Baltic có thành hồ của NATO?

Một số nhà lãnh đạo phương Tây cho rằng biển Baltic có thể trở thành 'hồ NATO' sau khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Nga triển khai tên lửa chiến thuật Iskander-M tại Kaliningrad.

Nga triển khai tên lửa chiến thuật Iskander-M tại Kaliningrad.

Từng bước của NATO

Động thái này tạo ra những rủi ro an ninh nghiêm trọng, Mikael Valtersson, cựu sĩ quan Lực lượng Vũ trang Thụy Điển, nói với hãng thông tấn TASS.

NATO đang trên đà leo thang hơn nữa sau khi thu hút Phần Lan và Thụy Điển vì Nga sẽ không đứng nhìn khi liên minh quân sự cố gắng ngăn chặn việc họ tiếp cận Biển Baltic.

Sĩ quan Valtersson nói: "Mục tiêu chính của NATO ở Biển Baltic là giữ cho các tuyến đường biển và đường hàng không mở cho Phần Lan và các nước Baltic trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga.

Một mục tiêu quan trọng khác cần thực hiện là ngăn chặn Nga tiếp cận Biển Baltic trong trường hợp xảy ra xung đột. Điều này sẽ khiến tình hình khu vực Kaliningrad của Nga trở nên rất khó khăn nếu xảy ra xung đột".

Căng thẳng xung quanh vùng Baltic đã leo thang đều đặn, do sự mở rộng của NATO kể từ khi Liên Xô và Hiệp ước Warsaw sụp đổ.

Ba Lan nằm dưới sự bảo trợ của liên minh này vào năm 1999, sau đó là Estonia, Latvia và Lithuania gia nhập NATO vào năm 2004.

Cựu quân nhân Thụy Điển nhấn mạnh, sau khi Phần Lan và Thụy Điển trung lập trước đây gia nhập liên minh, Biển Baltic về nguyên tắc đã trở thành 'biển NATO' ngoại trừ hai bờ biển ngắn của Nga.

Lựa chọn duy nhất

Moscow không có lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả việc NATO tiến gần hơn tới biên giới của mình bằng cách tăng cường phòng thủ ở các khu vực phía tây bắc.

Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.340 km (830 dặm) với Nga, khiến vấn đề trở nên đặc biệt nhạy cảm đối với cả hai quốc gia.

Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Pavel Zarubin vào tháng 12/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin lưu ý rằng Moscow đã hồi sinh Quân khu Leningrad và bắt đầu tập trung các đơn vị quân sự ở đó.

Valtersson giải thích: "Việc mở rộng NATO với việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan làm thành viên rõ ràng đã làm gia tăng mối lo ngại về an ninh của Nga.

Vấn đề chính là tư cách thành viên của Phần Lan trong NATO, vì nước này nằm gần các cơ sở hải quân tại Bán đảo Kola, các tuyến đường vận chuyển đến Bán đảo Kola và St. Petersburg.

Điều này phải dẫn đến việc Nga tăng cường rõ ràng các lực lượng quân sự dọc biên giới với Phần Lan".

Vị chuyên gia quân sự tiếp tục: "Về lâu dài, một số hệ thống quân sự phải được triển khai.

Trước hết, một lượng lớn lực lượng phòng không, đặc biệt là tầm xa, phải được triển khai để vừa bảo vệ lãnh thổ Nga vừa để giảm đáng kể khả năng của NATO trong việc sử dụng không phận Phần Lan và giảm việc sử dụng các phương tiện vận tải hàng không qua Biển Baltic tới các quốc gia Baltic".

Theo Valtersson, một mục tiêu quan trọng khác của Nga là phát triển các phương pháp nhằm hạn chế NATO tiếp cận các tuyến đường biển ở Biển Baltic. Ông gợi ý rằng các công nghệ mới như máy bay không người lái trên biển có thể được sử dụng cho mục đích đó.

Cựu quân nhân Thụy Điển nói thêm rằng trụ cột thứ ba của hệ thống phòng thủ Nga sẽ là vũ khí tầm xa, có thể đặt trọn các mục tiêu mặt đất quan trọng ở Phần Lan và các nước vùng Baltic, đặc biệt là các kho vũ khí, trong tầm ngắm.

Valtersson nhận xét: "Vấn đề quan trọng tiếp theo cần giải quyết là tình hình bấp bênh trong việc cung cấp cho Kaliningrad của Nga. Điều này có lẽ phải được giải quyết bằng cách dự trữ một lượng lớn tài nguyên để khu vực này có thể chịu được sự cô lập trong vài tháng".

Ông kết luận: "Vấn đề cuối cùng cần giải quyết là bảo vệ lãnh thổ Nga khỏi các cuộc tấn công trên bộ. Để thành công trong việc này, một số lượng lớn các đơn vị mặt đất phải được triển khai dọc biên giới với Phần Lan và các nước vùng Baltic.

Các công sự như những công sự đã rất thành công ở khu vực Zaporozhye vào mùa hè năm ngoái cũng phải được thiết lập, ít nhất là tại các điểm đặc biệt quan trọng về phòng thủ".

Theo cựu chiến binh, sau sự mở rộng của NATO ở Biển Baltic và phản ứng sau đó của Nga, khu vực này sẽ được quân sự hóa mạnh mẽ trong vòng 5 đến 10 năm tới.

Ông không loại trừ khả năng liên minh sử dụng lực đẩy phòng thủ của Nga để biện minh cho việc leo thang hơn nữa và nâng cao nguy cơ - vốn đầy rủi ro nghiêm trọng.

Tệ hơn nữa, vụ tấn công phá hoại Dòng chảy phương Bắc - mà theo nhà báo Seymour Hersh từng đoạt giải Pulitzer, do Mỹ và Na Uy thực hiện - đã đặt ra câu hỏi về việc phương Tây chuẩn bị đi bao xa trong việc theo đuổi mục tiêu địa chính trị của mình và các mục tiêu kinh tế ở khu vực Baltic.

Sĩ quan Valtersson kết luận: "Cuộc tấn công vào đường ống Nord Stream cho thấy sự đạo đức giả của các nước NATO.

Một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng của một quốc gia bởi một quốc gia khác là một hành động chiến tranh và sẽ dẫn đến phản ứng gay gắt và truy tìm thủ phạm của bên bị tấn công".

Kiên Bùi

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/baltic-co-thanh-ho-cua-nato-post676454.html