Bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc

Trước sự giao thoa văn hóa diễn ra mạnh mẽ, nhưng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Quan Sơn vẫn gìn giữ và phát huy trang phục truyền thống, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Thi trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quan Sơn tại Lễ hội Mường Xia năm 2025.

Thi trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quan Sơn tại Lễ hội Mường Xia năm 2025.

Sơn Thủy là xã biên giới của huyện Quan Sơn, nơi sinh sống của 4 dân tộc Thái, Mường, Kinh, Mông, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số. Đồng bào dân tộc nơi đây vẫn giữ gìn được nhiều truyền thống văn hóa độc đáo của mình, từ kiến trúc, dân ca, dân vũ, ẩm thực, phong tục tập quán, lễ hội, đặc biệt là trang phục. Để đạt được kết quả này, xã Sơn Thủy đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc giữ gìn trang phục truyền thống của dân tộc mình. Vận động các hộ dân duy trì nghề dệt thổ cẩm tạo ra những bộ trang phục dân tộc và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ để đồng bào dân tộc quảng bá nét đẹp trang phục dân tộc mình. Khuyến khích người dân mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ, tết và các sự kiện chính trị của địa phương.

Bà Lò Thị Thấm, người đam mê với nghề dệt thổ cẩm ở bản Muỗng cho biết: Tôi cảm thấy rất tự hào khi mặc trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc mình. Từ khi còn nhỏ tôi được mẹ truyền nghề và 15 -16 tuổi đã tự tay dệt nên những bộ trang phục truyền thống cho bản thân và một số chị em hàng xóm. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường để quảng bá nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số.

Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Thủy Phạm Thị Hằng cho biết: Hiện, xã Sơn Thủy có khoảng 80 hộ làm nghề dệt thổ cẩm. Đây là điều kiện thuận lợi để xã Sơn Thủy tuyên truyền bà con giữ gìn trang trang phục truyền thống và truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Cùng với xã Sơn Thủy, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quan Sơn đã và đang tích cực chỉ đạo các bản, các khu phố đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có việc gìn giữ trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Quan Sơn luôn quan tâm gìn giữ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, tạo điểm nhấn ấn tượng đối với mỗi người khi đến vùng đất Quan Sơn.

Thi trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quan Sơn tại Lễ hội Mường Xia năm 2025.

Thi trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quan Sơn tại Lễ hội Mường Xia năm 2025.

Để bảo tồn và phát huy trang phục dân tộc truyền thống, huyện Quan Sơn đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc thiểu số huyện Quan Sơn giai đoạn 2024-2030. Phấn đấu đến năm 2025 có 100% giáo viên, học sinh là người dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần; 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan mặc trang phục truyền thống 1 buổi/tuần; có 80% Nhân dân mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ, tết.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của việc gìn giữ và phát huy trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng công tác vận động các tổ chức đoàn thể thành lập tổ hợp tác xã, HTX làm nghề dệt thổ cẩm. Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc thiểu số; tổ chức các hội thi trình diễn, thi tìm hiểu, thuyết trình về trang phục dân tộc thiểu số gắn với các sự kiện, lễ kỷ niệm của đơn vị... Đặc biệt, hằng năm huyện tổ chức Lễ hội Mường Xia đều có phần thi trình diễn trang phục truyền thống thu hút sự quan tâm của đông đảo Nhân dân và du khách.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn Chu Đình Trọng cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nói chung, trang phục dân tộc thiểu số. Ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị trang phục dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt cho bảo tồn trang phục các dân tộc Thái, Mường, Mông; tổ chức tập huấn, trang bị các kiến thức, kỹ năng về bảo tồn trang phục cho công chức văn hóa, cán bộ quản lý, hội phụ nữ các cấp.

Bài và ảnh: Xuân Nguyễn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/bao-ton-trang-phuc-truyen-thong-dan-toc-36367.htm