Bài thơ 'Những cánh đồng mùa thu' vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn 11

Bài thơ 'Những cánh đồng mùa thu' của nhà thơ Bình Nguyên Trang được dùng làm ngữ liệu cho đề thi học sinh giỏi Ngữ văn 11 tỉnh Nam Định.

Gợi ý đáp án Đọc hiểu

Câu 1. Nhân vật trữ tình trong bài thơ: chủ thể ẩn, có thể là tác giả Bình Nguyên Trang.

Câu 2. Từng thời điểm của cánh đồng mùa thu hiện lên trong cảm nhận của nhân vật trữ tình: Khi cánh đồng mùa thu trổ bông: những bông lúa có hình dáng như cầu vồng, vươn lên đầy sức sống. Khi cánh đồng lúa chín: cả cánh đồng ngập tràn sắc vàng, ánh ngời một màu no ấm. Khi cánh đồng lúa vào thời điểm thu hoạch: cánh đồng chìm trong giấc ngủ cô đơn khi hạt lúa theo bàn tay người lao động về nhà; thấm thía những nhọc nhằn, lam lũ của người gieo hạt.

Câu 3. Biện pháp tu từ nhân hóa: cánh đồng cô đơn, ngủ lịm; hạt lúa bồi hồi, phơi mình. Tác dụng: Khắc họa sinh động trạng thái, vẻ đẹp của cánh đồng, hạt lúa, của thiên nhiên trong mùa thu. Cánh đồng, hạt lúa có hành động, tâm trạng, cảm xúc giống như con người trong mùa thu hoạch. Thể hiện tâm trạng bâng khuâng, bồi hồi, xúc động của nhân vật trữ tình trước hình ảnh cánh đồng cô đơn, bị bỏ quên giữa tháng mười; trước hình ảnh hạt thóc vàng phơi mình trên sân trong mùa thu hoạch; cùng nỗi nhọc nhằn, vất vả của những người nông dân. Giúp câu thơ, đoạn thơ trở nên sinh động, giàu hình ảnh, giàu giá trị biểu cảm.

Câu 4. Ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh những cánh đồng mùa thu và tháng mười cứ đến rồi đi trong bài thơ: Những cánh đồng mùa thu (mùa thu hoạch): biểu tượng cho bức tranh thiên nhiên, cuộc sống sinh động; cho thành quả ngọt ngào sau những tháng ngày vất vả, gian lao,... Tháng mười cứ đến rồi đi: biểu tượng cho sự chảy trôi miên viễn của thời gian; cho quy luật bất biến của tạo vật và cuộc sống con người...

Câu 5. Bài học rút ra từ câu thơ "Con chim chào mào ăn rồi nhả hạt": Mỗi người cần có lòng biết ơn, trân trọng công sức lao động của người khác,... Bài học rút ra từ câu thơ "Những bông lúa cầu vồng vươn ngút mắt": Mỗi người cần có ý chí, nghị lực; tinh thần lạc quan để vươn lên, hướng tới ánh sáng của những điều tốt đẹp,… Bài học rút ra từ câu thơ "Lo âu bàn tay đợi hạt vuông tròn": Mỗi người cần có lòng kiên trì, nhẫn nại vượt qua mọi gian nan, vất vả; hi vọng vào những thành quả tốt đẹp phía trước…

Phần Viết

Câu 1. Từ bài thơ "Những cánh đồng mùa thu" của Bình Nguyên Trang, hãy kết nối với cuộc sống và viết bài văn nghị luận với chủ đề: Niềm giao cảm.

* Giải thích: Giao cảm: là gắn kết, giao hòa về tâm hồn, cảm xúc. Niềm giao cảm trong cuộc sống: là sự gắn kết, giao hòa giữa con người với con người, giữa thiên nhiên với thiên nhiên và giữa con người với vạn vật, đất trời.

* Bàn luận: Niềm giao cảm biểu hiện như thế nào trong cuộc sống? Niềm giao cảm giữa con người với con người, con người với chính mình: sự đồng điệu, yêu thương, cảm thông, chia sẻ;... Niềm giao cảm giữa con người với thiên nhiên: tình yêu thiên nhiên, cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, trân trọng và bảo vệ thiên nhiên,... Niềm giao cảm giữa thiên nhiên với thiên nhiên: sự giao hòa của vạn vật thiên nhiên tạo nên những khung cảnh đẹp, góp phần làm đẹp cho cuộc đời, cho con người...

Vì sao cần có niềm giao cảm trong cuộc sống? Niềm giao cảm với chính mình, với mọi người xung quanh cần thiết để mỗi người biết lắng nghe, thấu hiểu, yêu thương, trân trọng và chia sẻ; mang lại sự sống, chữa lành những vết thương tinh thần cho con người; nuôi dưỡng, làm giàu có tâm hồn con người,....

Niềm giao cảm giữa con người với thiên nhiên để rung động, để trải nghiệm, cảm nhận vẻ đẹp phong phú, kì diệu của thiên nhiên, cuộc sống,… Niềm giao cảm tạo nên những kết nối đẹp cho con người, cho thiên nhiên, vạn vật; từ đó, mang đến những giá trị đẹp đẽ cho cuộc đời, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội…

Làm thế nào để có niềm giao cảm? Mở rộng tâm hồn; biết lắng nghe, cảm nhận; có cái nhìn thấu tỏ về mọi điều xung quanh;…

* Bàn bạc, mở rộng: Giao cảm không có nghĩa là mơ mộng viển vông, xa rời thực tế; giao cảm không chỉ là trạng thái tinh thần mơ hồ mà cần cụ thể hóa trong những hành động, việc làm cụ thể, có ý nghĩa,… Phê phán những người sống vô cảm; thiếu sự kết nối với thiên nhiên, cuộc sống, con người; ứng xử thô bạo với thiên nhiên, con người...

* Bài học nhận thức, hành động: Mỗi người cần biết thấu hiểu, trân trọng chính mình, trân trọng mọi người và vạn vật, thiên nhiên trong cuộc sống xung quanh. Trau dồi những tình cảm đẹp đẽ, làm giàu có hơn cho đời sống tâm hồn mình. Biến những giao cảm đẹp đẽ trong tâm hồn thành những lời nói, hành động, việc làm có ý nghĩa.

Câu 2. Bàn về thơ, Xuân Diệu cho rằng: "Thơ hay, lời thơ chín đỏ trong cảm xúc". Hãy kết nối với bài thơ "Những cánh đồng mùa thu" để lắng nghe những cảm xúc chín đỏ mà chủ thể trữ tình bộc lộ trong tác phẩm.

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận - lắng nghe cảm xúc chín đỏ của chủ thể trữ tình trong bài thơ Những cánh đồng mùa thu.

* Giải thích vấn đề nghị luận: Cảm xúc chín đỏ là những rung động, những cung bậc tình cảm, tâm trạng đạt đến độ mãnh liệt, nồng cháy của con người nói chung và của người nghệ sĩ nói riêng.

Ý kiến của nhà thơ Xuân Diệu đã nêu lên tiêu chí đánh giá một bài thơ hay – lời thơ phải chứa đựng những tình cảm, cảm xúc chân thành, mãnh liệt của người nghệ sĩ với vạn vật, con người và cuộc sống.

Những cánh đồng mùa thu là một bài thơ như thế khi chứa đựng những cảm xúc chín đỏ, dạt dào của chủ thể trữ tình với cánh đồng mùa thu, với những người nông dân lam lũ, tảo tần; cũng là với thiên nhiên, cuộc sống xung quanh.

* Triển khai vấn đề nghị luận: Lắng nghe những cảm xúc chín đỏ của chủ thể trữ tình trong bài thơ Cánh đồng mùa thu:

- Những cảm xúc chín đỏ trong lời thơ: Niềm vui mừng, mong ngóng, hồi hộp xen lẫn âu lo của chủ thể trữ tình khi ngắm nhìn những cánh đồng lúa trổ bông với những bông lúa cầu vồng vươn ngút mắt hứa hẹn một vụ mùa bội thu những hạt vuông tròn.

+ Niềm vui sướng, hạnh phúc, ngập tràn hi vọng của chủ thể trữ tình khi nhìn cánh đồng lúa chín vàng hơn mỗi hoàng hôn, báo hiệu một mùa no ấm hòa trong màu trời đất sẽ đến. Đó là dự cảm, ước vọng về một cuộc sống bình yên, no đủ ngọt lòng như mật đến với con người, với quê hương.

+ Niềm bâng khuâng, xúc động, bồi hồi của chủ thể trữ tình khi ngắm nhìn cánh đồng lúa sau mùa thu hoạch cánh đồng cô đơn ngủ lịm giữa tháng mười; nỗi thấm thía và suy ngẫm về thành quả lao động mà người gieo trồng đạt được từ những vất vả, nhọc nhằn: hạt lúa bồi hồi phơi mình trên sân gạch, kể về tháng ngày xa cùng những nỗi nhọc nhằn.

+ Niềm trân trọng, biết ơn dành cho những người lao động đã dành cả cuộc đời mình để tạo nên những cánh đồng mùa thu, tạo nên những vụ mùa no ấm cho quê hương, đất nước; niềm cảm thương, trăn trở, thấu hiểu, âu lo trước những lo toan và tất bật của người gieo hạt; về sự cô đơn góa bụa của những cánh đồng khi mùa thu hoạch đã xong.

- Những cảm xúc chín đỏ ấy thể hiện qua hình thức nghệ thuật độc đáo (1,0 điểm): cấu tứ, hình tượng thơ độc đáo; thể thơ tự do với cách ngắt nhịp linh hoạt; ngôn ngữ tinh tế kết tinh thành các biện pháp tu từ gợi cảm như nhân hóa, so sánh, ẩn dụ,... giàu hình ảnh và cảm xúc; hệ thống hình ảnh phong phú, đa dạng và giàu chất sống; giọng điệu nhẹ nhàng, trầm tĩnh, ưu tư, giàu chiêm nghiệm và cảm xúc;...

* Đánh giá vấn đề nghị luận: Cảm xúc là yếu tố quan trọng của thơ ca, mức độ chân thành, sâu sắc, mãnh liệt của cảm xúc là thước đo giá trị của một bài thơ hay.

"Những cánh đồng mùa thu" của Bình Nguyên Trang xứng đáng là một bài thơ hay khi: Thể hiện chân thực, xúc động, sâu sắc những cảm nhận tinh tế của chủ thể trữ tình khi đứng trước cánh đồng mùa gặt; thấm thía về nỗi nhọc nhằn của người gieo hạt trên cánh đồng; về sự đến rồi đi của thời gian và sự bao la của không gian;… Cảm xúc ấy góp phần làm nên sự hấp dẫn của hình tượng, giá trị của bài thơ, đồng thời khẳng định phong cách nghệ thuật của nhà thơ.

* Bài học cho sáng tác và tiếp nhận: Với người sáng tác: cần có những rung động, tình cảm chân thành, sâu sắc, mãnh liệt để làm nên những vần thơ hay, thực sự chạm đến trái tim và làm nảy nở những xúc cảm thẩm mĩ cao đẹp nơi người đọc.

Với người tiếp nhận: Cần mở rộng tâm hồn khi tiếp nhận tác phẩm để cảm nhận được những rung động cảm xúc của nhà thơ, cái hay cái đẹp của lời thơ và biết tự nuôi dưỡng, vun đắp những tình cảm đẹp đẽ trong lòng mình, đồng sáng tạo với tác giả, nối dài sự sống cho tác phẩm.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/bai-tho-nhung-canh-dong-mua-thu-vao-de-thi-hoc-sinh-gioi-ngu-van-11-179240825073752286.htm