Bám sát yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu xã hội
Quá trình tuyển sinh, đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tại tỉnh Thanh Hóa đã tìm hiểu, bám sát nhu cầu thị trường lao động và việc làm, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp. Qua đó, học viên sớm làm quen với môi trường làm việc thực tế, phát triển toàn diện kỹ năng nghề, doanh nghiệp không phải đào tạo lại, nhà trường cũng ngày càng hoàn thiện chương trình đào tạo...
Hiệu quả từ liên kết đào tạo
Từ năm 2007, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa đã liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo nghề cho học viên. Hiện nay, nhà trường đang liên kết với hơn 40 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, giúp học viên có cơ hội trải nghiệm môi trường làm việc thực tế trong quá trình học. Trước khi tốt nghiệp, học viên được thực tập 3 tháng trên dây chuyền máy móc hiện đại của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) uy tín; được doanh nghiệp hỗ trợ chi phí từ 5 đến 12 triệu đồng/người/tháng, tùy từng ngành nghề. Qua đó, học viên có thêm động lực học tập và quan trọng hơn là phát triển, nâng cao kỹ năng nghề, tác phong công nghiệp, kỹ năng làm việc theo nhóm...
Việc liên kết với doanh nghiệp cũng là thước đo về khả năng đào tạo của nhà trường. Theo đó, nhà trường sẽ nhận được những phản hồi, góp ý của doanh nghiệp cho chương trình đào tạo. Không riêng Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa, hầu hết các cơ sở GDNN tại tỉnh Thanh Hóa đều đã liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm cho học viên sau tốt nghiệp. Điển hình như Trường Cao đẳng Nghề Nghi Sơn ký kết đào tạo công nhân may thời trang, sửa chữa thiết bị may với Nhà máy May xuất khẩu Như Thanh; đào tạo công nhân điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, hàn với Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất; Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn ký kết các hợp đồng thực hành, thực tập và bố trí việc làm cho học viên tốt nghiệp nghề may thời trang với Công ty Cổ phần May Winner Vina...
TS Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa cho biết: “Liên kết với doanh nghiệp để đào tạo là yêu cầu tất yếu, khách quan, xuất phát từ lợi ích của hai phía, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Công tác tuyển sinh, đào tạo của nhà trường được đổi mới và phát triển, dần chuyển từ hướng “cung” sang “cầu”. Một số bất cập như: Khoảng cách giữa trình độ tay nghề của học viên mới ra trường và yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động; doanh nghiệp phải mất thời gian, chi phí đào tạo, tập huấn lại... đã được giải quyết”.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đánh giá: “Các cơ sở GDNN và doanh nghiệp liên kết với nhau bằng nhiều hình thức: Phối hợp xây dựng chương trình đào tạo; sử dụng thiết bị của doanh nghiệp để dạy thực hành; hỗ trợ giáo viên là cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, thợ lành nghề... giúp nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, học viên nhanh chóng hòa nhập với thị trường lao động sau khi tốt nghiệp. Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động đặt hàng và đồng hành với nhà trường ngay trong chương trình đào tạo để sát với yêu cầu thực tiễn”.
Một số hạn chế cần tháo gỡ
Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng việc liên kết đào tạo trong GDNN vẫn còn không ít hạn chế cần khắc phục. Theo ông Nguyễn Quang Huy: "Mặc dù Khoản 8 Điều 52 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định: Doanh nghiệp "chỉ được sử dụng lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với những nghề trong danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định", tuy nhiên, thông tư về danh mục nghề cũng như quy định cụ thể về trách nhiệm thực hiện của doanh nghiệp vẫn chưa được ban hành nên việc thực hiện chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về trách nhiệm xã hội trong tham gia hoạt động GDNN. Hiện tại, doanh nghiệp mới chỉ tham gia cùng nhà trường trong thời gian học viên thực tập tại doanh nghiệp hoặc kiểm tra tay nghề khi tuyển dụng, còn việc tham gia xây dựng chương trình và giảng dạy còn hạn chế".
TS Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm: “Việc tổ chức lấy ý kiến chuyên gia và người sử dụng lao động tuy có thực hiện, nhưng phạm vi chưa rộng, chưa sâu nên nội dung, chương trình đào tạo chưa thật sự sát với nhu cầu của người sử dụng lao động. Do chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền lợi nên sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa được thường xuyên, chặt chẽ, nhất là sự liên kết trong việc xác định nhu cầu đào tạo, hỗ trợ đào tạo và thực tập, tham quan thực tế. Việc nắm bắt tình hình việc làm của học viên khi ra trường chưa đầy đủ, độ tin cậy chưa cao và khó thực hiện. Chính vì vậy, nhà trường vẫn chủ yếu đào tạo theo khả năng “cung” của mình chứ chưa thật sự đào tạo theo “cầu” của xã hội”. Cũng theo TS Nguyễn Văn Hùng, để “đào tạo những gì xã hội cần chứ không phải đào tạo những gì mà mình có” thì ngoài nỗ lực của nhà trường, doanh nghiệp cần căn cứ vào nhu cầu thực tiễn, từ đó xây dựng một danh mục các kỹ năng, kiến thức cần đào tạo gửi nhà trường để xây dựng chương trình đào tạo. Doanh nghiệp cũng nên thành lập trung tâm đào tạo tại chỗ, nhận học viên về đào tạo và thực tập để học viên có điều kiện tích lũy kinh nghiệm làm việc thực tế.
Giai đoạn 2021-2025, các cơ sở GDNN tại tỉnh Thanh Hóa dự kiến tuyển sinh đào tạo 415.000 người (cao đẳng: 22.000 người; trung cấp 42.700 người; sơ cấp 145.700 người, còn lại là đào tạo dưới 3 tháng), tập trung vào một số ngành, nghề mũi nhọn như: Điện-điện tử-điện lạnh; công nghệ ô tô; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao; tuyển sinh đào tạo một số nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu, như: Bảo vệ môi trường công nghiệp; xử lý rác thải; xử lý nước thải công nghiệp; gia công và lắp dựng kết cấu thép.