Bàn cách xác định 'dấu chân' carbon để hướng đến du lịch Net Zero

Xác định 'dấu chân' carbon, phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và đảm bảo lợi ích cho cộng đồng địa phương là những yếu tố không thể thiếu trong tiến trình hướng đến du lịch Net Zero.

Đó là ý kiến được chuyên gia du lịch, chuyên gia môi trường, doanh nghiệp lữ hành và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đưa ra tại diễn đàn du lịch cấp cao với chủ đề “Chuyển đổi xanh, du lịch Net Zero – kiến tạo tương lai”, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM lần thứ 18, diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn SECC, quận 7, TPHCM vào ngày 5-9.

Các diễn giả trong phiên thảo luận. Ảnh: Nguyên Phong

Các diễn giả trong phiên thảo luận. Ảnh: Nguyên Phong

Cần xác định “dấu chân” carbon của du khách

Mục tiêu Net Zero là cam kết giảm thiểu lượng khí thải nhà kính xuống mức bằng 0. Đối với ngành du lịch, việc đạt được mục tiêu này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, các diễn giả đều cho rằng xác định “dấu chân” carbon là việc làm quan trọng mà ngành du lịch cần ưu tiên thực hiện để hướng đến du lịch Net Zero.

Theo đó, dấu chân carbon (carbon footprint) trong du lịch là tổng lượng khí nhà kính (chủ yếu là CO²) được thải ra trong quá trình thực hiện một chuyến đi. Điều này bao gồm mọi hoạt động từ việc di chuyển đến điểm đến, ăn uống, lưu trú… cho đến các hoạt động giải trí.

Cụ thể, trong khuôn khổ diễn đàn, ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ozon, Cục Biến đổi Khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã đề xuất nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu Net Zero trong du lịch, trong đó nổi bật là việc xác định “dấu chân” carbon. Ông cho rằng doanh nghiệp cần xác định được lượng khí thải phát sinh từ các hoạt động du lịch, từ khâu vận chuyển, lưu trú, ăn uống… đến các hoạt động vui chơi, giải trí. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tập trung vào các lĩnh vực cần cải thiện và đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất.

Đồng quan điểm với ông Huy, Phó chủ tịch Phát triển bền vững Assurik Intertek – ông Wesley Chen và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM – ông Trương Minh Huy Vũ, cũng cho rằng doanh nghiệp du lịch cần ưu tiên xác định “dấu chân” carbon trong hoạt động kinh doanh để có biện pháp giảm phát thải phù hợp.

“Việc di chuyển bằng máy bay, ô tô, tàu thủy và các hoạt động khách sạn, nhà hàng… đều thải ra một lượng lớn khí nhà kính. Xác định “dấu chân” carbon để có cơ sở hướng đến Net Zero trong ngành du lịch là nhiệm vụ không của riêng ai”, ông Wesley Chan nói.

Ông Wesley Chen cho rằng doanh nghiệp cần thông tin đầy đủ với khách hàng về “dấu chân” carbon của họ, qua đó khuyến khích khách hàng thay đổi hành vi tiêu dùng. Thay đổi nhận thức khách hàng là một quá trình lâu dài, tuy nhiên, doanh nghiệp lữ hành với vai trò tiên phong, trực tiếp phục vụ khách hàng, nên chủ động tìm hiểu nhu cầu và đưa ra các sản phẩm hạn chế tối đa phát thải, thúc đẩy du lịch bền vững.

Song, chia sẻ ngoài lề diễn đàn, bà Trần Hương Giang, Giám đốc chuyên môn Viện nghiên cứu và đào tạo Tâm Việt, cho rằng việc xác định “dấu chân” carbon là điều không dễ dàng. Theo bà Giang, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp với nhiều hoạt động nhỏ lẻ như ăn uống, lưu trú, vận chuyển… nên không dễ xác định nguồn phát thải và kiểm kê khí nhà kính.

“Nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu về phát thải giữa các bên liên quan còn rất hạn chế, cùng với việc quản lý theo ngành thay vì theo chuỗi giá trị, đã hạn chế đáng kể khả năng xác định và đánh giá chính xác lượng khí thải phát sinh từ hoạt động du lịch”, bà Giang nêu quan điểm. Do đó, việc xác định “dấu chân” carbon cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch.

Du khách tại ấp Thiềng Liềng – điểm du lịch cộng đồng điển hình đầu tiên của TPHCM.

Du khách tại ấp Thiềng Liềng – điểm du lịch cộng đồng điển hình đầu tiên của TPHCM.

Lấy khách hàng và cộng đồng dân cư làm trung tâm

Theo một khảo sát của Booking.com vào năm 2023, có đến 97% du khách người Việt Nam muốn tham gia vào các điểm đến du lịch bền vững, du lịch xanh. Trên toàn cầu, 80% số người tham gia khảo sát khẳng định du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng với họ.

Ông Pavnesh Kumar, Giám đốc Phát triển Bền vững và Nghiên cứu Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương (PATA), nhận định các điểm đến du lịch có thể tạo ra khác biệt đáng kể bằng cách cam kết về phát triển bền vững và mục tiêu phát thải ròng bằng 0. “Các điểm đến phải khiến mình “xanh hơn” và điều chỉnh chiến lược marketing để hướng đến phân khúc du khách mới nổi này”, ông Pavnesh Kumar nói và cho biết thêm, thực hiện các hành động cụ thể để bảo vệ môi trường, các điểm đến không chỉ thu hút du khách yêu thiên nhiên mà còn góp phần xây dựng một tương lai bền vững cho cộng đồng địa phương.

Ông Pavnesh Kumar cũng cho rằng doanh nghiệp cần thường xuyên đo lường hiệu quả của các hoạt động bền vững, từ lượng khí thải giảm được đến tỷ lệ du khách hài lòng với các “dịch vụ xanh”. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên có báo cáo công khai, cập nhật thường xuyên về tiến độ thực hiện các cam kết bền vững để đảm bảo tính minh bạch và tăng cường sự tin cậy của du khách.

Theo ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Oxalis Adventure, khi doanh nghiệp minh bạch về phát thải khí nhà kính, có những hành động của cụ thể gắn với trải nghiệm khách hàng thì họ sẽ dần yêu thích, chia sẻ đến bạn bè và khuyến khích nhiều người tham gia.

Mặt khác, các diễn giả đều nhận định việc thực hành Net Zero trong du lịch cần nhận được sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư. Theo đó, cộng đồng dân cư là người trực tiếp tham gia vào công tác bảo vệ môi trường điểm đến, bảo tồn văn hóa và là “đại sứ” du lịch của địa phương. Vì vậy, cộng đồng địa phương cần được khuyến khích tham gia vào quá trình phát triển du lịch bền vững, từ đó đảm bảo rằng trách nhiệm và lợi ích từ du lịch Net Zero sẽ được chia sẻ công bằng và đóng góp vào sự phát triển bền vững của khu vực.

Du khách nước ngoài tại Bến Tre. Ảnh: Quách Duy Thịnh

Du khách nước ngoài tại Bến Tre. Ảnh: Quách Duy Thịnh

Chia sẻ trong khuôn khổ diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn Vietravel, cũng đề xuất ngành du lịch cần xây dựng bộ tiêu chí về giảm thiểu phát thải để doanh nghiệp có mục tiêu phấn đấu, kiểm soát và thay đổi chiến lược phù hợp. Dựa vào bộ tiêu chí sẽ đo lường được mức độ phát thải trong hoạt động du lịch của doanh nghiệp, từ đó, có những đánh giá khen thưởng hoặc xử lý vi phạm.

Ứng dụng công nghệ để hướng đến du lịch Net Zero

Bên cạnh các giải pháp hướng đến du lịch Net Zero được các chuyên gia đưa ra, thì Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định công nghệ đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ các giải pháp “chuyển đổi xanh”, từ việc áp dụng năng lượng tái tạo đến quản lý tài nguyên thông minh.

Theo đó, các doanh nghiệp du lịch cần tăng cường áp dụng các công nghệ tiên tiến trong ngành du lịch, như hệ thống quản lý năng lượng thông minh tại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng, sử dụng xe điện trong các tour du lịch, và áp dụng các công nghệ tái chế rác thải.

Một ví dụ nổi bật là ở Quảng Nam, với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và chính phủ, địa phương này đã trở thành một mô hình điển hình trong việc áp dụng các giải pháp bền vững cho du lịch. Tại các khu nghỉ dưỡng sinh thái ở Hội An và Cù Lao Chàm, nhiều cơ sở lưu trú đã đầu tư vào hệ thống năng lượng mặt trời để cung cấp điện năng cho hoạt động của mình, giúp giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

Ngoài ra, những sáng kiến về quản lý tài nguyên nước, như hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa, cũng được triển khai, nhằm giảm thiểu tác động môi trường và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Việc áp dụng các công nghệ này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn thu hút thêm nhiều du khách có ý thức về bảo vệ môi trường đến với khu vực.

Nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Phú Quốc và Ninh Bình đã đầu tư vào hệ thống năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho hoạt động của cơ sở. Tại Đà Nẵng, các phương tiện công cộng và xe điện cũng được khuyến khích sử dụng trong hoạt động du lịch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Nguyên Phong

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/ban-cach-xac-dinh-dau-chan-carbon-de-huong-den-du-lich-net-zero/