bốn mùa
Nguyễn Sĩ Đại sinh năm 1956, quê Hà Tĩnh, công tác ở Báo Nhân dân cho đến lúc nghỉ hưu. Ông là nhà báo, nhà thơ có nhiều thi phẩm được bạn đọc nhớ đến, trong đó có bài thơ 'Mùa hạ'.
Mở đầu bài thơ bằng một khổ 4 câu diễn tả quy luật của thời gian theo kiểu tứ thời như người xưa quan niệm.
Rồi cũng phải đến thôi, mùa hạ
Dẫu tơ non búp lá vẫn bồi hồi
Hoa phượng đỏ, như cái màu phải đỏ
Anh yêu em phải cháy hết mình thôi!
Vậy đó, cái gì đến sẽ phải đến, mùa hạ cũng vậy, không ai, không điều gì ngăn cản nổi, dù hoa lá, cỏ cây còn vương hương sắc mùa xuân nhưng hoa phượng đã thành biểu tượng không thể đảo ngược, đó là quốc vương của hoa trong mùa hạ. Cái sắc đỏ nồng nàn được ví như tình yêu, đã yêu là phải hết mình, cháy hết mình như màu đỏ thắm của hoa.
Vì mùa xuân chưa kịp để nên lời
Chỉ thương mến sẽ sàng giăng trong mắt
Tơ sợi ấy có thể rồi bay mất
Đứt nối cầm tiếc nuối giữa lòng tay.
Ô hay, mới vừa nhắc đến mùa xuân là nhà thơ liên tưởng đến mùa xuân, chưa kịp nói lời giã biệt thì mùa hạ đã vội đến đẩy lùi mọi thứ thành quá khứ, những nhẹ nhàng, tơ nõn giăng mắc phút chốc bỗng trở thành dĩ vãng qua bàn tay nhiệm mầu của vị thần Thời gian hóa phép. Không chỉ hân hoan đón chào mùa hạ, (mà liệu không đón chào có được không?) dù vẫn còn lưu luyến mùa xuân.
Thì cánh hoa cứ rụng xuống đất dày
Để ấp ủ hiện dần lên quả ngọt
Mùa hạ đó, mưa rào và nắng gắt
Ai qua cầu sẽ bước đến mùa thu.
Mới vừa ngoảnh lại nhìn và nhớ về quá khứ mùa xuân chưa kịp lắng đọng nỗi niềm luyến tiếc thì hay chưa, tác giả đưa người đọc từ miền quá khứ thẳng tiến tới tương lai là mùa thu êm đềm, đầy thi vị, chỉ cần bước chân qua cầu là bắt gặp. Một thiên nhiên luôn không ngừng biến đổi và biến hóa hay cảm xúc, nỗi niềm dẫn dắt chúng ta đến với những cung bậc trải nghiệm và khám phá.
Ai qua cầu, thương được hết lòng nhau
Mùa hạ là mùa anh đón đợi
Trăm thương nhớ có lẽ nào sánh nổi
Ngọn lửa nồng ấm áp đã vì nhau.
Chưa kịp trải lòng với mùa thu, người thơ đã vội kéo độc giả về lại với mùa hạ như thể nói: đây mới là nhân vật chính của bài thơ, đây là điều tôi từng khát khao, mong đợi, đừng quên, đừng xao lãng, cho dẫu các mùa kia cũng rất đáng yêu, nhưng hiện tại là mùa hạ, mùa hạ là chủ nhân, là chỉ dấu của đất trời và cảm xúc đấy nhé.
Ngàn hoa ơi, Xuân nhé, hãy lùi sau
Anh đã hứa đời mình cho mùa hạ
Và khi khép hàng mi vào tuyết giá
Biết thầm thì phía trước lại mùa xuân...
Người đọc đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Nhà thơ lại nhắc đến mùa xuân nhưng là để đi tới mùa hạ, là để đón nhận mùa hạ dù biết rằng mùa xuân thiêng liêng và rất đỗi đáng mong chờ. Nhưng, hiện tại vẫn cứ là hiện tại, vẫn hiện sinh trong từng chớp mắt, vậy thì vẫn nên thủy chung với mùa hạ, vẫn phải coi đó là nữ hoàng thời tiết và cảm xúc, không thể nào khác, dù rằng khi đến mùa đông thì hãy thầm thì gọi tên mùa xuân như một tình yêu không thể khước từ.
Bài thơ viết về mùa hạ thì đúng rồi, nhưng không hẳn thế, không chỉ thế, các mùa khác cũng lần lượt xuất hiện, cũng xiêm y là lượt lên sân khấu, dù thời gian không lâu, dù là nhân vật phụ nhưng vẫn để lại ấn tượng rõ nét, vẫn làm nền tôn nhân vật chính là mùa hạ nồng nàn, da diết như một gam màu chủ đạo trong bức tranh bốn mùa bằng thơ. Nói về các mùa khác, nhưng vẫn không quên mùa hạ, đọc lên vẫn không thấy lạc đề, thậm chí không thấy lan man, đó chính là năng lực kết nối và khám phá của nhà thơ. Một bài thơ hay với tứ thơ lạ như "Mùa hạ" của Nguyễn Sĩ Đại đã được nhiều người yêu thơ đồng cảm.