Bàn cách để doanh nghiệp tiếp cận được vốn
Doanh nghiệp đang khát vốn. Tuy nhiên nếu ngân hàng chỉ giảm lãi suất mà không có giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp thì nguồn tín dụng cũng khó chảy vào sản xuất, kinh doanh.
DN kêu khó tiếp cận vốn ngân hàng
Cộng đồng doanh nghiệp (DN) tiếp tục lên tiếng về lãi suất cao, khó tiếp cận vốn ngân hàng. Ông Phùng Quang Phúc - Giám đốc công ty Thiết bị điện Hùng Vương (TP Thủ Đức) cho biết DN không có đơn hàng, không có doanh thu. Khách hàng của DN cũng chịu chung tình cảnh khiến DN bị kéo dài công nợ. Trong khi đó, lãi suất lại tăng cao khiến DN khó càng thêm khó.
Ông Nguyễn Văn Đề - Tổng Giám đốc công ty SofaVina hoạt động ở lĩnh vực sản xuất nội thất cho biết, vẫn còn nhiều rào cản về room tín dụng cho DN. Đồng thời, dù là một DN thường xuyên tìm hiểu, tiếp cận vốn ngân hàng nhưng DN của ông Đề chưa từng tiếp cận được bất kỳ gói lãi suất ưu đãi nào cho DN sản xuất.
“Chúng tôi không được hướng dẫn vay ở đâu, điều kiện thế nào. Khi hỏi tới ngân hàng thì họ đều báo không còn tiền. Hàng tháng DN của tôi còn phải trả lương cho hàng trăm công nhân nên rất mong sẽ có sự hỗ trợ từ ngân hàng để DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại” - ông Đề nói.
Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean kiêm Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho rằng, khó khăn lớn nhất của các DN dệt may hiện nay là dòng tiền. Các DN này đang bị vướng hàng tồn kho cả đầu vào và đầu ra, nguyên nhân là do thị trường xuất khẩu giảm sức mua, đơn hàng phục hồi chậm.
Trong khi đó, họ lại phải đối diện với các khoản vay nợ cũ đã đến hạn, nếu không có tiền để trả nợ thì nhiều DN sẽ bị chuyển sang nhóm nợ xấu, dẫn tới càng khó tiếp cận vốn vay hơn. Ông Việt mong muốn NHNN Việt Nam cũng như các ngân hàng thương mại giữ nguyên nhóm nợ, linh hoạt điều kiện tài sản bảo đảm, điều kiện cho vay đối với các DN dệt may.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 9/5/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,24 triệu tỷ đồng, tăng 2,69% so với cuối năm 2022, tăng 9,56% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng thấp đáng báo động.
Tại phiên thảo luận toàn thể về kinh tế, xã hội, ngân sách tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh: DN đang rất khát vốn tín dụng, nhưng không tiếp cận được vốn, nếu có tiếp cận được thì rất khó để giải ngân do điều kiện vay và thủ tục. Vị này cho rằng việc giảm lãi suất không quan trọng bằng tiếp cận được vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất, kinh doanh. Việc giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay cần thực chất để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp đến với DN.
Chính DN cũng như nhiều chuyên gia cho rằng, DN nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay vì không còn tài sản đảm bảo hoặc tình hình tài chính yếu kém. Nhiều DN không được giải ngân, chuyển sang nhóm nợ xấu do ngân hàng vẫn phải đảm bảo khả năng thanh toán tài sản thế chấp. NHNN cần xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của DN. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh triển khai các gói hỗ trợ, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giúp DN giảm bớt khó khăn.
Tìm điểm hài hòa
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, trong bối cảnh rủi ro tăng cao, việc hạ chuẩn tín dụng, nới lỏng điều kiện vay có thể làm gia tăng nguy cơ nợ xấu ngân hàng. Việc giãn, hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ xấu cũng có thể giúp DN giảm bớt khó khăn trước mắt, song sẽ đẩy rủi ro về tương lai.
TS Tô Hoài Nam - Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) lưu ý, việc giảm từ 1% đến 2% lãi suất cho vay chỉ có ý nghĩa đối với các DN lớn, có giá trị khoản vay cao. Còn đối với DN nhỏ và vừa thì sẽ quan tâm nhiều hơn đến các điều kiện vay vốn. Do đó, đối với việc ngân hàng cho DN nhỏ và vừa vay vốn, ngoài quy định cung cấp báo cáo tài chính thì quan trọng hơn là phải xem xét phương án kinh doanh khả thi. Từ đó có phương án cấp vốn phù hợp tình hình thực tế của các DN này để họ được thụ hưởng chính sách giảm lãi suất cho vay từ NHNN Việt Nam.
Trả lời báo chí liên quan đến việc tiếp cận vốn của DN, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, khó khăn của nền kinh tế là khó khăn tổng thể, trong đó có thể phân ra khó khăn của DN và khó khăn của các ngân hàng. Nếu các ngân hàng hỗ trợ DN ở mức chấp nhận được thì nền kinh tế sẽ tốt lên. Nếu ngân hàng hoãn, giãn nợ, nới lỏng điều kiện tín dụng thì khó khăn sẽ chuyển về phía ngân hàng, gây nguy cơ rủi ro mất an toàn hệ thống.
Lãnh đạo NHNN cho rằng, bài toán khó đặt ra ở đây là phải tìm được điểm hài hòa: hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, trong điều hành chính sách tiền tệ không cho “phép thử sai”. Vì vậy, trong điều hành chính sách tiền tệ cần hướng đến cân bằng các mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, hướng đến mục tiêu chung dài hạn ổn định hệ thống ngân hàng.
“DN đang rất khát vốn tín dụng, nhưng không tiếp cận được vốn, nếu có tiếp cận được thì rất khó để giải ngân do điều kiện vay và thủ tục. Vị này cho rằng việc giảm lãi suất không quan trọng bằng tiếp cận được vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất, kinh doanh. Việc giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay cần thực chất để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp đến với DN” - đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai).
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ban-cach-de-doanh-nghiep-tiep-can-duoc-von-5720016.html