Bám trụ cùng cây cà phê
Khi nhiều người dân A Lưới quay lưng phá bỏ cây cà phê vì nông trường phá sản, ông Lê Như Tự là một trong số ít quyết giữ lại diện tích vùng trồng. Bởi ông tin, nó sẽ là cây đưa gia đình mình vươn lên làm giàu.

Cán bộ xã Quảng Nhâm cùng ông Tự thăm vườn cà phê
Đặt cược niềm tin
Chúng tôi đứng trên mỏm đồi của thôn A Hươr Pa E (Quảng Nhâm) phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh và hít hà hương hoa cà phê ngọt thơm nồng nàn nắng gió. Ngước lên cao là tầng của chuối, dưới nữa là hàng cà phê và cuối cùng là thảm cỏ xanh. “Niềm tin, thanh xuân, mồ hôi, cuộc đời của tôi đặt cược hết ở đây”, ông Tự bắt đầu câu chuyện về hành trình không rời bỏ mục tiêu của mình.
Năm 1996, cà phê được trồng thí điểm tại huyện A Lưới, phát triển rầm rộ lên gần 900ha, đưa nơi này thành vùng trọng điểm cà phê miền Trung một thời. Từ Đắk Lắk, ông Tự đưa gia đình ra Nhâm (nay là Quảng Nhâm) theo lời vận động phát triển vùng chuyên canh quy mô ở A Lưới. Cuối năm 2010, công ty mẹ ngừng đầu tư vì thua lỗ, Nông trường cà phê A Lưới phá sản, để lại diện tích lớn cây trồng hoang tàn. Vài năm sau, đồng loạt người dân phá bỏ loài cây nhiệt đới này, quay lại trồng sắn, keo tràm. Cuối cùng, toàn huyện chỉ còn 8 hộ với 12ha cà phê Arabica Catimor hay còn gọi là cà phê chè.
Năm 2016, ông Lê Như Tự mua lại 3,5ha cà phê sau khi tòa án kê biên, bán đấu giá tài sản nông trường. Lúc này, cà phê đang ở giai đoạn thoái trào, ai nấy đều quay lưng vì thấm thía vị đắng cây trồng này. “Từng là dân trồng cà phê, nếu bỏ đi thì biết làm nghề gì; ăn ở với nó hàng chục năm, mình thuộc hết “tính nết” của cà phê. Chăm sóc tốt, nó sẽ cho trái”, người cựu binh gốc Thanh Hóa bộc bạch.
Sống cùng loài cây nhiệt đới lâu năm này, ông kể vanh vách quy trình chăm sóc cà phê chè A Lưới. Vùng đồi núi Quảng Nhâm có độ cao 800-1.000m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ thích hợp với cây cà phê. Khác với Tây Nguyên, trồng cà phê ở A Lưới không phải tưới tắm nhiều, tuy nhiên, thời gian thu hoạch sẽ kéo dài bởi loại cây này phụ thuộc vào thời tiết. Một trận mưa có thể khiến cây nở nhiều hoa, nếu có mưa vào tháng Sáu, thời gian thu hoạch sẽ kéo dài hơn; bù lại, cà phê rất ngon.
Thời điểm Nông trường cà phê A Lưới mới thành lập, các chuyên gia phân tích chất đất, công nhận rằng khí hậu ở đây khá thuận lợi, chất lượng cà phê rất tốt. Gần 20 năm trước, theo chân đoàn chuyên gia nước ngoài nghiên cứu, tìm hiểu, chúng tôi từng nghe nhiều lời ngợi khen về cà phê chè A Lưới. Có vị tiến sĩ đã đánh giá Arabica Catimor trên vùng đất này là một trong ba loại cà phê ngon nhất Việt Nam.
Trồng cà phê cần nguồn vốn đầu tư lớn, đó là một thách thức với đồng bào vùng cao khi nguồn lực không có nhiều. Ông Tự chia sẻ: “1ha cà phê cần 8 tạ phân bón, tương đương 12 triệu đồng một vụ. Đó mới chỉ là phần cứng, đến khi làm cỏ, làm mầm, thu hái quả phải thuê thêm nhân công. Làm cà phê vất vả không kém, đến mùa thu hoạch phải thức khuya dậy sớm kiểm tra chất lượng, xay tách nhân, ra suối đãi sạch rồi gửi về Huế cho công ty thu mua”.

Ông Tự bên vườn ươm cây giống cà phê cho đối tác
Với giá cà phê hiện tại, mỗi năm trừ các chi phí, gia đình người cựu chiến binh này thu về trên dưới 150 triệu đồng. Trong tổng diện tích 3,5ha cà phê, ông Tự tái canh khoảng chừng 1,5ha; đợi cây có trái bói, bắt đầu có thu sẽ tái canh dần. Đúc rút kinh nghiệm, ông xen canh trồng chuối ba lùn, tiêu hồng; mỗi năm bán được vài tấn chuối, bù tiền phân và công chăm sóc trở lại cho cây trồng chủ lực trên đồi.
Để nhân rộng mô hình, cần đảm bảo đầu ra cho sản phẩm
Cà phê Arabica nhà ông Tự có vị chua nhẹ, vị ngọt thanh, độ a xít cân bằng. Mấy năm trở lại đây, một công ty ở Huế bao tiêu đầu ra toàn bộ diện tích cà phê nhà ông Tự để sản xuất sản phẩm thương hiệu Greenfields Coffee. Công ty yêu cầu cà phê thu hái phải có từ 92% - 95% quả chín tự nhiên, số còn lại là quả vàng đỏ, không có quả xanh. Sản phẩm đạt tiêu chí này sẽ cho ra loại cà phê hảo hạng nhất.
Nhấn mạnh chất lượng thu hoạch, ông Tự dẫn chứng ở Tây Nguyên, người ta đã thử nghiệm để so sánh. Một cân cà phê chín khoảng 860 - 880 quả giá 10.000 đồng/kg; còn một cân cà phê xanh tầm 1.250 quả, giá 8.500 đồng/kg, hái số trái nhiều hơn, chất lượng lại giảm, chưa kể vài ngày sau còn phải thu hái lượt chín kế tiếp… Nhằm đảm bảo cà phê đạt độ chín chuẩn theo yêu cầu đối tác, ông thuê nhân công hái giá 4.000 đồng/1kg cà phê tươi. Người siêng năng có thể thu nhập mỗi ngày từ 200.000 - 250.000 đồng. “Giờ đây trồng trọt phải hướng đến năng suất, chất lượng cao chứ không thể bán xô, bán rẻ như trước. Vườn tôi đang tái canh dần là vì vậy. Người nông dân cần đầu tư vào kỹ thuật, chăm sóc thì mới có thể làm giàu từ cây này được”, ông Tự khẳng định.
Tháng 9 đến tháng 12 hàng năm là mùa thu hoạch cà phê. Thời điểm này, người trồng lẫn người làm thuê tuy mệt nhưng ai nấy đều vui. Vườn từng đón nhiều vị khách trong, ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Ông Tự khoe: “Có hai vợ chồng người Pháp uống cà phê dưới Huế xong tìm lên tận nơi gặp tôi, chụp ảnh. Người ta bảo rất thích hương vị cà phê Arabica A Lưới. Hôm rồi có mấy người Hàn Quốc đến tìm hiểu. Một anh người Hà Nội chuyên nghiên cứu cà phê cũng nghe tiếng lặn lội lên thăm thú, hỏi han, ghi chép. Sau bao năm, cà phê A Lưới tỏa hương thật sự rồi!”.
Nhìn lại các loại cây trồng được thử nghiệm suốt thời gian qua ở A Lưới, cà phê vẫn khẳng định thế mạnh và sức sống bền vững trên mảnh đất vùng cao này. Hiện ông Tự đang nhận tư vấn, gầy dựng vườn cà phê khoảng 5.000 cây giống cho một homestay quy mô ở xã Hồng Kim. Chủ homestay này cho hay, anh muốn thay đổi cảnh quan, đồng thời ấp ủ ý tưởng hình thành một hệ sinh thái cà phê A Lưới phục vụ du lịch bao gồm trải nghiệm vườn, thu hoạch, chế biến, thưởng thức và làm các sản phẩm tái sinh từ quả cà phê.
Trước tết Ất Tỵ, các cơ quan chuyên môn và lãnh đạo địa phương đã đến nhà ông Tự thăm, xem xét nhân rộng mô hình trồng cà phê chất lượng cao ở Quảng Nhâm. Ông Văn Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện A Lưới khi đó cho rằng, cà phê A Lưới từ lâu được đánh giá thơm ngon có tiếng. Để nhân rộng mô hình này, cần đảm bảo đầu ra cho sản phẩm mới tạo động lực và niềm tin cho bà con.
Theo ông Tự, ban đầu có thể thí điểm nhân rộng mỗi hộ một vài sào. “Tôi sẵn sàng hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật, thậm chí thu mua sản phẩm đầu ra cho bà con. Nếu chăm sóc đúng cách, tầm 1-2 sào đã thu được cả tấn quả, tạo nên nguồn thu nhập bền vững cho cộng đồng. Từ đó, sẽ dần định hình được vùng chuyên canh cây cà phê, tạo nên sản phẩm đặc thù cho nông nghiệp A Lưới”, người cựu binh giàu kinh nghiệm nói.
Khi nhắc về gương mặt tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới vẫn không giấu được niềm tự hào: “Ông Tự là người có tầm nhìn trong làm nông nghiệp. Việc xen canh chuối, cam, bưởi quanh vườn cũng là một lợi thế gia tăng nguồn thu, linh hoạt trong sản xuất. Vùng cao này cần vài người như ông để tạo động lực thúc đẩy, nhân rộng mô hình kinh tế bền vững”.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/bam-tru-cung-cay-ca-phe-152236.html