Bám sát tình hình, có giải pháp linh hoạt và hiệu quả với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ
ĐTO - Ngày 2/4/2025 (giờ Hoa Kỳ), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp, áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả các đối tác thương mại từ ngày 5/4/2025; áp các mức thuế đối ứng riêng lẻ đối với một loạt các quốc gia khác từ ngày 9/4/2025, trong đó, có áp thuế 46% đối với Việt Nam. Chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ tác động sâu rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều quốc gia, nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam; gây băn khoăn, lo lắng, phản ứng trong giới đầu tư, sản xuất, kinh doanh... Nhiều quốc gia công bố áp mức thuế trả đũa, manh nha cho cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Người lao động ngành may mặc có việc làm và thu nhập ổn định
Chủ động và linh hoạt ứng phó
Ngày 9/4/2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng 90 ngày và giảm thuế suất xuống 10% với các quốc gia, nền kinh tế trừ Trung Quốc, những diễn biến “chưa từng có”, khó lường, tác động không thuận đến sự phát triển kinh tế, thương mại toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam.
Ngay sau khi chính quyền Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới, đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc điện đàm trao đổi với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về quan hệ hai nước, thể hiện sẵn sàng cùng Hoa Kỳ đàm phán về mức thuế áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng như hàng hóa từ Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ vì lợi ích của hai nước, doanh nghiệp và Nhân dân hai nước; đồng thời cử đặc phái viên của Tổng Bí thư sang trao đổi với đối tác Hoa Kỳ.
Chính phủ đã cử đoàn đàm phán sang Hoa Kỳ để tiếp tục trao đổi, thảo luận; thành lập tổ công tác tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ; thường xuyên tổ chức các cuộc làm việc để nghiên cứu, đánh giá, tìm phương hướng giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan...
Trước đó, ngày 24/1/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới” đã xác định rõ đường lối, chủ trương, quan điểm và các nhiệm vụ, giải pháp về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Ngay trong ngày 3/4/2025, đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế”, khẳng định: “Sự ra đời của Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới” là “quyết sách đột phá”, đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong quá trình hội nhập của đất nước với việc định vị hội nhập quốc tế là động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Sau khi Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII được ban hành, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở đã cụ thể hóa, tổ chức triển khai đồng bộ, nhất quán, khẩn trương và quyết liệt.
Để tích cực triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế, thích ứng linh hoạt, xử lý hiệu quả các thách thức toàn cầu đang đặt ra, đặc biệt là chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ với Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại, các nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; trong thời gian qua, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư và lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước ta đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp ứng phó chủ động, linh hoạt, hiệu quả trước chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ và các quốc gia trên thế giới, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, sự an tâm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.
Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã và đang tích cực triển khai các giải pháp để đàm phán và giải quyết vấn đề cả trước mắt (tích cực triển khai đàm phán, xử lý những vấn đề mang tính kỹ thuật...) và lâu dài (xây dựng chính sách đầu tư, thương mại, tài chính, tiền tệ, tài khóa... phù hợp, linh hoạt và có khả năng thích ứng cao với sự biến động của kinh tế thế giới).
Song song đó, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp theo đúng quy định, cam kết quốc tế để hỗ trợ, bảo đảm quyền, lợi ích của doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp, trao đổi với Hoa Kỳ trên tinh thần xây dựng và hợp tác để tìm các giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương, hướng đến thương mại công bằng, bền vững và hài hòa lợi ích của cả hai bên; đáp ứng lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước để doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm là Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn bên cạnh doanh nghiệp trong những lúc khó khăn, không đứng ngoài; luôn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và người dân.
Quyết liệt thực hiện các giải pháp
Chính phủ đã nhận định, đánh giá những kết quả tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong quý I năm 2025; cùng với sự quyết liệt trong việc triển khai các giải pháp về hoàn thiện thể chế theo hướng kiến tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính... Đây là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng; nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước; tập trung khai thác các thị trường khác trong khu vực và trên thế giới cũng như thị trường trong nước.
Đảng và Nhà nước ta đang tập trung triển khai thực hiện các hoạt động thương mại, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất nhập khẩu, nhất là việc thực hiện 17 Hiệp định Thương mại tự do với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; 70 cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương; đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA với các thị trường mới Trung Đông, Mỹ Latinh, Trung Á và các thị trường mới nổi khác. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại; cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam. Hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đảm bảo sự thích nghi với thị trường và xu hướng phát triển. Doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm; đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường của các thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh và giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại...
Tích cực triển khai thực hiện linh hoạt Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới” và bài viết “Vươn mình hội nhập quốc tế” của Tổng Bí thư Tô Lâm; thực hiện tốt quan điểm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa, khai thác thị trường, tài nguyên trong nước. Tích cực thực hiện các chủ trương và giải pháp phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng hàng đầu, thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người lao động.
Tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 8% trở lên năm 2025; đẩy mạnh triển khai các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng trọng điểm quốc gia; việc giải ngân đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng. Tập trung thực hiện việc xóa nhà tạm, nhà dột nát và xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội để đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt là chú trọng tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước...
Song song đó, toàn hệ thống chính trị đã và đang tập trung thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện và sắp xếp cấp xã theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả. Đồng thời, chủ động đấu tranh, phản bác có hiệu quả các luận điệu xuyên tạc, thông tin sai lệch, bình luận tiêu cực, kích động, chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội... góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.